Tình đồng nghiệp Luật sư Việt Nam quyết định vị thế Nghề Luật sư

16/09/2020 16:38 | 3 năm trước

(LSO) - Tình đồng nghiệp của Luật sư không phải tự nhiên mà có, tình đồng nghiệp của Luật sư đi vào đời sống của giới Luật sư khi và chỉ khi mỗi Luật sư luôn ý thức tạo lập, xây dựng, duy trì, vun đắp bằng cái tâm của mình thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày, cũng như trong mọi quyết sách, quyết định liên quan đến Luật sư, và nghề Luật sư của Tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư. Tình đồng nghiệp của Luật sư quyết định vị thế của nghề Luật sư trong xã hội, phản ánh tầm cá nhân Luật sư.

Ảnh minh họa.

Không sai nếu cho rằng: Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong mối quan hệ với đồng nghiệp chính là "Tình đồng nghiệp của Luật sư". Có tình đồng nghiệp chúng ta có sự tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ, bảo vệ đồng nghiệp, giữ gìn danh dự và uy tín của đồng nghiệp, không còn sự kỳ thị, chèn ép, phân biệt đối xử với đồng nghiệp, từ đó uy tín, vị thế nghề Luật sư được xã hội ghi nhận, tôn vinh. 

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ – HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc là Văn kiện cụ thể hóa và thấm đượm tình đồng nghiệp. Quy tắc 3 của Bộ Quy tắc đặt ra yêu cầu đầu tiên để tạo lập, duy trì phát triển tình đồng nghiệp: Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình. Điều đó được hiểu và yêu cầu đối với Luật sư rằng những gì Luật sư không muốn phải nhận, những gì Luật sư không muốn đồng nghiệp thực hiện với mình thì không được thực hiện với đồng nghiệp. Danh dự, uy tín của đồng nghiệp, của nghề nghiệp là của chính mình.

Nói dễ, làm khó, nhiều năm trước đây khi tham gia bảo vệ cho gia đình nạn nhân trong vụ Án oan của ông Hàn Đức Long, tôi đã được 01 Luật sư đồng nghiệp 03 lần đề nghị và yêu cầu Hội đồng xét xử đuổi tôi ra khỏi phòng xét xử khi tôi phát biểu quan điểm vì đồng nghiệp cho rằng tôi đã buộc tội thay cho Viện Kiểm sát và điều đó là hoàn toàn trái với chức phận của người Luật sư. Chưa bàn đúng, sai của sự việc vì pháp luật đã có quy định rõ. Không nhận xét phù hợp hay không trong ứng xử đó vì Quy tắc 27 quy định ứng xử tại phiên tòa, cụ thể: Luật sư phải tôn trọng Luật sư đồng nghiệp có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa. Mà rằng, nhắc lại kỷ niệm trong hành nghề để tự mình nhắn nhủ mình rằng cần tôn trọng, nâng niu đồng nghiệp nhiều hơn nữa. Đau xót, trăn trở khi gần đây xuất hiện nhiều hình ảnh Luật sư đồng nghiệp được Hội đồng xét xử mời ra khỏi phiên tòa, khi Luật sư chúng ta vẫn còn bị gây khó dễ, xúc phạm thậm chí bị tấn công khi hành nghề.

Tình đồng nghiệp của Luật sư được đặt thành tên của Quy tắc 17 với yêu cầu, đòi hỏi đối với Luật sư: Trong giao tiếp, hành nghề luật sư, luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề;Luật sư không để kết quả thắng, thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của luật sư.

Quy tắc 17. Tình đồng nghiệp của Luật sư là quy định cá biệt, khác biệt của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nếu so sánh với Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề Luật sư của một số nước mà tôi được biết. Bộ Quy tắc của chúng ta sử dụng cụm từ “Tình đồng nghiệp” mà không sử dụng cụm từ “Quan hệ với đồng nghiệp” hoặc một cụm từ khác. Điều đó cho thấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam coi trọng, đề cao tâm đức, tình nghĩa của con người với con người trong quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp, bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp. Với đặc trưng và tình cảm với nghề nghiệp, tôi gọi và sử dụng khái niệm "Tình đồng nghiệp của Luật sư Việt Nam".

Tình đồng nghiệp Luật sư Việt Nam đòi hỏi sự tôn trọng, hợp tác, thiện chí với đồng nghiệp, loại trừ hoạt động cạnh tranh không lành mạnh; đặt ra nguyên tắc ứng xử của Luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp; chỉ rõ và nghiêm cấm Luật sư không được thực hiện một số loại hành vi cụ thể trong quan hệ đồng nghiệp; quy định về Đạo đức và Ứng xử của Luật sư với một số chủ thể khác có liên quan như: Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư, Người tập sự hành nghề Luật sư, cá nhân không phải là Luật sư trong Tổ chức hành nghề Luật sư, và Cơ quan, Tổ chức nơi Luật sư hoạt động trong trường hợp Luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân: 09 Quy tắc trong Chương 3. Mối quan hệ với đồng nghiệp của Bộ quy tắc.

Tình đồng nghiệp của Luật sư Việt Nam ẩn chứa trong toàn bộ nội dung Bộ Quy tắc và chi phối toàn bộ hoạt động của Luật sư không chỉ trong hành nghề mà cả trong giao tiếp xã hội.

Tình đồng nghiệp Luật sư Việt Nam được xây dựng, và phát triển trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Thực tiễn cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động, chi phối, và quyết định quan hệ của Luật sư với đồng nghiệp. Để có “đồng nghiệp tốt” Luật sư cần phải biết giữ mình, giảm cái tôi, suy nghĩ vì nghề nghiệp, suy nghĩ vì đồng nghiệp; cần phải đặt “Tình đồng nghiệp của Luật sư”, đặt nhiệm vụ “Bảo vệ danh dự, uy tín của giới Luật sư” lên trên các mối quan hệ xã hội khác trong quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp. Có như vậy, người Luật sư mới có đủ sự tỉnh táo cần thiết, đủ bản lĩnh để trung hòa, cân đối, giảm thiểu mâu thuẫn, lợi ích đối lập phát sinh từ hoạt động nghề nghiệp. Từ đó có ứng xử phù hợp, giữ gìn tình cảm với đồng nghiệp, thể hiện trách nhiệm của người Luật sư với nghề Luật sư.

Tình đồng nghiệp của Luật sư được Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam xây dựng làm cơ sở, căn cứ để tạo lập, xây dựng, phát triển mối quan hệ của Luật sư với đồng nghiệp. Quan hệ Luật sư với đồng nghiệp được hình thành dựa trên truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đạo đức dân tộc Việt Nam chúng ta luôn thấm đượm tinh thần tương thân, tương ái; Lá lành đùm lá rách; lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ…

Luật sư với Luật sư là những người cùng làm một nghề. Nghề Luật sư ở Việt Nam được công nhận là nghề cao quý, bởi hoạt động của Luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Luật sư với Luật sư là đồng nghiệp của một nghề cao quý, điều đó đòi hỏi Luật sư phải giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của Luật sư; phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư (QT 03); Luật sư phải tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp Luật sư (QT 18); Luật sư phải coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư (QT 03). Yêu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ của Luật sư với đồng nghiệp được Bộ Quy tắc quy định thực chất cũng chính là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được đúc kết, cô đọng dưới dạng quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, phù hợp với tính chất, đặc thù của nghề Luật sư, Người Luật sư.

Tình đồng nghiệp Luật sư Việt Nam thể hiện trong quan hệ hành nghề, trong giao tiếp xã hội

Tình đồng nghiệp Luật sư hình thành và phát triển trước hết và chủ yếu thông qua hoạt động hành nghề của Luật sư, phát sinh từ các hoạt động mang tính chất nghiệp vụ của Luật sư. Do đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam có nhiều quy định trực tiếp điều chỉnh hành vi của Luật sư với đồng nghiệp trong toàn bộ quá trình hành nghề của Luật sư. 

Luật sư Trần Văn An
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
.

Trong cuộc sống hàng ngày ngoài các quan hệ mang tính chất công việc, xuất phát từ hoạt động hành nghề của Luật sư. Luật sư còn có nhiều mối liên hệ, giao tiếp xã hội với đồng nghiệp. Giao tiếp xã hội của Luật sư với đồng nghiệp được điều chỉnh bởi Điều lệ, Nội quy, Quy chế của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố. Ví dụ Nội quy Đoàn Luật sư, Quy chế quản lý tài sản và chi tiêu tài chính của Đoàn Luật sư quy định các chế độ phúc lợi đối với Luật sư thành viên như chế độ hiếu, hỷ, ốm đau, thai sản và cách thức triển khai, thực hiện các chế độ này.

