Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng

23/03/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng xuất hiện khi Luật sư tham gia hoạt động tố tụng. Bên cạnh việc tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật Luật sư và các quy định pháp luật khác liên quan, mối quan hệ này còn phải tuân theo sự điều chỉnh của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư.

Ảnh minh họa.

Từ thực tiễn, mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng tập trung vào các hoạt động được pháp luật tố tụng quy định như: Tham gia tố tụng, tham gia các hoạt động điều tra như hỏi cung, thực nghiệm điều tra, cung cấp chứng cứ, trao đổi, kiến nghị, tham gia phiên tòa, trong các vụ án hình sự; khởi kiện, cung cấp chứng cứ, tham gia hòa giải, làm việc, tham gia phiên tòa,… trong các vụ án, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại hay vụ án hành chính.

Để điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam đã quy định chương IV gồm 03 quy tắc (26 – 28) quy định về những quy tắc chung khi Luật sư tham gia tố tụng; ứng xử của Luật sư tại phiên tòa; những việc Luật sư không được làm với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. 

Nguyên tắc chung khi tham gia tố tụng: Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Quy tắc ứng xử tại phiên tòa và quy tắc quy định những điều Luật sư không được làm trong quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng (Quy tắc 26.1). Khi muốn làm sáng tỏ nội dung vụ án, cùng cơ quan tiến hành tố tụng sớm tìm ra sự thật, Luật sư có quyền gặp, trao đổi nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. 

Khi trao đổi Luật sư phải giữ tính độc lập, khách quan, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào nhằm góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội (Quy tắc 26.2).  

Bên cạnh đó, hình ảnh, vai trò cũng như chức năng xã hội của Luật sư được thể hiện mạnh mẽ, rõ nét nhất tại các phiên tòa, cho nên đòi hỏi Luật sư cẩn trọng trong lời nói, tranh luận, đối đáp và Ứng xử phù hợp tại phiên tòa. Chính vì vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư đã quy định Quy tắc Ứng xử tại phiên tòa. 

Quy tắc 27 đã quy định 03 nhóm hành vi ứng xử của Luật sư tại phiên tòa. 

Thứ nhất, Luật sư phải chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa và Hội đồng xét xử; tôn trọng người tiến hành tố tụng, Luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa; có thiện chí, hợp tác khi giải quyết các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến trật tự hoặc tiến trình giải quyết vụ việc tại phiên tòa (Quy tắc 27.1). 

Thứ hai, trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, Luật sư cần tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu chứng cứ pháp lý giúp cho giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật (Quy tắc 27.2). Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, Luật sư không suy diễn, không đưa ra những yêu cầu thiếu căn cứ, không thuyết phục, không đảm bảo sự thật khách quan. 

Thứ ba, trước những hành vi sai trái, thái độ thiếu tôn trọng Luật sư hay khách hàng của Luật sư tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng, Luật sư luôn giữ bình tĩnh và thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật (Quy tắc 27.3). Luật sư phải làm việc, tiếp xúc với những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và những người khác trong quá trình hành nghề, tham gia giải quyết các vụ việc nên có thể sẽ gặp phải những người có hành vi sai trái, thiếu tôn trọng Luật sự hoặc khách hàng của Luật sư thì Luật sư phải có thái độ bình tĩnh, tránh xung đột không đáng có.

Những việc Luật sư không được làm với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được quy định trong Quy tắc 28 cụ thể như sau: Luật sư không được phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng về những vấn đề có liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Việc phát ngôn sai sự thật rất nguy hiểm, có thể làm sai lệch nhận định về sự thật của vụ án và ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đồng thời Luật sư có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý hoặc tệ hơn nữa là đối mặt với vấn đề trách nhiệm hình sự. 

Một hành vi khác mà Luật sư không được làm với các cơ quan, người tiến hành tố tụng đó là phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng. Khi giữa Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng xảy ra xung đột, phản biện, tranh luận gay gắt, Luật sư có thể không giữ được bình tĩnh mà phản ứng tiêu cực bằng cách bỏ về có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi không có sự bảo vệ của Luật sư vì hoạt động tố tụng, trình tự tố tụng của vụ án, vụ việc vẫn được thực hiện hợp pháp khi Luật sư bỏ về như vậy. Bên cạnh đó, việc tự ý bỏ về sẽ gây khó khăn với cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như làm kéo dài việc giải quyết vụ việc, nhất là đối với những vụ án có đông người tham gia tố tụng hoặc vụ án có nhiều bị cáo bị tạm giam làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giải quyết vụ án khi không có Luật sư tham gia và phải hoãn phiên tòa. Ngoài ra, Luật sư cũng không được thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm trong mối quan hệ giữa Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Trong hoạt động hành nghề, Luật sư thường xuyên tiếp xúc với cơ quan, người tiến hành tố tụng do vậy Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đòi hỏi mỗi Luật sư phải có thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, không có những lời nói hoặc việc làm mà ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó, xác lập được mối quan hệ đúng đắn, tích cực giữa Luật sư với các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Đây cũng là cách cải thiện môi trường pháp lý lành mạnh, giúp thúc đẩy hoạt động Luật sư đi lên, tạo ra không khí làm việc thuận lợi, hài hòa ở các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức góp phần thúc đẩy đời sống pháp lý ngày càng phát triển, nâng cao.

LÊ THỊ THANH BÌNH

Học viên lớp Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp

Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng