/ Pháp luật - Đời sống
/ Quan điểm và góc nhìn Luật sư liên quan đến dự án 'Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây'

Quan điểm và góc nhìn Luật sư liên quan đến dự án 'Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây'

27/07/2023 10:51 |

(LSVN) - Liên quan đến phản ánh của gần 60 hộ dân ở tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội về vấn đề pháp lý liên quan đến dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây”, từ hồ sơ vụ việc và các tài liệu được cung cấp, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi đã đưa ra nhận định về vấn đề trên để trả lời và cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Đơn thư bạn đọc phản ánh gửi đến Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Từ nội dung vụ việc

Theo đó, gần 60 hộ dân có chỗ ở ổn định tại tổ dân phố 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã hơn 40 năm nay, họ không hề biết đến thông tin có dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây”. Vào năm 2011, người dân nhận được thông tin về dự án này trong phạm vi hơn 15.000m2 đất và những hộ dân trên thuộc diện phải di dời để thực hiện dự án. 

Thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người dân nơi đây đã nhiều lần làm đơn đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành cung cấp tài liệu hồ sơ của dự án để nghiên cứu. Sau nhiều tháng ngày vất vả, bằng nhiều cách khác nhau, họ đã thu thập được các tài liệu cơ bản về dự án. Nghiên cứu toàn bộ các tài liệu thu thập được từ Ban Quản lý dự án và từ nhiều nguồn khác nhau, người dân nhận thấy, dự án được lập không có căn cứ, qua đó cũng phát hiện ra nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật của các cán bộ, cơ quan từ phường đến quận và thành phố. 

Người dân cho rằng, từ năm 2021 đến nay, gần 60 hộ dân đã liên tục có đơn yêu cầu, khiếu nại và thậm chí cả tố cáo những vấn đề sai trái của cán bộ và những người đứng đầu UBND quận Thanh Xuân trong quản lý, bảo vệ đất đai và di tích lịch sử, văn hóa. Trong khi các yêu cầu, đề nghị của người dân chưa được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng,… thì gần đây, một số hộ dân đã nhận được quyết định phê duyệt phương án đền bù với giá 0 đồng và quyết định thu hồi đất. Tại quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư xác định những hộ dân đang sinh sống trên đất của khu di tích. 

Theo người dân, đây là nội dung không đúng với thực tế quản lý sử dụng đất và biến động đất đai tại khu vực này,… Việc lập, phê duyệt dự án "Tu bổ tôn tạo di tích Gò Đống Thây" đến việc xác định lịch sử sử dụng đất đai của UBND quận Thanh Xuân là trái quy định pháp luật.

Theo ý kiến của nhiều hộ dân, có những gia đình đã làm nhà sinh sống ở đây 5 đời từ trước khi Gò Đống Thây được công nhận là di tích lịch sử, từ những năm 1987 khai hoang, phục hóa, sinh sống qua nhiều giai đoạn khác nhau và người dân đã làm nhà ở ổn định, nhưng không ai nhắc nhở gì về chuyện đất di tích cũng như có yêu cầu ngăn chặn gì. Nơi đây đã hình thành nên một tổ dân phố đông đúc như bây giờ, vậy mà UBND quận Thanh Xuân cho rằng họ lấn đất di tích, xây dựng nhà cửa, công trình sau tháng 7/2014 là không đúng với lịch sử biến động đất đai.

Gò Đống Thây trải qua hơn 600 năm lịch sử có nhiều chuyển dịch theo thời gian, các Gò sương (thây) đã bị san lấp,… Hiện còn duy nhất 01 Gò - phương đình 4 cột “trống không” được Nhà nước dựng lên (sau này, người dân tự bỏ công sức, tiền bạc xây dựng thành Phương Đình khang trang sạch đẹp như hiện nay). Nếu tu bổ, tôn tạo thì chỉ thực hiện các công việc trên nền cái gốc, giữ nguyên cái gốc của di sản, mà cái gốc di sản gò hiện chủ yếu là Phương Đình thì chỉ đầu tư vào khu vực này, chứ không mở rộng phạm vi đến hơn 15.000 m2 và xây dựng mới những thứ không “trên cơ sở nền gốc”.

