Vì sao không đấu giá lựa chọn nhà đầu tư?
Tại các Văn bản số 169/UB-CN, ngày 19/5/2004; Văn bản số 2207/UBND-UB, ngày 26/5/2006; và Quyết định số 5174/QĐ-UBND, ngày 5/10/2009, của UBND thành phố Hà Nội ban hành cho thấy, trên cơ sở văn bản đề nghị của Công ty Giày Thụy Khuê, trên cơ sở kết quả kiểm tra, thẩm định của các sở chuyên ngành: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Quy hoạch kiến trúc… đã chấp thuận cho Công ty Giày Thụy Khuê làm Chủ đầu tư thực hiện dự án, chấp thuận liên doanh giữa Công ty Giày vải Thụy Khuê với Công ty CIRI, chấp thuận cho Công ty Giày Thụy Khuê rút khỏi liên doanh, chuyển giao cho Công ty CIRI làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện Dự án 167 Thụy Khuê.
Trước đó, ngày 18/11/2002, Công ty Giày Thụy Khuê đã được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 2520m2 đất tại ngõ 167 Thụy Khuê để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch của thành phố và làm Chủ đầu tư thực hiện dự án này.
Ngày 17/6/2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 74/2003/QĐ-UB về việc di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch ra ngoại thành, Công ty Giày Thụy Khuê nằm trong diện phải di dời.
Để có vốn thực hiện di chuyển, tổ chức sản xuất tại địa điểm mới và tiếp tục thực hiện Dự án Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, kinh doanh thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp, ngày 12/4/2004, Công ty Giày Thụy Khuê đã có Công văn số 119/CV-CT xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thành lập liên doanh và được UBND thành phố Hà Nội, tại Văn bản số 1691/UB-CN, ngày 19/5/2004 đồng ý, chấp thuận việc liên doanh của 2 doanh nghiệp nhà nước là Công ty Giày Thụy Khuê và Công ty CIRI.
Sau đó, do phải tập trung nguồn lực cho tổ chức sản xuất tại địa điểm mới, Công ty Giày Thụy Khuê xin rút khỏi liên doanh và được UBND thành phố Hà Nội đồng ý và giao cho Công ty CIRI làm Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
Như vậy, việc hợp tác đầu tư liên doanh tại Dự án 167 Thụy Khuê giữa Công ty Giày Thụy Khuê và Công ty CIRI đã diễn ra ngay thời điểm đầu tiên của việc thực hiện chủ trương di dời (2003 – 2016).
Việc hợp tác liên doanh này tại thời điểm đó là không trái với qui định của pháp luật hiện hành. Đến ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg tiếp tục khẳng định bằng quy định: Các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Đây cũng là nội dung được KLTT 1183 khẳng định.
Diễn biến pháp lý kể trên càng cho thấy, thông tin: Công ty CIRI - Chủ dự án 167 Thụy Khuê không đấu giá, gây thất thu ngân sách là thông tin sai lệch và “râu ông nọ cắm cằm bà kia” vì CIRI chỉ là nhà đầu tư được lựa chọn hợp tác liên doanh.
Đấy là chưa kể, theo khoản 2, Điều 3 “Các phương thức lựa chọn nhà đầu tư” của Quy định về quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 153/2006/QĐ-UBND ngày 31/8/2006 của UBND thành phố Hà Nội, thì Dự án 167 Thụy Khuê có diện tích nhỏ hơn 3000m2, nằm xen kẹt trong khu dân cư, nên không phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, mà “tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ” như chính KLTT 1183 đã ghi nhận.
“Lỗ hổng” chính sách, pháp luật và trách nhiệm?
Liên quan đến Dự án 167 Thụy Khuê và 7 dự án khác không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, Thông báo KLTT 1183 đưa ra kết luận: “Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất, cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa”.
Kết luận trên hàm chứa 2 nội dung: Một là, pháp luật chưa có qui định về xác định lợi thế đất thương mại đối với quyền sử dụng đất ở vị trí đắc địa. Hai là, pháp luật cũng chưa có quy định về việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Chính vì thế mà Thông báo KLTT 1183 đã không kết luận có vi phạm pháp luật trong việc không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư liên doanh đối với Dự án 167 Thụy Khuê cùng 7 dự án khác.
Pháp luật được ví như một tấm lưới phủ xuống đời sống xã hội để điều chỉnh các mối quan hệ. Mắt lưới càng dày, hiệu quả điều chỉnh càng cao. Nhưng lỗ hổng từ tấm lưới luôn tồn tại, nó chỉ nhỏ dần đi trong quá trình hoàn thiện pháp luật.