Mặc dù Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không bắt buộc Luật sư ngoài quan hệ hành nghề phải giao tiếp xã hội với đồng nghiệp vì bản chất tình cảm là sự tự nguyện. Nhưng Bộ Quy tắc quy định và đặt ra các yêu cầu cụ thể buộc Luật sư phải tuân thủ trong trường hợp Luật sư có quan hệ xã giao với đồng nghiệp. 

Bộ Quy tắc quy định Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp phải tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng nghề nghiệp; bảo vệ quyền lợi ích của đồng nghiệp như bảo vệ quyền lợi ích của chính mình; không được phân biệt đối xử. Trong thực tiễn có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động đến quan hệ Luật sư với đồng nghiệp như: tuổi đời, thâm niên hành nghề; quan hệ giữa Luật sư làm công tác quản lý hành chính với Luật sư thành viên; quan hệ điều hành và bị điều hành giữa Luật sư Trưởng tổ chức hành nghề và Luật sư thành viên của tổ chức; chức danh, công việc trước khi hành nghề Luật sư; Luật sư nhận nhiều vụ việc, nhiều khách hàng với Luật sư nhận ít vụ việc, ít khách hàng….Tình đồng nghiệp của Luật sư không cho phép Luật sư để các quan hệ xã hội tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến tìm cảm, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người Luật sư, nghề Luật sư. Bộ Quy tắc yêu cầu và buộc Luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề ( QT 17.1)

Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư với đồng nghiệp không chỉ là tuyên bố, khẩu hiệu. Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư với đồng nghiệp đôi khi chỉ là những cử chỉ, việc làm giản đơn, bình dị thường ngày chứa đựng tình cảm, sự tôn trọng, trân trọng, quý trọng của Luật sư đối với đồng nghiệp. Luật sư còn so kè, chấp nhất, để cái tôi cá nhân, kết quả giải quyết vụ việc ảnh hưởng, chi phối quan hệ với đồng nghiệp, khi đó Luật sư còn xa lánh, còn mất đoàn kết; uy tín cá nhân Luật sư còn hạn chế, vị thế nghề Luật sư còn chưa cao. Tình đồng nghiệp Luật sư không cho phép Luật sư để kết quả thắng, thua trong hoạt động nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến quan hệ của Luật sư, quan hệ giữa Tổ chức hành nghề Luật sư. Bộ quy tắc quy định: Luật sư không để kết quả thắng, thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của luật sư ( QT17.2). Thiết nghĩ, không có thắng, thua giữa Luật sư với Luật sư; Tên Tổ chức hành nghề Luật sư, tên Đoàn Luật sư không phản ánh chất lượng, uy tín, đạo đức người Luật sư; Vùng, miền nơi Luật sư hoạt động không quyết định Đạo đức, Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư.

Tình đồng nghiệp của Luật sư là cơ sở, căn cứ để tạo lập, xây dựng và phát triển quan hệ tốt đẹp của Luật sư với đồng nghiệp, và không bị chi phối, ràng buộc bởi những mối quan hệ khác của Luật sư. Điều đó đặt ra yêu cầu Luật sư phải sử dụng chức danh Luật sư làm cơ sở để xác lập mối quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp; sử dụng tình đồng nghiệp làm trung tâm, trọng tâm điều giải các mối quan hệ xã hội khác; đặt quan hệ đồng nghiệp lên trên các mối quan hệ khác trong trường hợp mối quan hệ đó có mâu thuẫn, tác động không tích cực đến quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp. Bảo đảm quan hệ giữa Luật sư: bình đẳng, độc lập, tôn trọng, hợp tác.

Tạo lập, phát huy tình đồng nghiệp Luật sư xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư

Uy tín của Luật sư, uy tín nghề Luật sư được xây dựng trên cơ sở coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư, xây dựng củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư, Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư. Tất cả những điều đó sẽ có và chỉ có khi trước hết Luật sư phải tin yêu, tôn trọng đồng nghiệp, nghề nghiệp của mình.Tình đồng nghiệp của Luật sư không phải tự nhiên mà có. Tình đồng nghiệp của Luật sư cần được mỗi Luật sư chủ động tạo lập, chủ động giữ gìn, chủ động phát huy thông qua những việc làm thiết thực hàng ngày.

Trong bài viết sau, tôi xin trao đổi về sự Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, đóng góp của quý đồng nghiệp và những người quan tâm nghề Luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
/tong-quan-ve-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-trong-quan-he-voi-dong-nghiep.html