Ảnh minh họa.
Công văn nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 và các nghị định liên quan.Doanh nghiệp cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.
Các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm cần bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng; nghiêm cấm hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; trong đó, lưu ý hoạt động cho vay tiêu dùng, cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; lưu ý mức độ tập trung tín dụng vào khách hàng/khách hàng lớn và người có liên quan, nhóm khách hàng có liên quan, cổ đông và người có liên quan....
Các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, định giá tài sản bảo đảm, kiểm tra sử dụng vốn vay, đặc biệt là cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, các ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, nỗ lực thu hồi, xử lý nợ xấu, chú trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chủ động cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản và tuân thủ các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
Các ngân hàng cần thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp phân loại nợ, trích lập dự phòng chưa đúng quy định để chấn chỉnh kịp thời đảm bảo việc phân loại nợ, trích lập dự phòng phản ánh đúng chất lượng nợ; thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái theo đúng quy định; rà soát các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi; chủ động có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro phù hợp nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ nhóm 2, nợ xấu mới, đảm bảo chất lượng tín dụng.
PV
Luật sư với hoạt động xây dựng và tuyên truyền, phố biến pháp luật