Ảnh minh hoạ.
Chiều ngày 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một điểm mới đáng chú ý, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất đối với rượu, bia theo lộ trình, từ 2026 - 2030, mỗi năm điều chỉnh tăng 5%.
Dự thảo xây dựng hai phương án tăng thuế, phương án 2 có mức tăng cao hơn. Theo đó, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Còn rượu dưới 20 độ tăng từ mức hiện hành 35% lên tối đa 60% hoặc 70%; mặt hàng bia cũng tăng từ 65% hiện tại lên 90% hoặc 100% sau 6 năm nữa.
Chính phủ cho biết giá bán các mặt hàng rượu, bia năm 2026 sẽ tăng 2-10% so với 2025 khi điều chỉnh thuế suất. Các năm tiếp theo, mỗi năm giá bán tăng 2-3%. Việc này nhằm đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát hoặc tăng thu nhập của người tiêu dùng. Chính phủ nghiêng về phương án 2 - phương án áp thuế suất tuyệt đối (tức 100%) với sản phẩm rượu, bia vào 2030. Lý do bởi việc này sẽ có tác dụng tăng giá, giảm khả năng chi trả của các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, qua đó “tác động cao hơn trong giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và tác hại liên quan do việc lạm dụng gây ra”.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng tình với việc tăng thuế như phương án 2 để điều tiết tiêu dùng, hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia, gây tác hại đến sức khỏe người dân và trật tự an toàn xã hội. Một số ý kiến cho rằng theo đánh giá tác động, ngay cả mức tăng thuế tuyệt đối giá bán lẻ các mặt hàng này sẽ cao hơn khoảng 2-3% mỗi năm trong giai đoạn 2027-2030, trừ 2026 là khoảng 10%.
Như vậy, so với mức tăng lạm phát và tăng trưởng thu nhập bình quân hàng năm (khoảng 6%) thì mức tăng từ năm 2027 vẫn thấp hơn. Điều này có nghĩa vẫn “chưa đủ” để giảm sức chi trả tương đối so với thu nhập và sản lượng rượu, bia trong cả giai đoạn chỉ có thể giảm nhẹ ở mức 1,6% (năm 2030 so với năm 2025). Điều này dẫn tới mức tăng theo đề xuất của Chính phủ trong các phương án chưa đạt được mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO, nhằm điều tiết sản xuất và định hướng tiêu dùng… Từ phân tích trên, ý kiến này đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra.
Ngoài ra, ý kiến khác trong cơ quan thẩm tra nhận định việc quy định mức thuế với bia và rượu trên 20 độ bằng nhau là chưa phù hợp, bởi tác hại của rượu hay bia phụ thuộc vào nồng độ cồn. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về căn cứ đưa ra mức thuế suất các mặt hàng này và cân nhắc thu hẹp mức chênh lệch thuế suất giữa rượu dưới 20 độ và trên 20 độ. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định lộ trình tăng thuế. Theo đó, giai đoạn 2026-2028, thuế suất với rượu dưới 20 độ tương ứng các mức 90%, 95% và 100%. Rượu dưới 20 độ là 60%, 65% và 70% tương ứng các năm 2026-2028.
Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với đồ uống có cồn. Ý kiến này dẫn Chiến lược cải cách thuế đã đặt ra mục tiêu “nghiên cứu áp dụng kết hợp thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hơn nữa, tới năm 2022, thế giới có khoảng 148 quốc gia thu thuế này với các sản phẩm đồ uống có cồn, nhưng số nước áp dụng cách tính thuế tương đối chỉ chiếm chưa đến 25%...
HUY VŨ (t/h)