/ Thư viện pháp luật
/ Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất quy định về chi phí tố tụng

Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất quy định về chi phí tố tụng

15/08/2023 06:50 |

(LSVN) - Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo pháp lệnh chi phí tố tụng nhằm tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ vướng mắc cho thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính.

Ảnh minh họa.

Dự kiến pháp lệnh gồm 13 chương, 79 điều, cụ thể như sau:

Chương 1 - Những quy định chung (gồm 13 điều, từ Điều 1 đến Điều 13);

Chương II - Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài (gồm 10 điều, từ Điều 14 đến Điều 23);

Chương III - Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (gồm 5 điều, từ Điều 24 đến Điều 28);

Chương IV - Chi phí giám định (gồm 8 điều, từ Điều 29 đến Điều 36);

Chương V - Chi phí định giá tài sản (gồm 6 điều, từ Điều 37 đến Điều 42);

Chương VI - Chi phí cho người làm chứng (gồm 5 điều, từ Điều 43 đến Điều 47);

Chương VII - Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật (gồm 5 điều, từ Điều 48 đến Điều 52);

Chương VIII - Chi phí cho người chứng kiến (gồm 3 điều, từ Điều 53 đến Điều 55);

Chương IX - Chi phí cho Luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân (gồm 6 điều, từ Điều 56 đến Điều 61);

Chương X - Chi phí cho Hội thẩm (gồm 2 điều, Điều 62 và Điều 63);

Chương XI – Chi phí tố tụng khác (gồm 12 điều, từ Điều 64 đến Điều 75);

Chương XII - Kinh phí thanh toán chi phí tố tụng (gồm 2 điều, Điều 76 và Điều 77);

Chương XIII - Điều khoản thi hành (Điều 78 và Điều 79).

Theo Tòa án nhân dân Tối cao, Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định: "Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án". Tuy nhiên, đến nay văn bản quy định cụ thể về chi phí tố tụng; về việc miễn, giảm các loại chi phí tố tụng nêu trên vẫn chưa được ban hành.

Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các chi phí tố tụng trong tố tụng hình sự nhưng quy định chưa cụ thể nên cần phải ban hành văn bản quy định cụ thể về chi phí tố tụng.

Các chi phí tố tụng bao gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cho Luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân, chi phí cho người chứng kiến, chi phí cho Hội thẩm, chi phí sao chụp tài liệu, chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định, chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, chi phí tống đạt ra nước ngoài văn bản tố tụng của Tòa án Việt Nam đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến, người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.

Đối với chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch đang được thực hiện theo Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, Pháp lệnh này được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nên một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật; một số quy định chưa chi tiết, khó áp dụng trên thực tiễn. Bên cạnh đó, một số quy định mới của Luật Giám định tư pháp năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 về chi phí giám định tư pháp cũng chưa có quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể.

Đối với chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa thì pháp luật hiện hành chỉ quy định riêng cho đối tượng là Luật sư, trợ giúp viên pháp lý mà chưa có quy định cho bào chữa viên nhân dân.

Đối với các chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (gồm: Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, chi phí giám định, chi phí sao chụp tài liệu); chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định, chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí tống đạt ra nước ngoài văn bản tố tụng của Tòa án Việt Nam đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài trong tố tụng dân sự hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể.

Các loại chi phí tố tụng này cần phải được quy định cụ thể trong dự thảo pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính.

Thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: Việc áp dụng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại các Tòa án còn chưa thống nhất về việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi; một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; việc thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch còn chậm trễ, kéo dài; chi phí cho người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa phát sinh một số chi phí (chi phí xét nghiệm Covid-19) mà pháp luật chưa quy định; mức chi cho Hội thẩm còn thấp, không đảm bảo quyền lợi cho Hội thẩm, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Ngoài ra, một số chi phí thực tế phát sinh nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh như: Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết phải tiến hành thông báo, chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định gây lúng túng trong thực tiễn áp dụng. Chưa có quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong trường hợp đảm bảo quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội; quyền sao chụp tài liệu liên quan đến việc bào chữa của người bào chữa tại cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân.

Vì vậy, căn cứ cơ sở pháp lý, phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật như trên thì việc xây dựng pháp lệnh chi phí tố tụng là rất cần thiết.

HÀ ANH

Bùi Thị Thanh Loan