Ảnh minh hoạ.
Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1985 cũng đã quy định hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thành tội danh riêng và được quy định ở Điều 185d, nhưng khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 1999, nhà làm luật thấy cần nhập lại thành một tội và được quy định tại Điều 194. Việc nhà làm luật nhập các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để quy định trong cùng một điều luật lúc đó là để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 04 hành vi phạm tội khác nhau trong cùng một điều luật, nên các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương phải hướng dẫn tùy từng trường hợp cụ thể để định tội danh cho chính xác, cụ thể là:
- Nếu một người thực hiện cả 04 hành vi và cùng một loại ma túy, một khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy thì định tội danh đầy đủ là “tàng trữ, vận chuyển, mua bán và chiếm đoạt chất ma túy” và chỉ áp dụng một mức hình phạt chung cho cả 04 hành vi.
- Nếu một người chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi quy định tại 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì chỉ định tội theo hành vi mà người đó thực hiện chứ không định tội danh đầy đủ như điều luật đã quy định.
- Nếu một người thực hiện nhiều hành vi nhưng các hành vi không liên quan với nhau, thì phải định tội theo từng hành vi và áp dụng mức hình phạt riêng cho từng hành vi rồi tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nay nhà làm luật lại tách Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành 04 tội danh khác nhau. Tuy nhiên, do thực tiễn đấu tranh loại tội phạm ma túy nên phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm này trong giai đoạn hiện nay, chứ không chỉ đơn thuần là việc “nhập - tách”, mà việc tách ra thành 04 tội còn thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với từng hành vi phạm tội. Bộ luật Hình sự năm 2015 tách hành vi “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” thành 04 tội khác nhau vẫn không tránh khỏi có trường hợp gây bất lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi xử lý đối với một người thực hiện cả 04 hành vi “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” cần phải cân nhắc để tránh gây bất lợi cho người phạm tội. Nếu hành vi “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” mà cùng khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy và cùng một chất ma túy thì tùy từng trường hợp mà truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay nhiều tội:
- Nếu hành vi tàng trữ nhằm vận chuyển, mua bán thì chỉ định tội là mua bán trái phép chất ma túy, vì người phạm tội tàng trữ là để vận chuyển, mua bán.
- Nếu chiếm đoạt chất ma túy rồi tàng trữ trái phép, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội: “chiếm đoạt chất ma túy” và “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Chính vì vậy, tại Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”, nhà làm luật đã phải loại trừ trường hợp vận chuyển mà nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thì không phải là hành vi “vận chuyển trái phép chất ma túy”, mà tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy. Đây là vấn đề thuộc kỹ năng làm luật và cũng tránh gây tranh cãi khi cần xác định hành vi phạm tội.
So với Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung như sau:
- Tuy vẫn cấu tạo thành 5 khoản như Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng khoản 1 của Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhà làm luật quy định cụ thể các tình tiết là dấu hiệu định tội, chứ không quy định như khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là quy định mới, tiến bộ không chỉ so với Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999, mà còn khác đối với tội phạm này quy định tại Điều 185d Bộ luật Hình sự năm 1985. Quy định như khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương không phải hướng dẫn hành vi vận chuyển khối lượng, thể tích chất ma túy bao nhiêu thì mới cấu thành tội phạm.
- Trường hợp khối lượng hoặc thể tích chất ma túy chưa đến mức quy định tại khoản 1 của điều luật thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về tội vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội phạm. Đây cũng là quy định mới có lợi cho người phạm tội nên được áp dụng đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm này mới phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
- Ngoài các chất ma túy đã quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999, nhà làm luật còn bổ sung thêm một số chất ma túy mới ở khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 của Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015 như: lá khát (lá cây catha edulis, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11). Đây cũng là quy định mới có lợi cho người phạm tội nên được áp dụng đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm này mới phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
- Đối với hình phạt bổ sung, tuy vẫn giữ nội dung, các loại hình phạt, mức phạt như khoản 5 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng được sắp xếp lại thứ tự cho hợp lý. Hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” được quy định cuối cùng sau hình phạt “cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”.
Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội vận chuyển trái phép chất ma túy phải bảo đảm các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 21 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, chỉ những người sau đây mới là chủ thể của tội phạm này:
- Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, không phân biệt khoản nào của điều luật.
- Người từ đủ 14 tuổi trở lên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự). Việc xác định tuổi của người phạm tội phải căn cứ vào Điều
417 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP- BLĐTBXH.
Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vận chuyển trái phép chất ma túy là xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy (chế độ quản lý của Nhà nước về các chất ma túy để phục vụ cho mục đích kinh tế, xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế).
Đối tượng tác động của tội phạm này là các chất ma túy. Các chất ma túy được quy định tại Công ước quốc tế. Công ước này Việt Nam đã tham gia theo quyết định số 798-QĐ/CTN ngày 01/9/1997 của Chủ tịch Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Danh mục các chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định Danh mục các chất ma túy và tiền chất (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 và thay thế Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ).
