Quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự: Thực trạng và giải pháp ​

25/05/2023 00:49 | 10 tháng trước

(LSVN) - Hiện nay, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu hướng hội nhập quốc tế thì vai trò và ý nghĩa của công tác thi hành án ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, có vị trí xứng đáng trong hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam.


Ảnh minh họa.

Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động đưa bản án, quyết định về dân sự của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra thi hành trên thực tế. THADS bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, trực tiếp góp phần giữ vững k cương phép nước, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực, trong đó đáng chú ý là kết quả thi hành án thường đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ giao; nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, có giá trị lớn đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thi hành dứt điểm. Kết quả đạt được nói trên phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ thi hành án, sự quan tâm, chỉ đạo của cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan trong thi hành án dân sự. Hoạt động thi hành án nói chung, THADS nói riêng kém hiệu quả sẽ không đảm bảo được mục đích của quá trình tố tụng, nói cách khác, kết quả của quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ không phát huy được tác dụng. THADS là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, có số lượng rất lớn các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan, cả về pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung. Ngoài ra quy trình, thủ tục THADS đòi hỏi phải thực hiện rất chặt chẽ, đa dạng tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng loại bản án, quyết định khác nhau.

Trong những năm qua, thực tế hoạt động THADS còn nhiều hạn chế, trở thành vấn đề được quan tâm, lo lắng của các nhà quản lý, trở thành nỗi lo, sự bức xúc của toàn thể xã hội. Trong điều kiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, THADS nói riêng là sự đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan. Cùng với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vai trò của Nhà nước quyết định chất lượng, hiệu quả của hoạt động THADS. Kể từ Pháp lệnh THADS năm 2004, đến Luật THADS năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung THADS năm 2014, Nhà nước tăng cường quản lý công tác THADS, từng bước cải cách toàn diện hoạt động này, vì vậy trên các mặt như: Thể chế hoạt động, tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ được nâng cao, kết quả THADS năm sau luôn cao hơn năm trước, giảm án tồn đọng rõ rệt qua từng năm…, dư luận xã hội phần nào đã yên tâm, tin tưởng đối với hoạt động THADS. Do vậy, quản lý Nhà nước đối với hoạt động THADS là một yêu cầu khách quan, ngày càng trở lên cấp thiết và nó giữ vai trò hết sức quan trọng cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch ngành, xây dựng và kiện toàn tổ chức, tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, bảo đảm thực hiện quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công công cuộc cải cách tư pháp. Đ thực hiện tốt được mục đích đó, đòi hỏi ngoàiviệc phải có một bộ máy trực tiếp thực hiện công tác THADS tốt còn phải có một cơ chế quản lý công tác thi hành án hiệu quả.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về THADS, tùy từng điều kiện cụ thể ở từng địa phương, các cấp chính quyền, cơ quan THADS đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức THADS và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm còn bộc lộ nhiều tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động thi hành án dân sự và chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý Nhà ớc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh sâu đầy đủ các hình thức hoạt động thi hành án dân s trong thời kỳ mới. Các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Do tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế, tình trạng số vụ việc tranh chấp về dân sự và kinh tế ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về nội dung. Kết quả là số lượng các bản án, quyết định phải thi hành ngày càng nhiều, tổng số tiền và hiện vật phải thi hành ngày càng lớn, trong đó có nhiều vụ việc rất khó khăn, phức tạp trong việc tổ chức thi hành. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp Ủy Đảng, chính quyền và sự cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án trong các cơ quan thi hành án từ Trung ương tới địa phương đã làm giảm đáng kể số lượng án phải thi hành hàng năm, nhưng số vụ việc và số tiền phải thi hành chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn, có xu hướng tăng lên. Đáng lo ngại là trên thực tế nhiều vụ việc không thể thi hành được còn tồn tại rất nhiều. Vẫn còn tình trạng các bản án, quyết định cuả Tòa án đã có hiệu lực nhưng chưa được nghiêm chỉnh thi hành, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật như: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án dân sự chưa chủ động; đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng về chất lượng và yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp; Chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án, một số cơ quan, cá nhân liên quan chưa nhận thực đầy đủ trách nhiệm trong việc thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong một số vụ việc chưa đạt hiệu quả; sự khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thi hành án.

Từ thực trạng và nguyên nhân trên đòi hỏi chúng ta phải có những phương pháp, hướng giải quyết để khắc phục tồn tại, khó khăn và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật theo hướng chú trọng chất lượng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm thiểu các chi phí do ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp trong quá trình tổ chức thi hành án. Công khai, minh bạch quy trình tổ chức thi hành án, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác THADS.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thi hành án cho đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức.

Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm phân loại chính xác các vụ án có điều kiện thi hành, tổ chức các đợt cao điểm về thi hành án, thi hành dứt điểm các vụ việc tồn đọng, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, kéo dài; đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành phải có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo, không để kéo dài.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc tổ chức THADS để giải quyết dứt điểm những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, đồng thời hạn chế thấp nhất những vụ việc tái chiếm lại tài sản sau cưỡng chế, chuyển giao; phối hợp với Công an các cấp bảo vệ cưỡng chế thi hành án hoặc xác minh nhân thân của người phải thi hành án, ngăn chặn và làm hạn chế hành vi chống đối, cản trở, chây ỳ, không chấp hành bản án của đương sự đối với người thi hành công vụ, bảo vệ an toàn tính mạng của những người tham gia cưỡng chế và các tài sản có liên quan đến việc thi hành án. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương để kịp thời phát hiện, khắc phục và hạn chế các vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và đề nghị xử lý hình sự đối với những người vi phạm từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối tượng phải thi hành án tự nguyện thi hành khi bản án có điều kiện thi hành; xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án có hiệu lực. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân theo đúng quy định, trình tự, thẩm quyền.

Thạc sĩ TRẦN THỊ THU

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự: Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất