Ảnh minh họa.
1. Mở đầu
Từ trước đến nay, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi luôn là một trong các định chế quan trọng của pháp luật lao động Việt Nam cũng như thế giới. Thời giờ làm việc được hiểu là thời gian mà người lao động phải sử dụng cho công việc, do người sử dụng lao động quy định, phù hợp với quy định của pháp luật và các thoả thuận trong hợp đồng, thoả ước lao động đã ký kết. Thời giờ làm việc, bao gồm làm thêm, thường được tính theo ngày, tuần, tháng và năm. Còn thời giờ nghỉ ngơi là thời gian theo quy định pháp luật hoặc theo thoả thuận mà khi đó người lao động không phải làm việc, có quyền tự do sử dụng theo nhu cầu của mình. Thời gian nghỉ ngơi bao gồm có hưởng lương và không hưởng lương.
Đào tạo lái xe ô tô là một hoạt động phổ biến trong xã hội, tính đến hết năm 2021, cả nước có 370 cơ sở đào tạo và 149 trung tâm sát hạch lái xe ô tô ở hầu khắp các tỉnh thành với 41.651 giáo viên, trong đó giáo viên dạy thực hành chiếm 89,4% (1). Do các môn học lý thuyết có thời lượng không lớn nên đa phần giáo viên lý thuyết làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chỉ giáo viên dạy thực hành mới giảng dạy toàn thời gian.
Bài viết này phân tích, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi với giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô, từ đó đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật về đào tạo lái xe ô tô nói chung và giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô nói riêng.
2. Thời giờ làm việc của giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô
Theo Luật Giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009, “Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề” (2), do đó, giáo viên dạy lái xe ô tô là nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dạy trình độ sơ cấp (3). Tuy vậy, từ đó đến nay tất cả các văn bản về đào tạo, sát hạch lái xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải đều chỉ quy định tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe mà không có quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi.
Giáo viên GDNN dạy trình độ sơ cấp, ở cả đơn vị công lập và tư thục, làm việc theo định mức từ 500 đến 580 giờ chuẩn trong một năm học (4) với những công việc cụ thể sau:
“1. Thời gian làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp là 46 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, trong đó:
a) Thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh: 42 tuần;
b) Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ: 02 tuần;
c) Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn: 02 tuần;
d) Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác...”. (5)
Nếu lấy mức cao nhất 580 giờ chuẩn tính cho 42 tuần, thì trung bình là gần 14 giờ/tuần. Quy đổi và cộng thêm số giờ của 02 tuần học tập, bồi dưỡng thì định mức tối đa là 608 giờ chuẩn/năm.
Nếu lấy mức cao nhất của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, 580 giờ chuẩn trong 42 tuần, thì trung bình là gần 14 giờ/tuần. Quy đổi và cộng thêm số giờ của 02 tuần học tập, bồi dưỡng, do thời gian thực tập tại doanh nghiệp (02 tuần) không được quy đổi, thì định mức sẽ tăng thành 608 giờ chuẩn/năm.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 04 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 02 công lập và 02 tư thục. Tại 02 đơn vị công lập, giáo viên dạy thực hành lái xe là viên chức và đang giảng dạy 08 giờ/ngày, 40 giờ/tuần, chấm công như người làm việc theo giờ hành chính. Còn tại 2 cơ sở đào tạo lái xe tư thục thì lại hợp đồng giảng dạy theo số lượng học viên, khóa học hay còn gọi là khoán thu nhập, tương tự nhiều cơ sở tư thục khác trên toàn quốc (6). Khảo sát ngẫu nhiên qua điện thoại với thêm 40 cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc, gồm Đồng Nai (03 cơ sở), Hà Nội (15 cơ sở), Nghệ An (03 cơ sở), TP. Hồ Chí Minh (19 cơ sở) cũng cho kết quả tương tự. Như vậy, đào tạo lái xe công lập và tư thục đều không thực hiện quy định pháp luật về thời giờ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp với giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô, có lẽ đây cũng là vấn đề xảy ra trên toàn quốc và hoàn toàn có thể là từ trước đến nay.
Thực tế là giáo viên dạy lái xe công lập hầu như không thực tập tại doanh nghiệp, nên số tuần giảng dạy trong năm là 46, tương ứng với 1.840 giờ chuẩn, bằng 302,6% định mức đã tăng. Nếu coi mức chênh lệch này là thừa giờ, so với mức quy định làm thêm tối đa 60 giờ/tháng và 300 giờ/năm (hiệu lực từ 01/4/2022) (7), thì số giờ làm thêm trung bình trong tháng bằng 171,1% và trong năm bằng 410,7%. Sau khi tính cả số giờ làm thêm thì vẫn còn thừa ra 932 giờ chuẩn/năm. Rõ ràng đây là đều những con số chênh lệch quá lớn so với quy định của pháp luật. Nhưng dễ thấy rằng nếu bố trí giáo viên theo định mức giờ chuẩn thì chi phí nhân lực sẽ tăng gấp 03 lần, khó cạnh tranh được với đơn vị tư thục về học phí đào tạo lái xe.
Với khoán thu nhập theo số lượng người học thì giáo viên dạy lái xe cũng phải làm việc tương tự, bởi thời lượng học thực hành lái xe ô tô đều phải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải (8). Tuy nhiên, việc hợp đồng giảng dạy theo số người học, khóa học lại phù hợp với quy định pháp luật và đã được thực hiện phổ biến (9). Nhưng khi đơn vị công lập cũng muốn làm như vậy thì gặp khá nhiều rắc rối, từ nội bộ đến báo chí và cơ quan chủ quản (10).
3. Thời giờ nghỉ ngơi của giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô
Theo quy định, giáo viên GDNN dạy trình độ sơ cấp có thời gian nghỉ ngơi là 08 tuần/năm, tức là 40 ngày làm việc/năm, gồm thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm, được hưởng nguyên lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ nghỉ khác thực hiện theo quy định của pháp luật (11).
Khi áp dụng chế độ làm việc hành chính hay khoán thu nhập thì rõ ràng giáo viên dạy thực hành lái xe sẽ không được đảm bảo về thời giờ nghỉ ngơi có hưởng lương theo quy định trên mà ít hơn từ 01 đến 07 ngày tùy theo thâm niên công tác (Bảng 1). Số ngày nghỉ có hưởng lương hàng năm theo chế độ hành chính gồm 11 ngày nghỉ lễ, tết và 12-19 ngày nghỉ phép. Chỉ người có thâm niên công tác cao nhất (sắp nghỉ hưu) ở chế độ làm việc hành chính mới có số ngày nghỉ bằng một giáo viên mới tham gia giảng dạy 01 năm.
Nguồn: Tác giả tổng hợp.
Tương tự mục 2, quy định pháp luật về thời giờ nghỉ ngơi của giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô cũng bị vi phạm tại đơn vị công lập, vừa bị tăng thời gian làm việc, vừa bị giảm thời giờ nghỉ ngơi.
4. Thảo luận và kiến nghị
Với đào tạo lái xe ô tô, không chỉ riêng thời giờ làm việc và nghỉ ngơi mà nhiều vấn đề khác, đặc biệt là quản lý nhà nước vẫn còn những bất cập từ ngành giao thông vận tải (12) và cả GDNN (13). Các vấn đề trên một mặt phản ánh thực trạng tuân thủ pháp luật, mặt khác lại cho thấy có thể trong thực tế các quy định pháp luật GDNN hoặc là “vênh” hoặc là không thể thực hiện được với đào tạo lái xe.
Trước tiên, rất nhiều người học lái xe ô tô hoàn toàn không phải để làm nghề lái xe mà chỉ để điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là các hạng B1 và B2, và rõ ràng là khó phù hợp với định nghĩa “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên” cũng như “Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp”. của Luật Giáo dục nghề nghiệp (14). Hiện nay, theo các quy định pháp luật, để vận chuyển hành khách (xe bus, taxi, xe khách) hay chở các loại hàng hóa nguy hiểm hoặc cần phải bảo quản đặc biệt, tùy theo loại xe, tài xế đều phải học thêm chứng chỉ nghiệp vụ nữa mới có thể hành nghề (12). Những chứng chỉ nghiệp vụ này mới nên xếp vào giáo dục nghề nghiệp.
Mặt khác, tất cả giáo viên dạy thực hành lái xe và một số giáo viên dạy lý thuyết không thể có đủ tiêu chuẩn chuyên môn của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp. Yêu cầu của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp là “có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề hoặc trung cấp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy để dạy trình độ sơ cấp” (15) thì đào tạo lái xe không thể đáp ứng, do không có ngành nghề trình độ trung cấp nào phù hợp với thực hành lái xe và cũng chưa có quy định nào về chứng chỉ kỹ năng nghề lái xe ô tô. Tương tự, giáo viên lý thuyết lái xe phải tốt nghiệp chuyên ngành luật hoặc công nghệ ô tô và tương đương,15 trong khi lại được đảm nhiệm 5 môn học có chuyên ngành khác nhau là Cấu tạo và sửa chữa thông thường, Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, Kỹ thuật lái xe ô tô, Nghiệp vụ vận tải, Pháp luật giao thông đường bộ. Không thể tìm thấy chuyên ngành trung cấp trở lên nào phù hợp để dạy môn học Kỹ thuật lái xe ô tô.
Ở các nước phát triển trên thế giới, giáo viên dạy lái xe ô tô là người được thuê để dạy cho người học đạt sát hạch lái xe, cụ thể gồm (16):
- Dạy cả lý thuyết lẫn thực hành lái xe;
- Thời giờ làm việc là theo nhu cầu người học, vào cả buổi tối và cuối tuần, những mùa hè có thể làm việc nhiều giờ hơn tùy theo số lượng người học;
- Thu nhập có được phụ thuộc vào kinh nghiệm giảng dạy, càng có kinh nghiệm thì càng có nhiều người theo học;
- Để trở thành một giáo viên dạy lái xe chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy phép lái xe hạng phù hợp từ 02 - 05 năm tùy theo quốc gia, có hồ sơ lái xe sạch và vượt qua khóa đào tạo giáo viên dạy lái xe.
Những đặc điểm trên khác hẳn với tiêu chuẩn và chế độ làm việc của nhà giáo GDNN dạy trình độ sơ cấp nhưng lại khá tương đồng với giáo viên dạy thực hành lái xe của Việt Nam.
Có lẽ, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới đào tạo giáo viên dạy lái xe (16), hiện nay gọi là Giáo viên dạy lái xe được phê chuẩn (Approved Driving Instructor – ADI). Để trở thành một ADI, cần có GPLX ít nhất 04 năm và phải trải qua 03 phần sát hạch do Cơ quan Tiêu chuẩn Lái xe và Phương tiện (Driver and Vehicle Standards Agency - DVSA) tổ chức, việc học có thể là tự thân, nhưng 75% là ở các trường đào tạo ADI, cũng do DVSA cấp phép (17). Nước này cũng quy định các tiêu chuẩn quốc gia riêng cho lái xe (18), đào tạo lái xe (19) và phát triển năng lực lái xe (20).
Từ đây, để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo lái xe công lập, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, mang lại lợi ích cho người dạy, người học và xã hội, cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật, có thể thực hiện các giải pháp sau đây.
Trước mắt, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quy định chế độ làm việc của giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô, áp dụng thống nhất cho cả công lập và tư thục. Hiện nay, đào tạo lái xe ô tô đã và đang được quản lý như một hoạt động GDNN đặc thù, từ giáo viên đến chương trình đào tạo đều khác biệt với các quy định của GDNN. Do đó, hoàn toàn cơ sở để quy định một chế độ làm việc đặc thù với giáo viên dạy thực hành lái xe, có thể là giảng dạy theo chế độ làm việc hành chính như hiện nay.
Về lâu dài, cần học tập kinh nghiệm của các nước có lịch sử đào tạo lái xe lâu đời trên thế giới (21) để quy định đào tạo lái xe ô tô không thuộc giáo dục nghề nghiệp mà đơn giản chỉ là đào tạo để sát hạch cấp giấy phép lái xe. Sau khi có giấy phép lái xe, tùy theo công việc mà có những khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu trong GDNN. Tương tự, cũng cần nhanh chóng xây dựng những tiêu chuẩn quốc gia riêng biệt cho lĩnh vực này, vừa hội nhập với thế giới vừa ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo so với hiện nay. Khi đó, người dạy thực hành lái xe Việt Nam không còn là giáo viên và không làm việc theo định mức giờ chuẩn của giáo viên, nghề nghiệp này có thể được gọi là hướng dẫn viên lái xe ô tô (22) như cách gọi của ngành Công an. Điều này là hoàn toàn thuận lợi khi mà Luật Giao thông đường bộ đang trong thời gian xem xét hoàn thiện, sửa đổi.
Tài liệu tham khảo 1. Quốc hội, Luật Giao thông đường bộ (Luật số 23/2008/QH12) ngày 13/11/2008. 2. Quốc hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13) ngày 27/11/2014. 3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 4. Chính phủ, Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ cơ sở đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. 5. Bộ Giao thông vận tải, Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. 6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. 7. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. 8. Nguyễn Linh Anh (26/6/2021), Tất cả những gì bạn cần biết về giáo viên dạy lái xe, https://work247.vn/blog/giao-vien-day-lai-xe-new3256.html, truy cập Thứ sáu 12/8/2022. 9. Driver and Vehicle Standards Agency (2010), National driving and riding standards, https://www.gov.uk/government/collections/national-driving-and-riding-standards, accessed on Wed July 13th, 2022. 10. Driver and Vehicle Standards Agency (2013), National standard for driver and rider training, http://www.gov.uk/dvsa/driving-standards, accessed on Wed July 13th, 2022. 11. Driving Standard Agency (2013), National standard for developed driving competence, http://www.gov.uk/dsa, accessed on Wed July 13th, 2022. 12. Lệ Quyên (21/12/2021), Tập huấn hướng dẫn viên lái xe an toàn năm 2021, https://www.csgt.vn/m/tintuc/14281/Tap-huan-huong-dan-vien-lai-xe-an-toan-nam-2021.html, truy cập Thứ sáu 12/8/2022. 13. LuatVietnam (15/9/2020), Mẫu Hợp đồng giảng dạy dành cho giáo viên, giảng viên, https://luatvietnam.vn/bieu-mau/mau-hop-dong-giang-day-danh-cho-giao-vien-giang-vien-571-26768-article.html, truy cập Thứ ba 02/8/2022. 14. Thái Linh (29/7/2022), Bất cập quy định đào tạo, sát hạch lái xe, https://nhandan.vn/bat-cap-quy-dinh-dao-tao-sat-hach-lai-xe-post707778.html, truy cập Thứ ba 02/8/2022. 15. Miller J. (2017), The Driving Instructor’s Handbook, London, United Kingdom: Kogan Page Limited. 16. Vũ Đình Thung (02/8/2022), Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT lộng quyền: Đột ngột thay đổi chính sách, https://nongnghiep.vn/trung-tam-dao-tao-nghiep-vu-gtvt-long-quyen-dot-ngot-thay-doi-chinh-sach-d328841.html, truy cập Thứ sáu 12/8/2022. 17. Tổng cục Đường bộ Việt Nam (10/12/2021), Báo cáo tổng kết công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. 18. Nguyễn Xuân Trung (2022), Một số bất cập trong quản lý nhà nước về đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên: Khoa học Xã hội - Nhân văn - Kinh tế, 226(12), 180-187. DOI: 10.34238/tnu-jst.5347. 19. Wikipedia (n.d.), Driving instructor, https://en.wikipedia.org/wiki/Driving_instructor, accessed on Wed July 13th, 2022. 20. Wikipedia (n.d.), Driver's education, https://en.wikipedia.org/wiki/Driver%27s_education, accessed on Wed July 13th, 2022. |
(1) Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Báo cáo ngày 10/12/2021 tổng kết công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. (2) Khoản 1, Điều 61, Luật Giao thông đường bộ. (3) Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 138/2018/NĐ-CP. (4) Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH. (5) Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH. (6) Nguyễn Linh Anh (26/6/2021), Tất cả những gì bạn cần biết về giáo viên dạy lái xe, https://work247.vn/blog/giao-vien-day-lai-xe-new3256.html, truy cập Thứ sáu 12/8/2022. (7) Điều 1 và 2 Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 (8) Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT. (9) LuatVietnam (15/9/2020), Mẫu Hợp đồng giảng dạy dành cho giáo viên, giảng viên, https://luatvietnam.vn/bieu-mau/mau-hop-dong-giang-day-danh-cho-giao-vien-giang-vien-571-26768-article.html, truy cập Thứ ba 02/8/2022. (10) Vũ Đình Thung (02/8/2022), Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT lộng quyền: Đột ngột thay đổi chính sách, https://nongnghiep.vn/trung-tam-dao-tao-nghiep-vu-gtvt-long-quyen-dot-ngot-thay-doi-chinh-sach-d328841.html, truy cập Thứ sáu 12/8/2022. (11) Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH. (12) Nguyễn Xuân Trung (2022), Một số bất cập trong quản lý nhà nước về đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên: Khoa học Xã hội - Nhân văn - Kinh tế, 226(12), 180-187. DOI: 10.34238/tnu-jst.5347. (13) Thái Linh (29/7/2022), Bất cập quy định đào tạo, sát hạch lái xe, https://nhandan.vn/bat-cap-quy-dinh-dao-tao-sat-hach-lai-xe-post707778.html, truy cập Thứ ba 02/8/2022. (14) Khoản 1 và 2, Điều 3, Luật Giáo dục nghề nghiệp. (15) Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH. (16) Wikipedia (n.d.), Driving instructor, https://en.wikipedia.org/wiki/Driving_instructor, accessed on Wed July 13th, 2022. (17) Miller J. (2017), The Driving Instructor’s Handbook, London, United Kingdom: Kogan Page Limited. (18) Driver and Vehicle Standards Agency (2010), National driving and riding standards, https://www.gov.uk/government/collections/national-driving-and-riding-standards, accessed on Wed July 13th, 2022. (19) Driver and Vehicle Standards Agency (2013), National standard for driver and rider training, http://www.gov.uk/dvsa/driving-standards, accessed on Wed July 13th, 2022. (20) Driving Standard Agency (2013), National standard for developed driving competence, http://www.gov.uk/dsa, accessed on Wed July 13th, 2022. (21) Wikipedia (n.d.), Driver's education, https://en.wikipedia.org/wiki/Driver%27s_education, accessed on Wed July 13th, 2022. (22) Lệ Quyên (21/12/2021), Tập huấn hướng dẫn viên lái xe an toàn năm 2021, https://www.csgt.vn/m/tintuc/14281/Tap-huan-huong-dan-vien-lai-xe-an-toan-nam-2021.html, truy cập Thứ sáu 12/8/2022. |
NGUYỄN XUÂN TRUNG
Trường Cao đẳng Giao thông Huế
Tháo gỡ tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng thông qua kiến nghị hoàn thiện pháp luật