Thực trạng kiểm soát tài sản thu nhập ở Việt Nam và giải pháp hoàn thiện

05/08/2024 23:08 | 1 tháng trước

(LSVN) - Kiểm soát tài sản, thu nhập (viết tắt là TSTN) là một trong những thành phần quan trọng trong xây dựng các giải pháp tổng thể phòng ngừa, chống tham nhũng được áp dụng ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề này được thể hiện ở sự quyết tâm chính trị của Đảng, của Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và trong kiểm soát TSTN nói riêng.

Ảnh minh họa.

Khái niệm về kiểm soát tài sản, thu nhập

Thực tiễn cho thấy, việc kiểm soát TSTN trong khu vực công tốt thì công tác phòng chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tại Việt Nam, vấn đề kiểm soát TSTN được tiếp cận dưới góc độ quản lý cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Hoạt động kiểm soát tài sản và thu nhập tại Việt Nam chủ yếu áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong nền công vụ. Bởi, trong nền công vụ hiện đại, việc kê khai, kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động hệ thống công vụ; ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì động cơ vụ lợi. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm kê khai, giải trình và chứng minh thu nhập của mình theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc kê khai, kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn cũng được coi là một trong những biện pháp ngăn chặn sự dịch chuyển bất hợp pháp, tẩu tán tài sản. Đây còn là biện pháp góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai, kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần xây dựng chế độ công vụ liêm chính, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Chính vì vậy, việc hiểu thống nhất nội hàm kiểm soát tài sản, thu nhập có ý nghĩa rất quan trọng. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 30/10/2020 định nghĩa: “Kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng”  Qua đó, có thể hiểu kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn là tổng thể những biện pháp, cách thức mà Nhà nước sử dụng để theo dõi biến động về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai TSTN nhằm phắt hiện, ngăn chặn việc những chủ thể này lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện những hành vi tham nhũng, đồng thời áp dụng các biện pháp hình sự, hành chính, kỷ luật, dân sự để xử lý hành vi vi phạm và thu hồi tài sản tham nhũng đã bị chiếm đoạt  .

Thực trạng về kiểm soát tài sản, thu nhập ở Việt Nam

Về cơ bản, sau khi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/NĐ-CP/2020 về kiểm soát TSTN ra đời đã tạo hành lang pháp lý về kiểm soát tài sản thu nhập. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập cũng gặp nhiều, khó khăn, bất cập và thách thức, nhất là bốn vấn đề cốt lõi về kiểm soát tài sản thu nhập tại Việt Nam được mọi người quan tâm: cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, kê khai tài sản thu nhập, xác minh tài sản thu nhập và cơ sở dữ liệu tài sản thu nhập. Cụ thể như sau:

Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập

Thứ nhất, chưa thông qua thực tiễn mà chỉ nhìn nhận về mặc quy định pháp luật, chúng ta có thể thấy sự chồng chéo trong cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập: cùng một đối tượng như có đến nhiều cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. vd Trong bộ máy Nhà nước hiện nay, có những người vừa giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữ chức vụ trong tổ chức đảng. Ví dụ như Giám đốc Sở, đồng thời là thành viên BTV Tỉnh ủy. Nếu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì thanh tra Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của Đảng (UBKT Tỉnh ủy) đều là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người đó. Vấn đề này có thể dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.

Hai là, có sự chưa rõ ràng trong phân định thẩm quyền kiểm soát giữa một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chưa bao quát hết các đối tượng cần phải kiểm soát.

Theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về cán bộ tương đương giám đốc sở tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước. Nếu xác định theo hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,9 như Giám đốc sở ở địa phương thì chưa bảo đảm căn cứ pháp lý chặt chẽ và không làm rõ được đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này có thể dẫn đến một bộ phận người có nghĩa vụ kê khai không biết do Thanh tra Chính phủ hay do bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát, khó khăn ngay từ việc giao nộp bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Hiện nay mặc dù không quy định cụ thể nhưng thực tế ở một số tỉnh, Thanh tra tỉnh vẫn thống nhất lấy tiêu chí: phụ cấp chức vụ 0.9 để xác định).

Kê khai tài sản thu nhập

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2022 hoạt động kê khai tài sản được đội ngũ cán bộ công chức rất quan tâm. Các cơ quan nhà nước thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kê khai tài sản, chỉ ra những nội dung thường kê khai sai để mọi người chú ý, thực hiện đúng theo Quy định NĐ 130/NĐ-CP. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số hạn chế như:

Một là, bản kê khai có một vài nội dung dễ gây hiểu nhầm cho người kê khai: vd trường hợp góp vốn mua đất nhưng không đứng tên thì đưa vào mục đất hay mục góp vốn; mẫu kê khai tài sản, thu nhập đã quy định khá cụ thể và rộng về các loại tài sản như đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, các loại tài sản khác… có giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên thuộc diện bắt buộc phải kê khai. Tuy nhiên, việc xác định giá trị để kê khai vào tờ khai cho đúng còn gặp nhiều khó khăn.

Hai là, hoạt động kê khai tài sản tại một số cơ quan vẫn còn mang tính hình thức, chưa trung thực, đặc biệt là che dấu tài sản của vợ, chồng, con, kê nhưng không khai.

Ba là, công khai bản kê khai tài sản thu nhập: Một trong những kênh kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức là từ phía xã hội, trong đó báo chí và người dân là lực lượng cơ bản. Trong thời gian qua, báo chí và công luận đã góp phần quan trọng trong việc phanh phui những hành vi thu lợi bất chính và giúp cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý người vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế nội dung này rất ít cơ quan nhà nước quan tâm đến, nếu có chỉ dừng lại ở công khai về mặc hình thức chứ không đúng như ý nghĩa thực sự của sự công khai. Mục đích của công khai là để mọi người biết, giám sát theo dõi nhưng thực tế thì sau khi tổng hợp các bảng kê khai treo tại địa điểm công khai nhưng không thông báo cho ai biết. Tại một số cơ quan công tác, bản niêm yết công khai chỉ treo đó nếu có thì chỉ có chánh thanh tra sở quan tâm đọc còn lại trong cơ quan không ai chú ý đến. Do đó, cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị và nhân dân hầu như không nắm được số liệu kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc so sánh, đánh giá đúng những tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai đang sở hữu. Vì vậy, việc kê khai đúng hay không, hợp lý hay không hợp lý khó định danh được chính xác.

Bốn là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức không quan tâm triệt để đến việc kê khai tài sản, thu nhập; thường chỉ triển khai khi có nhắc nhở, đôn đốc hoặc chỉ đạo theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Quá trình triển khai được giao cho bộ phận chức năng thực hiện (thường là bộ phận làm công tác tổ chức trong cơ quan, đơn vị). Bộ phận phụ trách việc này hầu hết đều làm qua loa, không hướng dẫn và cũng không thực hiện kiểm tra để kiểm soát nội dung khai. Sau khi tiếp nhận các bản khai chỉ được rà soát dưới hình thức đếm số lượng người kê khai đủ hay thiếu, người kê khai đã ký hay chưa ký, rồi đưa vào tủ hồ sơ lưu và báo cáo công việc đã hoàn thành. Người đứng đầu đơn vị cũng dựa trên báo cáo đó để phản ánh với cấp trên hoặc đánh giá trước hội nghị cơ quan, đơn vị.

Xác minh tài sản thu nhập

Thứ nhất, mặc dù việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập mới đưa vào tiến hành thực hiện từ năm 2022 đến nay nhưng đã có hiệu quả nhất định, tạo được đồng thuận, hưởng ứng của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Xây dựng kế hoạch xác minh hằng năm là điểm mới, phát huy được vai trò hiệu quả của hoạt động xác minh. Tuy nhiên trên thực tế kế hoạch xác minh vẫn còn mang tính hình thức: ví dụ năm 2023 nhiều cơ quan Thanh tra tỉnh đã xây dựng kế hoạch xác minh, sau đó sổ xố 10% trong tất cả các đối tượng kê khai tài sản bốc trúng cơ quan nào cơ quan đó bị, và cứ như thế 5 năm sau lại lặp lại ở cơ quan đó như 01 vòng lặp. Thay vào đó, các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, có dấu hiệu kê khai không trung thực tại thời điểm đó lại bị bỏ sót.

