Thông tư số 01/2021/TT-BTP hướng dẫn Luật Công chứng: Nhiều quy định không phù hợp thực tiễn

05/03/2021 17:11 | 3 năm trước

(LSVN) - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BTP (Thông tư 01) hướng dẫn Luật Công chứng thay thế Thông tư số 06/2015/TT-BTP (Thông tư 06). Ngoài những nội dung hướng dẫn cụ thể hơn luật Công chứng, Thông tư 01 cũng đã làm rõ các nội dung khác mà Thông tư 06 trước đây chưa được hướng dẫn. Cụ thể về thủ tục bổ nhiệm công chứng viên, đào tạo công chứng, quy định cụ thể thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên hàng năm là 16 giờ, chương trình đào tạo có bổ sung nội dung về đạo đức hành nghề công chứng, kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng,… Tuy nhiên, một số nội dung của Thông tư 01 không phù hợp, thậm chí có dấu hiệu trái luật và gây khó khăn cho người có yêu cầu bổ nhiệm công chứng.

Xác nhận thời gian công tác pháp luật: Làm khó Luật sư, đấu giá, thừa phát lại

Theo quy định của Luật Công chứng thì những người hành nghề Luật sư khi muốn chuyển sang hành nghề công chứng thì phải thôi hành nghề Luật sư và kèm theo đó là giấy tờ chứng minh đã có thời gian công tác pháp luật 5 năm. Tại Điều 3 Thông tư 01 quy định giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật của Luật sư gồm: Chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội (“BHXH”) phù hợp với các chức danh này. Chiếu theo quy định trên thì Luật sư khi muốn bổ nhiệm công chứng ngoài những giấy tờ theo quy định chung cần phải có sổ BHXH đã tham gia BHXH 5 năm trước đó thì mới đủ thủ tục bổ nhiệm. Như vậy nếu Luật sư dù đã có chứng chỉ hành nghề Luật sư, thẻ Luật sư và có hợp đồng lao động khi tham gia tổ chức hành nghề Luật sư mà không đăng ký BHXH thì vẫn không được bổ nhiệm công chứng viên. Với quy định này thì những Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì chắc chắn không thể được bổ nhiệm làm công chứng viên bởi hành nghề với tư cách cá nhân thì có quy định nào bắt buộc phải tham gia BHXH đâu? Hoặc đối với những Luật sư làm cộng tác viên tham gia nhiều tổ chức, doanh nghiệp mà trong đó có những doanh nghiệp thông thường, có những tổ chức hành nghề Luật sư nhưng bản thân họ không tham gia BHXH ở tổ chức hành nghề Luật sư (họ tham gia ở tổ chức khác, công việc khác) thì cũng không được bổ nhiệm làm công chứng. 

Một số tổ chức hành nghề Luật sư hiện nay không đăng ký BHXH cho Luật sư của mình do có nhiều nguyên nhân, điều đó có thể vi phạm quy định của luật Bảo hiểm xã hội nhưng xét trên thực tế Luật sư đó có làm công tác pháp luật đúng quy định của Luật Công chứng, nghĩa là là đã có thời gian công tác pháp luật 5 năm vậy hà cớ sao Thông tư 01 không tạo điều kiện để họ trở thành công chứng viên? Đã là Luật sư 5 năm thì hiển nhiên là trong 5 năm hành nghề đó Luật sư đã chứng minh mình có thời gian công tác pháp luật, nên việc không đăng ký BHXH không nói lên rằng Luật sư không chứng minh được thời gian công tác pháp luật. Vì vậy nội dung này trong Thông tư 01 không phù hợp với tình hình thực tiễn và trái với luật công chứng, luật Luật sư và điều này vô hình trung tạo ra rào cản không cần thiết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người đã là Luật sư khi muốn chuyển sang hành nghề công chứng.

Theo Điều 20 luật Luật sư thì trong thời hạn ba năm, kể từ ngày được cấp thẻ, Luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề Luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc không thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề Luật sư tại địa phương nơi Đoàn Luật sư có trụ sở hoặc Luật sư không hành nghề Luật sư trong thời hạn năm năm liên tục sau khi được cấp Thẻ Luật sư thì Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư xóa tên Luật sư đó khỏi danh sách Luật sư và đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ Luật sư. Như vậy Luật sư khi đã được cấp thẻ thì phải tham gia hành nghề nếu không sẽ bị thu hồi thẻ và xoá tên khỏi đoàn Luật sư mà mình là thành viên. Điều đó cho thấy thời gian hành nghề từ 5 năm của Luật sư đã chứng minh rằng Luật sư đáp ứng quy định có thời gian công tác pháp luật 5 năm của luật Công chứng mà không cần bất kỳ giấy tờ nào khác kể cả bảo hiểm xã hội quy định tại Thông tư 01.

Hiện nay, Luật Công chứng đã bãi bỏ quy hoạch về công chứng nên việc thành lập Văn phòng công chứng thuận lợi hơn, nhu cầu thành lập Văn phòng công chứng tăng cao. Tuy nhiên, do năng lực đào tạo công chứng viên không theo kịp thực tiễn và một số nguyên nhân khác nên lực lượng công chứng viên không đáp ứng nhu cầu mà thực tế đang cần cho nên xảy ra tình trạng thuê mướn công chứng viên rất lộn xộn làm méo mó hình ảnh của nghề công chứng. Vì vậy không cần thiết phải quy định điều kiện khi Luật sư chuyển sang làm công chứng phải có tham gia BHXH 5 năm, vì như thế ngoài việc gây khó khăn cho Luật sư còn hạn chế số lượng công chứng viên được bổ nhiệm từ nguồn Luật sư, trong khi nhu cầu công chứng viên đang thiếu.

Quy định của Thông tư 01 cho những người hành nghề đấu giá, thừa phát lại cũng tương tự như những người hành nghề Luật sư và những đối tượng này cũng bị ảnh hưởng nhất định khi thôi hành nghề đấu giá, thừa phát lại chuyển sang hành nghề công chứng.

Thủ tục bổ nhiệm công chứng: đi ngược với tinh thần cải cách thủ tục hành chính

Tại Điều 4 Thông tư 01 về đăng ký hành nghề công chứng và cấp thẻ công chứng viên trong đó quy định đối những người đã từng hành nghề hoặc đã được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, đấu giá, thừa phát lại thì phải có quyết định thu hồi chứng chỉ đã cấp. Theo quy định của Thông tư 06 trước đây thì những người đã hành nghề Luật sư, đấu giá, thừa phát lại chỉ cần có giấy xác nhận đã thôi hành nghề khi chuyển qua xin cấp thẻ công chứng viên. So với quy định tại Thông tư 06 thì Thông tư 01 lại “đẻ” thêm ra thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư, đấu giá, thừa phát lại. Đây là thủ tục không cần thiết, mà nên chăng chỉ cần có giấy xác nhận không hành nghề Luật sư, đấu giá, thừa phát lại như trước đây là đủ, vì những người đã hành nghề công chứng sau khi không hành nghề nữa muốn quay lại làm Luật sư, đấu giá, thừa phát lại thì cũng không cần phải làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề như từ đầu. 

Ngày 04/07/2017 Chính phủ đã có Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp trong đó giao cho Bộ Tư pháp trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trên tinh thần của Nghị quyết 58 gày 08/06/2018 Bộ Tư pháp cũng ban hành Quyết định số 1319/QĐ-BTP về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp theo đó đã có phương án giảm thời gian công tác pháp luật từ 5 năm xuống còn 3 năm và phương án này sẽ được đưa vào trong dự thảo Luật Công chứng sửa đổi sắp tới. Điều đó cho thấy các thủ tục, giấy tờ trong lĩnh vực tư pháp cần được bãi bỏ hoặc cắt giảm theo xu hướng cải cách thủ tục hành chính nhưng một số nội dung của Thông tư 01 đi ngược hoàn toàn với chủ trương này và làm khó cho đối tượng được áp dụng.