Trong quá trình đó doanh nghiệp và người dân có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, được làm những gì mà pháp luật không cấm. Câu nói: “Văn minh cao nhất là văn minh bằng pháp luật” đúng trong trường hợp này. Còn hoàn thiện chính sách, pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Càng hoàn thiện thì lỗ hổng ngày càng nhỏ lại và được coi là thành quả trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
Bản chất nội dung kết luận trên của Thanh tra Chính phủ là một khuyến nghị bịt lỗ hổng hay nói đúng hơn là làm nhỏ lại lỗ hổng chính sách, pháp luật gây thất thoát ngân sách, và thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoàn toàn không mang nội dung quy kết Chủ đầu tư có sai phạm, gây thất thoát ngân sách như nhiều thông tin đang loan tải.
Càng không nên và không thể tính hậu quả thất thoát do pháp luật chưa có quy định rồi quy chụp trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Dự án 167 Thụy Khuê đáp ứng chủ trương di dời và không có tên trong danh sách sai phạm
Ở một nội dung thông tin khác, cũng được cho là theo kết luận thanh tra Chính phủ, là việc triển khai Dự án 167 Thụy Khuê có sai phạm trong việc xác định tiền sử dụng đất. Theo thông tin này, việc không loại bỏ khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư và đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận chất lượng phù hợp chất lượng (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất là không đúng quy định tại Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Ngân Văn Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CIRI cho biết: Về nội dung này, doanh nghiệp đã giải trình, làm rõ với Thanh tra Chính phủ và đã được kết luận là không sai phạm.
Tại Thông báo KLTT 1183 nêu: “Xử lý và thu hồi khoản tiền chi phí dự phòng, lãi tiền vay ngân hàng, chi phí kiểm định và chứng nhận chất lượng phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng và khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư đã vào tổng chi phí phát triển, khi tính tiền sử dụng đất của các dự án theo phương pháp thặng dư không đúng quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Số tiền tạm tính của 31/38 dự án vi phạm là 1.480.302,52 triệu đồng (chi tiết tại phụ lục 01)”.
Tại Phụ lục 01 “Các dự án phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất do xác định sai quy định; sử dụng sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất” ban hành kèm theo Kết luận thanh tra có tên 32 dự án, nhưng không có Dự án 167 Thụy Khuê.
Kiểm chứng và làm rõ nội dung thông tin kể trên để thêm một lần nữa khẳng định, tại Thông báo KLTT 1183, Dự án 167 Thụy Khuê và Chủ đầu tư là Công ty CIRI đã được Thanh tra Chính phủ kết luận: không có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra.
Không những thế, với sự hiện diện của công trình sau khi hoàn thành dự án với tên gọi mới Five Star West Lake, Dự án 167 Thụy Khuê đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực ngõ 167 Thụy Khuê và 162 Hoàng Hoa Thám vốn là khu đất trũng với cơ sở sản xuất Giày Thụy Khuê từng gây ô nhiễm môi trường đô thị những năm cuối thập niên 19, đầu thập niên 20 đến mức phải di dời.
Từ năm 2019 đến nay, Five star West Lake đã được trao nhiều giải thưởng và danh hiệu do nhiêu tờ báo và tổ chức trao tặng, như: “Top 12 dự án đô thị được yêu thích nhất” (Báo Đầu tư); “Thiết kế chung cư cao cấp tốt nhất” (thuộc Hệ thống giải thưởng PropertyGuru Vietnam Property Awards - Tập đoàn bất động sản trực tuyến hàng đầu tại Singapore và châu Á); “Top 15 dự án khu đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2020” và “Thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2020” (Tạp chí điện tử Bất động sản); “Dự án đáng sống nhất” (Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp)…
Thực tế đó cho thấy, Dự án 167 Thụy Khuê là một dự án có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực hiện chủ trương di dời, chuyển đổi các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch phát triển Thủ đô và gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội. Và việc thực hiện chủ trương đó đã được Thông báo KLTT 1183 kết luận: “Việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng công trình hạ tầng xã hội; hạ tầng kỹ thuật; phát triển quỹ nhà, nâng cao diện tích bình quân nhà ở trên địa bàn thành phố, đảm bảo điều kiện môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố, là động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
PV