LSVNO - Doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn mà vẫn phải thấp thỏm với quy định tại Nghị định 20 có thể khiến họ phải nộp hàng ngàn tỷ. Giờ đây, những bất cập được thừa nhận nhưng khoản tiền DN đã đóng từ trước có được trả lại?.
Gánh nặng và việc sửa đổi bất cập
Mấy năm liền, một điểm nghẽn khiến nhiều DN “thấp thỏm” - đó là Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Sau gần 3 năm có hiệu lực, Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của DN được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay).
Thực tế, suốt những năm qua, nhiều DN nhà nước, DN tư nhân lớn trong nước đã lên tiếng phản ánh những bất cập của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 20. Nhưng giờ đây, những động thái đầu tiên mới được bắt đầu lấy ý kiến sửa đổi, trong khi từ 2017 nhiều DN đã phải móc hàng ngàn tỷ ra nộp tiền thuế cho một quy định bất hợp lý.
Tại cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của DN để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Việc thực hiện các quy định về chống chuyển giá theo Nghị định 20 đã giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính thu về ngân sách mỗi năm 11.089 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là 2.089 tỷ đồng, giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng, giảm lỗ 8.925 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân là 7.732 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng thừa nhận có bất cập là phạm vi đối tượng áp dụng rộng, áp dụng cho tất cả các đơn vị có giao dịch liên kết; gây khó cho các hoạt động của DN trung chuyển vốn vay - cho vay lại (holding), hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước...
Ngàn tỷ đã nộp vào ngân sách theo quy định trên, nhưng khi sửa Nghị định 20, cơ quan soạn thảo vẫn không đề cập gì đến việc xử lý số tiền đã thu của DN năm 2017, 2018, trong dự thảo Nghị định sửa đổi chỉ đồng ý áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp muốn cơ quan thuế áp dụng hồi tố việc sửa đổi với khoản tiền đã đóng của năm 2017, 2018, ông Trần Anh Tuấn, Công ty dịch vụ tư vấn kế toán thuế Đồng Nai cho rằng: Mục tiêu của Nghị định 20 là ngăn chặn việc chuyển giá của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, nhưng việc áp dụng Nghị định 20 của cơ quan thuế trong việc khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này là không đúng mục tiêu ban đầu của Nghị định này, gây ảnh hưởng nặng nề cho các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên trong cùng tập đoàn/tổng công ty.
DN đang khó khăn, nên trả lại tiền
Theo ông Trần Anh Tuấn, việc hồi tố lại cho các doanh nghiệp là hợp lý và chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng, nhận xét: "Thông thường, tôi không ủng hộ chuyện hồi tố quy định pháp luật nhưng trường hợp này tôi lại rất muốn. Quy định chưa phù hợp thì phải sửa từ đầu, không có chuyện sửa nửa vời. Đã chấp nhận hồi tố năm 2019 thì phải chấp nhận hồi tố cả khoản tiền doanh nghiệp đã nộp năm 2017, 2018".
Nhắc lại những nội dung tại Nghị định 20, ông Chung Thành Tiến cho rằng: "Ảnh hưởng lớn nhất là các tập đoàn, công ty mẹ - con. Họ đầu tư một dự án, thành lập một công ty con để hoạt động. Khi đó, tiền đâu để đầu tư? Không ai đủ tiền túi để đầu tư khi dự án lên tới cả ngàn tỷ đồng. Cho nên họ phải sử dụng vốn vay. Nhưng công ty mới thành lập, dự án mới đầu tư thì ngân hàng không thể cho vay nhiều được. Họ chưa có báo cáo tài chính đẹp, thì ngân hàng đâu cho vay, cho nên phải nhờ pháp nhân công ty mẹ. Chỉ công ty mẹ mới có uy tín, tình hình tín dụng tốt, sức khỏe tốt, tài sản thế chấp đầy đủ nên ngân hàng mới cho vay. Đây là mẹ vay giùm cho con, rồi con trả lại ngược cho mẹ. Đó cũng không phải là vay, mà là mượn pháp nhân để vay".
Ông Chung Thành Tiến nhấn mạnh: Quan điểm của tôi là quy định chưa phù hợp thì phải trả lại tiền cho doanh nghiệp.
Cộng đồng DN đang đối mặt với nhiều khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn hiện nay, một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được các NH công bố, đi cùng đó là những chính sách hỗ trợ tài khoá lên đến hàng chục ngàn tỷ. Bộ Tài chính được chỉ đạo ngay trong tháng 3 này phải ban hành Nghị định gồm các giải pháp về thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, việc sửa Nghị định 20 nhanh chóng và quyết định hợp lý về khoản tiền ngàn tỷ đã nộp cũng được mong chờ như 1 hành động thiết thực để hỗ trợ DN.
Khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của DN thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN. Nội dung này đang gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của DN có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán. |
Lương Bằng(Vietnamnet)