/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Tóm lược Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Tóm lược Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

20/03/2023 10:03 |1 năm trước

(LSVN) - Nghề Luật sư được coi là một “nghề danh giá”, bởi lẽ hoạt động nghề nghiệp của Luật sư về bản chất nhằm thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà sự thượng tôn pháp luật và tinh thần công lý trao cho. Ngay trong lời nói đầu của Bộ Quy tắc cũng đã khẳng định: “Nghề Luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ảnh minh họa.

Để thực hiện được những chức năng xã hội nêu trên, đạo đức nghề nghiệp chính là nguồn gốc, là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Không có đạo đức nghề nghiệp, nghề Luật sư không thể tồn tại và phát triển. Ý thức được tầm quan trọng về đạo đức của một người Luật sư trong hoạt động hành nghề, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam vào năm 2011 (sau được ban hành mới vào năm 2019) để điều chỉnh hành vi của các Luật sư trong quan hệ với các chủ thể có liên quan khi hoạt động nghề nghiệp và trong giao tiếp xã hội. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam năm 2019 được ban hành gồm 06 chương với 32 quy tắc quy định về: Các quy tắc chung của Luật sư khi hành nghề; các quy tắc trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng; các quy tắc của Luật sư trong mối quan hệ với đồng nghiệp; các quy tắc khi Luật sư tiếp xúc, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác; các quy tắc khi Luật sư cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí hay thực hiện quảng cáo cho hoạt động hành nghề của mình.

Trên đây là những mối quan hệ cơ bản của một Luật sư trong quá trình hoạt động nghề nghiệp được Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam điều chỉnh cụ thể như sau:

Các quy tắc chung của Luật sư khi hành nghề được quy định tại chương I đã nêu lên các chức năng xã hội của Luật sư với sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tuân thủ và trung thành với Hiến pháp, pháp luật; độc lập, ngay thẳng, tôn trọng sự thật và góp phần vào việc phát triển hệ thống pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động công ích.

Chương II là các quy tắc đạo đức của Luật sư trong quan hệ với khách hàng. Khách hàng là một trong những chủ thể quan trọng nhất hình thành nên nghề Luật sư, đó có thể là các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư đều xuất phát từ nền tảng quan hệ này và tác dụng của nó có ý nghĩa chi phối các hành vi ứng xử khác trong các quan hệ xã hội của Luật sư. Các tiêu chuẩn này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng, bao gồm việc tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phạm trù đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, việc nhận thù lao,…

Quy tắc trong quan hệ với đồng nghiệp được quy định tại chương III của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam. Trong cùng một môi trường việc làm không thể tránh khỏi những trường hợp, thời điểm, tình huống xảy ra va chạm hay các mối liên hệ qua lại giữa những Luật sư với nhau. Nhằm củng cố vị trí, vai trò của nghề luật trong xã hội và giữ gìn hình ảnh của người Luật sư, cần thiết phải có những quy tắc được đặt ra trong mối quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp. Theo đó, mỗi Luật sư cần có nghĩa vụ “tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp”, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp mình cũng như chính bản thân. Đồng nghiệp ở đây được hiểu là những Luật sư có thể đang hoạt động trong tổ chức hành nghề Luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân, đang tập sự hoặc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư.

Chương IV quy định các nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng. Mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng là mối quan hệ có tính chất đặc thù vừa đấu tranh vừa hợp tác. Hợp tác ở chỗ Luật sư và cơ quan, người tiến hành tố tụng cùng chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu tìm ra sự thật, bản chất của vấn đề vì một phán quyết cuối cùng hợp tình hợp lý. Mặt khác, tính đấu tranh lại thể hiện trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, Luật sư và cơ quan, người tiến hành tố tụng luôn có sự giám sát qua lại lẫn nhau. Như vậy, với Luật sư, không chỉ đặt ra yêu cầu phải có kiến thức pháp lý vững chắc, có thể áp dụng pháp luật đúng mà còn đòi hỏi phải có lòng tự trọng, sự độc lập nhất định và tôn trọng chủ thể còn lại trong quan hệ trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ngoài cơ quan tiến hành tố tụng, khi hành nghề Luật sư cũng thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác. Mối quan hệ này xuất phát từ sự uỷ quyền của khách hàng cho Luật sư nhằm giao tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để thực hiện nhu cầu pháp lý của khách hàng, do vậy thường phát sinh đối với những Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý đại diện ngoài tố tụng. Bộ Quy tắc quy định những chuẩn mực trong mối quan hệ này tại Chương V.

Mặt khác, tại Chương VI của Bộ Quy tắc cũng đưa ra hai Quy tắc liên quan đến hoạt động của Luật sư gồm: “Thông tin, truyền thông và Quảng cáo”. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, Luật sư phối hợp với các tổ chức thông tin đại chúng để cung cấp thông tin về những vấn đề dư luận đang quan tâm, tuyên truyền pháp luật và phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, với sự bùng nổ thông tin truyền thông hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều, những thông tin không được kiểm chứng và với tư cách là một Luật sư – người am hiểu pháp luật, các Luật sư cần thận trọng với những phát ngôn của mình trước truyền thông. Bộ Quy tắc đã dành chương cuối để quy định những chuẩn mực của Luật sư khi cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông, đây như một thước đo, một giới hạn đạo đức mà mỗi Luật sư cần biết để có cách ứng xử phù hợp thể hiện đúng trách nhiệm của mình.

Tóm lại, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư ở Việt Nam như một kim chỉ nam cho quá trình hành nghề của mỗi Luật sư. Bộ Quy tắc đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức mà mỗi Luật sư cần tuân theo trong mối quan hệ với khách hàng, với đồng nghiệp; với cơ quan tiến hành tố tụng; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác và các chuẩn mực khi cung cấp thông tin với các cơ quan truyền thông hay thực hiện hoạt động quảng cáo. Từ đó, giúp các Luật sư dễ dàng hơn khi xây dựng định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp; đồng thời nâng cao vị trí, vai trò và chức năng của nghề Luật sư trong xã hội.

THIÊN AN

Trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông

Bùi Thị Thanh Loan