(LSVN) - Singapore đã đề xuất một khuôn khổ quản trị mới cho ngành trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và đang tìm kiếm phản hồi của dư luận quốc tế tại Diễn đàn kinh tế Davos.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore, Josephine Teo.
Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Singapore, Josephine Teo cho biết khung quản trị này do Tổ chức Xác minh AI và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) phát triển. Đây là một phần đóng góp của Singapore cho cuộc đối thoại toàn cầu trong thời kỳ bùng nổ AI.
Phát biểu với The Straits Times ở Davos, Thụy Sĩ, nơi bà đang tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024), bà Teo cho biết việc quản lý AI không thể chỉ được thực hiện ở cấp quốc gia.
Bà nói: “Chúng tôi lựa chọn WEF Davos 2024 làm bệ phóng cho khuôn khổ cập nhật và tìm kiếm đầu vào quốc tế của khung quản trị AI bởi một phần cũng là do lĩnh vực này còn quá non trẻ. Chúng tôi tin rằng để đạt được tiến bộ, cần phải đưa ra một đề xuất rõ ràng, đặt nó lên bàn đàm phán và sau đó những đóng góp của cộng đồng quốc tế sẽ giúp hoàn thiện bộ khung một cách đa chiều”.
Khung quản trị này được gọi là MGF-GenAI dự kiến sẽ được hoàn thiện vào giữa năm 2024.
Bà Teo nói thêm rằng tiến độ của khuôn khổ này song song với Chiến lược AI quốc gia 2.0 được đưa ra vào tháng 12/2023. Theo bà, khuôn khổ mới, được cho là khá toàn diện, xác định 9 khía cạnh chính của quản trị AI, chẳng hạn như trách nhiệm giải trình và bảo mật, cũng như thử nghiệm và đảm bảo chất lượng đầu ra.
Bộ khung được xây dựng dựa trên những nỗ lực như bài thảo luận của IMDA vào năm 2023 về những rủi ro liên quan đến việc sử dụng AI nhiều hơn.
Tổ chức Xác minh AI, do IMDA thành lập vào năm 2023 đã liệt kê các công ty như Google, IBM, Microsoft và Salesforce trong số các thành viên của tổ chức này.
Theo tờ the Staits Times, khi được hỏi những bài học rút ra từ khuôn khổ ban đầu đã định hình khuôn khổ mới như thế nào, bà Teo nói rằng khi phiên bản 2019 được ra mắt, các lĩnh vực khác nhau như dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe được xây dựng dựa trên đó để phát triển một sản phẩm cụ thể cho những lĩnh vực này.
Mặc dù Singapore không phải là quốc gia duy nhất đóng góp vào cuộc thảo luận toàn cầu về AI, nhưng những cách thực tế mà quốc gia này tiếp cận với quản trị AI bao gồm cả việc phát triển bộ công cụ thử nghiệm như AI Verify đã giúp Singapore được đánh giá là quốc gia thực dụng và có tư duy tiến bộ.
Bộ trưởng Teo cho rằng, khung quản trị MGF-GenAI có thể sẽ tìm thấy một con đường phù hợp với các các lĩnh vực khác nhau sẽ sử dụng AI và sẽ tìm ra cách quản trị phù hợp nhất với hoàn cảnh của người dùng AI.
Về cách Singapore sẽ nâng cao nhận thức về MGF-GenAI trên toàn thế giới, bà Teo lưu ý rằng Singapore mong muốn được tham gia tích cực vào các cuộc đối thoại toàn cầu về AI, chẳng hạn như thông qua Quan hệ đối tác toàn cầu về trí tuệ nhân tạo mà Singapore là thành viên sáng lập.
Bà cũng cho biết thêm rằng, Singapore và Hoa Kỳ đã hợp tác để tìm ra các lĩnh vực liên kết giữa khuôn khổ quản lý rủi ro AI của Hoa Kỳ và khuôn khổ quản trị của Singapore.
“Đây là những bước chúng tôi đang thực hiện nhằm thúc đẩy một môi trường nơi AI có thể được triển khai một cách có trách nhiệm. Sự an toàn của AI có thể đạt được và bằng cách đó, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp nền tảng vững chắc hơn cho những đổi mới về AI”, bà nói.
Về một số thách thức tiềm tàng có thể nảy sinh trong việc quản lý AI tạo sinh, so với AI truyền thống, bà Teo cho biết cách sử dụng AI tạo sinh vẫn đang được các tổ chức và thậm chí cả Chính phủ Singapore thử nghiệm, nên khó có thể biết cụ thể là ứng dụng nào sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai.
Điều này có nghĩa là việc quản trị AI ở giai đoạn này phần lớn vẫn ở mức độ thiết lập các nguyên tắc và xác định điều gì là quan trọng hơn.
NHẬT LINH/TTXVN
Lạm phát cao có thể cản bước ECB giảm lãi suất trong năm 2024