Song song với gửi đơn cầu cứu đến các cơ chức năng, người dân cũng đã viết đơn khởi kiện ra Tòa án đề nghị tòa tuyên hủy một số nội dung liên quan đến vụ việc như: Tuyên hủy Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 26/3/1997 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao cho Ban Quản lý (BQL) di tích danh thắng Hà Nội; Quyết định thu hồi đất số 1229/QĐ-UBND ngày 18/5/2023 của UBND quận Thanh Xuân; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 1248/QĐ-UBND ngày 18/5/2023 của UBND quận Thanh Xuân; tuyên hủy Văn bản xác nhận số 70/UBND- ĐC ngày 16/02/2023 của UBND phường Thanh Xuân Trung; xác nhận số 223/UBND -ĐC ngày 28/4/2023 của UBND phường Thanh Xuân Trung điều chỉnh xác nhận số 70/UBND-ĐC ngày 16/02/2023; tuyên hành vi hành chính về việc UBND phường Thanh Xuân Trung không cung cấp Văn bản xác nhận số 70/UBND-ĐC ngày 16/02/2023 của UBND phường Thanh Xuân Trung; Xác nhận số 223/UBND-ĐC ngày 28/4/2023 của UBND phường Thanh Xuân Trung điều chỉnh Xác nhận số 70/UBND-ĐC ngày 16/02/2023 là trái pháp luật.

Tài liệu liên quan đến Gò Đống Thây.

Góc nhìn Luật sư từ hồ sơ vụ việc

Từ hồ sơ vụ việc và các tài liệu được cung cấp, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi đã đưa ra nhận định về vấn đề trên. Theo Luật sư Lợi thì việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây do UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư là một dự án được lập chưa thật sự đúng quy định, không đủ căn cứ để tổ chức thực hiện trên thực tế. Bởi không có văn bản có tính pháp lý nào xác định được diện tích của di tích Gò Đống Thây là bao nhiêu, mốc giới từ đâu đến đâu để lập dự án với diện tích 15.336m2. Điều này thể hiện rõ ở mấy khía cạnh sau: 

Thứ nhất, Gò Đống Thây được công nhận “Di tích lịch sử” vào ngày 28/9/1990 theo Quyết định số 993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Tại quyết định này không chỉ rõ di tích có diện tích bao nhiêu, các mốc giới cụ thể từ đâu đến đâu. Thực tế những hộ dân ở đây đã làm nhà ở tại đây trước khi Gò Đống Thây được công nhận “Di tích lịch sử” cho đến 2020 chưa hề thấy có mốc giới thực địa xác định ranh giới diện tích của khu gò ở bất kỳ vị trí nào. 

Thứ hai, qua một loạt văn bản mà UBND quận Thanh Xuân sử dụng làm căn cứ để lập và, phê duyệt, thực hiện dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây” cho thấy, UBND quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội đã tùy tiện trong việc xác định diện tích đất khu di tích Gò Đống Thây - dẫn đến việc lập dự án tu bổ không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế sử dụng đất đai ở khu vực. Bởi, theo Quyết định 3703 ngày 25/10/2018 của UBND quận Thanh Xuân về việc phê duyệt dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây" (ngoài các căn cứ chung là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công, Luật Di sản văn hóa) thì quyết định này này dựa vào các căn cứ pháp lý chủ yếu gồm: Quyết định 993 ngày 28/9/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch”; Quyết định số 1185/QBUB ngày 26/3/1997 của UBND thành phố Hà Nội (tài liệu đánh số 02 gửi kèm); Căn cứ vào hàng loạt công văn trao đổi của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch về thỏa thuận điều chỉnh giảm diện tích khoanh vùng (giảm diện tích đất) di tích Gò Đống Thây; Văn bản số 15/TT-HĐND ngày 30/3/2017 của Thường trực Hội đồng nhân dân quận Thanh Xuân về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Những văn bản mà UBND quận Thanh Xuân sử dụng làm căn cứ lập và phê duyệt dự án này là những văn bản không có giá trị pháp lý cho việc lập dự này (các văn bản là hoặc đã hết hiệu lực, hoặc không chứa đựng nội dung để làm căn cứ, hoặc văn bản ban hành không đúng thẩm quyền,…).

