(LSVN) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 14/2014/TT-BNV quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành văn thư và Thông tư số 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c, g, h Khoản 3; điểm a, b Khoản 4 Điều 5 (ngạch Văn thư chính) Thông tư số 14/2014/TT-BNV theo hướng như sau:
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Văn thư chính:
c) Có kiến thức và năng lực tổ chức lao động trong hoạt động văn thư; ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, ứng dụng được những kinh nghiệm tiên tiến trong nước, ngoài nước để nâng cao hiệu quả công tác văn thư;
g) Đối với công chức dự thi nâng ngạch văn thư chính thì trong thời gian giữ ngạch văn thư hoặc tương đương phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì xây dựng, đã được cấp có thẩm quyền ban hành; chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện mà cơ quan sử dụng công chức được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, xây dựng, đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; có ít nhất 01 sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
h) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác văn thư hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Công chức dự thi nâng ngạch văn thư chính phải có thời gian giữ ngạch văn thư hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ ngạch văn thư tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng).
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành văn thư, lưu trữ hoặc nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng Nghiệp vụ Văn thư theo yêu cầu vị trí việc làm do Bộ Nội vụ ban hành;
b) Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch Văn thư chính.
Đối với Thông tư số 10/2019/TT-BNV, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung Khoản 4 Điều 3 (Cách chuyển xếp lương) như sau:
Trường hợp công chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương ở công chức loại A0 theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành), nay được bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) thì việc xếp bậc lương trong ngạch văn thư trung cấp được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự, thử việc) như sau:
Tính từ bậc 2 của ngạch văn thư trung cấp, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm chế độ nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.
Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch văn thư trung cấp, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch văn thư trung cấp cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian công chức xếp lương ở ngạch văn thư trung cấp. Sau đó, nếu công chức được nâng ngạch thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi nâng ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.
MINH HIỀN