Thông tư có một số nội dung trái luật

Tại Điều 8 Luật Công chứng quy định tiêu chuẩn của công chứng viên mà một trong những điều kiện cần phải có đó là “có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”, nghĩa là Luật Công chứng chỉ quy định về thời gian công tác pháp luật nhưng Thông tư 01 lại quy định chi tiết các loại giấy tờ phải có đó là: quyết định bổ nhiệm hoặc tuyển dụng, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đặt biệt là giấy tờ chứng minh thời gian đóng BHXH phù hợp với vị trí công tác pháp luật được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng. Đây là một nội dung hướng dẫn vượt quá yêu cầu so với quy định trong Luật Công chứng, trong khi luật không quy định nhưng thông tư hướng dẫn lại quy định, thông tư quy định rộng hơn luật. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì những văn bản hướng dẫn luật không được trái luật, bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Vì vậy một số nội dung của Thông tư 01 trái với nguyên tắc cơ bản của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có một số nội dung trái luật.

Một số nội dung của Luật Công chứng vẫn chưa được làm rõ

Thông tư 01 cũng chưa làm rõ một số nội dung của Luật Công chứng đó là liên quan đến việc công chứng viên không được kiêm nhiệm các công việc thường xuyên khác, thế nào là kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác cần được hướng dẫn rõ để công chứng viên không vi phạm điều cấm này. Hoặc thời gian 12 tháng mà người tập sự hành nghề công chứng tập sự có được xem là thời gian công tác pháp luật không vì người tập sự công chứng khi đi tập sự được hướng dẫn, được tiếp cận hồ sơ và được thực hiện một số công việc dưới sự giám sát của công chứng viên hướng dẫn, quá trình đó họ đã được “dấn thân” vào nghiên cứu và thực hiện một số công tác pháp luật nên vấn đề này rất cần được hướng dẫn rõ.

Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 đã bỏ quy định về quy hoạch nghề công chứng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa cho thành lập tổ chức hành nghề công chứng một cách tràn lan, dễ dãi thiếu sự định hướng và quản lý của Nhà nước vì nghề công chứng là một nghề đặc thù và có rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải có một bộ tiêu chí thành lập văn phòng công chứng quy định những tiêu chuẩn khi thành lập một văn phòng công chứng, các tiêu chuẩn này mang tính “định khung” để cho các tỉnh thành trên cả nước dựa vào đó định hướng xây dựng bộ tiêu chí cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương mình. Trên cơ sở đó các tỉnh thành mới cho phép thành lập văn phòng công chứng có chất lượng và hoạt động hiệu quả. Qua đó thể hiện chính sách minh bạch trong việc quản lý hoạt động công chứng của Nhà nước.

Vẫn biết rằng khi xây dựng Thông tư 01 Bộ Tư pháp mong muốn trình tự thủ tục thật chặt chẽ nhằm xây dựng lực lượng công chứng viên được bổ nhiệm có trình độ chuyên môn cao, có chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt khi hành nghề công chứng. Để làm được điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như chương trình đào tạo, giám sát quá trình tập sự, đặc biệt nội dung thi hết tập sự nghề công chứng và sau đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cũng như việc kiểm tra, thanh tra, quản lý và giám sát quá trình hành nghề của công chứng viên. Và tất cả những quy định đặt ra cần phải không trái luật, phù hợp với xu thế và tạo thuận lợi về mặt thủ tục cho đối tượng được áp dụng. Thông tư 01 được ban hành ngày 03/02/2021 và sẽ có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 vì vậy rất mong Bộ Tư pháp cần nghiên cứu sửa đổi những nội dung nêu trên trước khi Thông tư chính thức được áp dụng.

Luật sư NGUYỄN HOÀNG HẢI

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Giám đốc Công ty luật Credent

Ứng cử ĐBQH và HĐND phải ghi rõ có hoặc đang xin quốc tịch khác

Từ khoá : Bộ Tư pháp lsvn.vn LSVN