Hiện nay tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy không chỉ đối với các chất ma túy thường gặp là thuốc phiện, heroin, morphine, cần sa và một số loại ma túy ở dạng thuốc tân dược như: suzusen, dolagăng, methamphetamin… mà nhiều loại ma túy mới cũng đã xuất hiện trong các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy mà lực lượng chức năng phát hiện như: lá khát, nấm ảo giác, ma túy tổng hợp với công thức phức tạp, ketamine (cỏ Mỹ), nước vui, ma túy trà sữa, nấm thần (nấm ma thuật), ma túy muối tắm, kẹo mút cần sa, thuốc giảm đau fentanyl, thực phẩm chức năng kratom, thuốc lắc, ma túy nước biển, tem giấy ma túy, bóng cười… Có những chất ma túy Chính phủ chưa kịp quy định trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất theo Nghị định số 57/2022/ NĐ-CP. Vì vậy, khi cơ quan chức năng phát hiện được chất ma túy mới, mà chất ma túy đó chưa được quy định tại Nghị định số 57/2022/ NĐ-CP của Chính phủ thì phải đối chiếu với Công ước quốc tế. Trường hợp Công ước cũng không có thì phải báo cáo kịp thời với Chính phủ để bổ sung vào danh mục các chất ma túy.
Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch trái phép chất ma túy từ địa điểm này sang địa điểm khác, từ người này sang người khác, từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác… bằng bất kỳ hình thức, phương tiện nào, nhưng đều không nhằm mục đích, sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Khái niệm vận chuyển trái phép chất ma túy có nội hàm rộng hơn khái niệm vận chuyển hàng hóa thông thường. Vận chuyển trái phép chất ma túy có thể giống với vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác có một cự ly nhất định, như: dùng ô tô, xe đạp, xe máy, tàu thủy, máy bay… nhưng cũng có thể chỉ là hành vi chuyển dịch từ vị trí này sang vị trí khác trong một không gian chật hẹp như: từ gầm giường sang giá sách, từ túi người này sang túi người khác trong một phòng, thậm chí từ túi này sang túi khác của cùng một người. Ví dụ: Đinh Văn T là bạn của Hoàng Văn
K. Trong lúc T đang ở nhà K chơi thì bị công an đến khám nhà K, K nhờ T cất giấu mấy gói heroin vào túi quần, nhưng hành vi của T và K không qua mắt được các chiến sĩ công an. Khi T giả vờ xin phép K ra về thì bị bắt giữ, khám trong người T, thu được 15 gói heroin với khối lượng là 15 gam. Hành vi của T, nếu chỉ căn cứ vào không gian, địa điểm thì dễ cho rằng T chỉ có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng nếu căn cứ vào mục đích cũng như hành vi cụ thể của T thì hành vi của T là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Nếu vận chuyển ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích của người này, thì người có hành vi vận chuyển ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng như: tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò giúp sức. Ví dụ: Nguyễn Văn Th là lái xe thuộc Công ty vận tải số 14, biết Đào Xuân B là người thường xuyên mua bán ma túy từ Sơn La về Hà Nội. Ngày 14/3/2020, B đến gặp Th và nhờ Th mang 01 cặp (02 bánh) heroin về Hà Nội giao cho Nguyễn Văn H, nhưng trên đường vận chuyển từ Sơn La về Hà Nội đến địa phận tỉnh Hòa Bình thì bị bắt giữ. Khi bị bắt, Th khai vận chuyển thuê cho B và được B trả công 3.000.000 đồng. Mặc dù hành vi của Th chỉ là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng vì Th biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của B, nên hành vi của Th là hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò giúp sức.
b) Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của của tội vận chuyển trái phép chất ma túy chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất (chính sách quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy).
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy lại gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với những thiệt hại mà người phạm tội gây ra. Bởi lẽ, tình hình vận chuyển ma túy hiện nay vẫn rất nghiêm trọng, nhất là những đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ có sử dụng vũ khí nóng. Khi bị phát hiện, truy đuổi, chúng thường chống trả rất quyết liệt; đã có những cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng công an, bộ đội biên phòng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ truy bắt người vận chuyển trái phép chất ma túy.
Số lượng chất ma túy mà người phạm tội vận chuyển trái phép cũng được coi là hậu quả của tội phạm, nhưng hậu quả này chỉ là những thiệt hại gián tiếp cho xã hội và đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, số lượng càng lớn thì thiệt hại cho xã hội càng nhiều và người phạm tội bị phạt càng nặng.
Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện.
Nếu người thực hiện hành vi vận chuyển chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người phạm tội ý thức rằng, chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Về lý luận, đây là trường hợp người phạm tội “lầm đối tượng tác động”, nên dù không phải là chất ma túy nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Mục đích của người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Mục đích của người phạm tội được điều luật quy định cụ thể, đó là “không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Nếu người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy mà nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thì tùy trường hợp, người vận chuyển trái phép chất ma túy phạm các tội tương ứng chứ không phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