Thứ hai, hoạt động xác minh trên thực tế liệu có hiệu quả chưa?

Hiện nay các cơ quan có sự phối hợp rất chặt chẽ trong công tác xác minh tài sản thu nhập cụ thể là công an, ngân hàng, Văn phòng đăng ký đất đai, thanh tra tỉnh, … Việc kiểm soát tài sản thu nhập của các đối tượng kê khai rất chặt chẽ. Các cá nhân kê khai muốn che dấu tài sản thu nhập là rất khó.

Tuy nhiên, bản thân nhìn nhận trên thực tế hoạt động xác minh còn mang nặng tính hình thức, phát hiện ra đối tượng kê khai sai rất dễ nhưng hầu như khi phát hiện ra những điểm kê khai chưa hợp lý thì các đối tượng kê khai đều có hướng giải trình và hợp thức hóa các con số đã kê khai sai thành đúng và cơ quan xác minh cũng đồng tình theo. Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước chủ yếu sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt nên rất khó khăn trong việc kiểm soát được vàng và tiền mặt của đối tượng kê khai.

Thứ ba, như đã trình bày ở nội dung kê khai tài sản thu nhập, người kê khai đã gặp khó khăn trong quá trình xác định giá trị tài sản của các tài sản như đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, các loại tài sản khác… có giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên thuộc diện bắt buộc phải kê khai. Thì hoạt động xác minh giá trị của những loại tài sản đó càng khó khăn hơn, và thực tế, cơ quan kiểm tra hay bỏ qua giá trị những tài sản này.

Thứ tư, xác minh để làm rõ tài sản thu nhập thông qua đó thu hồi các tài sản tham nhũng.

Mặc dù pháp luật thi hành án dân sự, pháp luật PCTN quy định tài sản bị tịch thu gồm tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng những hành vi tham nhũng trá hình như tội làm giàu bất chính, tội nhận quà biếu có giá trị lớn thì lại chưa được hình sự hóa. Cùng với đó, ở Việt Nam chưa kiểm soát được việc tiêu dùng và thanh toán bằng tiền mặt nên đã gây ra một số khó khăn trong thực tiễn khi phải chứng minh nguồn gốc của tài sản tham nhũng.

Hiện nay vẫn có tình trạng đứng tên hộ trong việc đăng ký tài sản, do đó nếu không biết rõ nguồn gốc tài sản thì rất khó kiểm soát được. Khi có dấu hiệu phạm tội, tiến hành xác minh tài sản thu nhập thì họ đã kịp thời đưa tẩu tán tài sản đó qua nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau mà không thể thu hồi tài sản do tham nhũng mà có trở lại được.

Thứ năm, chính hoạt động xác minh tài sản thu nhập bị biến tướng, lợi dụng kẻ hở để phát sinh các hiện tượng tham nhũng khác ngay từ chính hoạt động kiểm soát tài sản thu nhập này.

Thứ sáu, trong các văn bản pháp luật có quy định các hình thức xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Nhưng trên thực tế, quy định này hầu như chưa được thực hiện, vì có kê khai nhưng không công khai (hoặc công khai trong phạm vi hẹp); kê khai nhưng không kiểm tra, xác minh, đánh giá, kết luận thì sẽ không có kết quả để biết bản kê khai đó có trung thực hay không. Vì vậy, người có nghĩa vụ phải kê khai tùy hứng kê và khai, nội dung kê khai mang tính đại khái, không trung thực, thậm chí “phóng đại” nguồn tài sản, thu nhập.

Thứ bảy, hiện nay trên địa bàn một tỉnh chỉ có Thanh tra tỉnh và UBKT tỉnh ủy, UBKT huyện ủy thực hiện xác minh tài sản thu nhập, trong đó chủ yếu là cơ quan Thanh tra tỉnh. Hằng năm một tỉnh số lượng người kê khai tài sản thu nhập rất nhiều, một phòng nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh phải mất ít nhất 5 năm mới kiểm tra hết được tất cả, tạo áp lực lên cơ quan xác minh, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm soát tài sản thu nhập.

Cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản thu nhập

Cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản thu nhập là căn cứ để bất kỳ công dân, cơ quan tổ chức nào muốn tra cứu tìm hiểu thông tin tài sản thu nhập của cán bộ công chức có thể tiếp cận được. Một trong những nội dung giúp cho việc công khai tài sản thu nhập được hiệu quả nhất. Ở các nước Bắc Âu, Úc: tài sản thu nhập của cán bộ công chức được công khai trên phần mềm, chị cần tra cứu là ra ngay chứ không như ở Việt Nam, bản kê khai tài sản được lưu trữ kỹ tại kho lưu trữ của Thanh tra tỉnh.

Hiện nay Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản thu nhập, thay vào đó cơ quan thanh tra đang từng bước thực hiện số hóa văn bản liên quan đến kê khai tài sản với mục đích khi cần tra cứu có thể tra cứu trên máy tính, thuận tiện trong công tác tra cứu và tìm kiếm.

Nguyên nhân tồn tại hạn chế

Thứ nhất, quy định pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có sự thống nhất giữa khối chính quyền và khối Đảng gây khó khăn cho quá trình kiểm soát.

Thứ hai, ý thức chấp hành về kê khai tài sản, thu nhập trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chủ yếu vẫn dựa trên tinh thần tự giác. Do nhiều lý do nên không ít người đã tìm kẽ hở của pháp luật cũng như cách thức tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập để kê khai đối phó hoặc không trung thực.

Thứ ba, nhiều người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức và chưa có trách nhiệm đến cùng với việc kê khai tài sản, thu nhập ở cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phụ trách. Do đó, đơn vị chức năng tổ chức tiến hành việc kê khai một cách chiếu lệ, đối phó; những người có nghĩa vụ phải kê khai không quan tâm nội dung phải kê khai như thế nào cho đúng, cho trúng yêu cầu.

Thứ tư, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức kê khai tài sản, thu nhập dường như còn bỏ trống. Thực tế nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có tiến hành tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng không tổ chức bộ phận thanh tra, giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, cấp trên cũng không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Một số giải pháp hoàn thiện

Ngoài các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao ý thức tự giác của từng đối tượng kê khai; tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo quan tâm của người đứng đầu cơ quan tổ chức;… bài viết đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, quy định thống nhất về một đầu mối kiểm soát, cụ thể là UBKT các cấp vừa không trùng lắp vừa phát huy được vai trò kiểm tra giám sát của Đảng.

Thứ hai, phát huy vai trò của người đứng đầu và bộ phận làm công tác cán bộ trong quá trình triển khai nội dung kê khai tài sản hằng năm của cơ quan, đơn vị mình; đây sẽ là bộ phận đầu mối kiểm soát quá trình kê khai của cơ quan đơn vị mình nhằm kịp thời phát hiển nguy cơ dấu hiệu tham nhũng sớm nhất chứ không đợi đến lúc cơ quan xác minh tiến hành xác minh mới phát hiện.

Thứ ba, thay vì công khai tại cơ quan như lâu nay các cơ quan đơn vị vẫn làm, nên đổi sang hình thức công khai trên trang thông tin điện tử từng cơ quan để mọi người cùng nắm. Đặc biệt xu hướng hiện nay mọi người đều sử dụng mạng di động, có thể tra cứu giám sát khi cần thiết.

Thứ tư, quy định rõ chế tài xử phạt đối với các đối tượng kê khai không trung thực, có thể tịch thu số tài sản không rõ nguồn gốc, không kê khai giải trình được để răng đe, đảm bảo công tác kê khai được thực hiện một cách nghiêm túc.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2018), Luật số 36/2018/QH14 Phòng, chống tham nhũng

2. Chính phủ (2020), Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/10/2020 về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210934

4. https://luatminhkhue.vn/kiem-soat-tai-san-thu-nhap-cua-nguoi-co-chuc-vu-quyen-han-la-gi.aspx

5. http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210297

6. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-dinh-cua-dang-nha-nuoc-ve-kiem-tra-giam-sat-viec-thuc-hien-cac-quy-dinh-ve-ke-khai-tai-san-thu-nhap-cua-dang-vien-85307.htm

TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LINH

Học viện Hành chính Quốc gia

Quyền hình ảnh cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và phương thức bảo vệ khi bị xâm phạm