Cụ thể, tại Quyết định 993 ngày 28/9/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (Tài liệu đánh số 01 trong hồ sơ gửi kèm) chỉ là quyết định công nhận Gò Đống Thây là di tích lịch sử,… không hề có câu chữ nào xác định Khu di tích này có diện tích đất bao nhiêu, các mốc giới cụ thể. Quyết định này cũng không giao cho cơ quan nào xác định diện tích mốc giới của di tích này. Do vậy, UBND quận Thanh Xuân dựa vào quyết định này để lập dự án tu bổ tôn tạo di tích gò Đống Thây với diện tích hơn trên 15.336m2 là chưa thật sự chính xác.

Quyết định số 1185/QBUB ngày 26/3/1997 của UBND thành phố Hà Nội có nêu: Giao cho BQL di tích danh thắng Hà Nội quản lý 26.722 m2 tại khu vực Gò Đống Thây theo Quyết định 993 ngày 28/9/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Đây là quyết định vi phạm Luật Đất đai năm 1993 khi lấy đất đang có người sử dụng cấp cho BQL danh thắng mà chưa có quyết định thu hồi (vi phạm Điều 19 Luật Đất đai năm 1993). Mặt khác, quyết định chỉ là văn bản mang tính nguyên tắc để chuẩn bị thực hiện việc giao quyền sử dụng đất cho di tích. Quyết định này chỉ có giá trị sau khi đã hoàn thành các công việc và UBND thành phố ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích,…

 Cũng theo Luật sư Vũ Văn Lợi, nếu dựa vào các công văn trao đổi thỏa thuận giữa các cơ quan chuyên môn - có chức năng tham mưu cho UBND thành phố và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch về thỏa thuận giảm diện tích đất của gò từ 26.722 m2 (theo Quyết định 1185 của UBND thành phố Hà Nội) xuống còn 15.336m2 (các tài liệu gửi kèm được đánh số 1, 2, 3, 4, 5 và 7) để lập dự án tu bổ tôn tạo di tích lại càng không đảm bảo cơ sở pháp lý.

Thứ nhất, như đã khẳng định di tích gò Đống Thây chưa được cơ quan có thẩm quyền nào giao đất bao nhiêu thì việc thỏa thuận giữa các cơ quan liên quan đều không có căn cứ.

Thứ hai, giả sử trong trường hợp công nhận đất của di tích này là 26.722 m2 thì việc tăng giảm diện tích đất của di tích phải được thực hiện bằng một quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã giao đất cho di tích - ở đây phải là quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, sau khi có sự đồng ý của Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch… chứ không thể tùy tiện điều chỉnh bằng các văn bản trao đổi thông tin và ý kiến của các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch. Những văn bản này chỉ có giá trị để UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tham khảo khi ban hành quyết định mà thôi. Cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa có một quyết định nào về phạm vi, mốc giới đất đai của khu di tích Gò Đống Thây mà UBND quận Thanh Xuân khẳng định diện tích của Gò là 15.336m2 để lập dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích trên diện tích này là việc làm trái pháp luật, phi thực tế,…

Đối với Văn bản số 15/TTHDND ngày 30/3/2017 của Thường trực HĐND quận Thanh Xuân về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ tôn tạo di tích Đống Thây mà UBND quận Thanh Xuân làm căn cứ để phê duyệt thực hiện dự án là không thỏa đáng. Việc Thường trực HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa có sự ủy quyền của HĐND là trái với Luật Đầu tư công và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hội nghị, đối thoại với trao đổi với công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đồng Thây.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 21/7/2023, UBND huyện Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị, đối thoại với trao đổi với công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đồng Thây nhưng không thành do người dân không đồng ý về vấn đề.

Thứ nhất, thành phần mời tham gia đối thoại thiếu các sở, ban ngành của Hà Nội như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,... Đây là những thành phần quan trọng liên quan đến dự án.

Thứ hai, người dân không đồng ý việc UBND quận Thanh Xuân không mời UBND thành phố Hà Nội là cơ quan ban hành Quyết định giao đất số 1185/QĐ-UBND ngày 26/3/1997 cho BQL Di tích danh thắng Hà Nội.

Ngoài ra, các hộ dân yêu cầu báo chí được tự do tác nghiệp, không được cản trở nhà báo; nhiều thành phần chủ chốt không có có người đại diện để đối thoại với người dân, người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp và người dân đề nghị UBND quận Thanh Xuân tổ chức một buổi đối thoại khác với đầy đủ thành phần.

PV

Bùi Thị Thanh Loan