/ Luật sư trực ban
/ Thế nào là tội phạm rất nghiêm trọng?

Thế nào là tội phạm rất nghiêm trọng?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tội phạm rất nghiêm trọng là gì? Mức phạt tù cao nhất của tội phạm rất nghiêm trọng là bao lâu?

Ảnh minh họa.

Tội phạm là gì? Tội phạm rất nghiêm trọng là gì?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, theo đó:

- Chủ thể thực hiện: Do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý;

- Khách thể thâm phạm mà theo quy định phải bị xử lý hình sự:

+ Xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc;

+ Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức;

+ Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

+ Xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, tội phạm được chia thành 04 loại:

- Tội phạm ít nghiêm trọng;

- Tội phạm nghiêm trọng;

- Tội phạm rất nghiêm trọng;

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn. Mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 - 15 năm tù. Tội phạm rất nghiêm trọng có mức độ phạm tội nặng sau tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Mức phạt tù cao nhất của tội phạm rất nghiêm trọng là bao lâu?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm rất nghiêm trọng là từ trên 07 - 15 năm tù. Theo đó, khung hình phạt cao nhất này là dựa vào quy định của pháp luật mà không phải dựa vào số năm trong bản án mà Tòa án tuyên.

Ví dụ, về một số tội phạm rất nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

- Tội "Hiếp dâm" quy định tại Điều 141;

- Tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 189;

- Tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 192,…

Phân loại tội phạm có ý nghĩa trong việc thiết lập các nguyên tắc xử lý, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án và các quy định khác về điều kiện áp dụng một số loại hình phạt hoặc biện pháp tư pháp,...

Đồng thời, việc phân loại tội phạm còn là cơ sở để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt. Cùng với đó, việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa đối với việc quy định một số chế định tạm giam, tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

HOÀNG NGUYỄN

Thế nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng?

Admin