Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp thể hiện phẩm giá của cá nhân Luật sư

20/09/2020 16:06 | 3 năm trước

(LSO) - Danh dự, nhân phẩm, uy tín con người là quyền Hiến định; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân cơ bản của con người được ghi nhận trong luật pháp tất cả các quốc gia, vì suy cho cùng pháp luật sinh ra từ con người, để bảo vệ con người. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ – HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định Luật sư có trách nhiệm tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống nhằm mục đích để bảo vệ người Luật sư, nghề Luật sư.

Tiến sĩ. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng lãnh đạo các cơ quan dự chỉ đạo Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ VII.

Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp đòi hỏi Luật sư phải tôn trọng và hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp. Quy tắc 18. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp: Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư; Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cùng một khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng.

Danh dự, nhân phẩm, uy tín con người là quyền Hiến định, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân cơ bản của con người được ghi nhận trong luật pháp tất cả các quốc gia vì suy cho cùng pháp luật sinh ra từ con người, để bảo vệ con người. Trách nhiệm tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp là nền tảng Đạo đức tạo lập “Tình đồng nghiệp Luật sư Việt Nam”, được quy định trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số: 201/QĐ – HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư phải có nghĩa vụ bảo vệ uy tín, danh dự của giới Luật sư như chính uy tín, danh dự của cá nhân mình (QT 03): tức người Luật sư phải có nghĩa vụ, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp ở cấp độ cao nhất. Luật sư không vì lợi ích cá nhân mà hy sinh lợi ích tập thể; không vì lợi ích cá nhân mà xâm phạm uy tín nghề Luật sư. Khi danh dự, uy tín của nghề nghiệp chưa cao, nghề Luật sư chưa được xã hội ghi nhận và tôn vinh, khi đó khó có thể khẳng định cá nhân Luật sư đã được xã hội tôn vinh. Uy tín, danh dự của cá nhân Luật sư luôn gắn liền và có quan hệ biện chứng với uy tín, danh dự của giới Luật sư, nghề Luật sư.

Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp trước hết đòi hỏi Luật sư phải “tôn trọng đồng nghiệp”.Tôn trọng một người được hiểu là sự nhìn nhận, đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người đó, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người. Luật sư tôn trọng đồng nghiệp cũng không ngoài phạm trù đó, những sự tôn trọng đồng nghiệp của Luật sư đòi hỏi cao hơn vì chúng ta cùng là Luật sư, cùng làm một nghề được xã hội công nhận là nghề cao quý. Vì vậy Bộ Quy tắc yêu cầu sự tôn trọng, hợp tác giữa Luật sư với đồng nghiệp không những phải đảm bảo quyền lợi của Luật sư mà còn không được: ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư (QT18). 

Tôn trọng đồng nghiệp đòi hỏi người Luật sư phải bảo vệ đồng nghiệp, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Trong công việc Luật sư phải tôn trọng chính kiến, quan điểm, bảo đảm sự độc lập, bình đẳng của đồng nghiệp. Tôn trọng đồng nghiệp đòi hỏi Người Luật sư khi đề cập đến đồng nghiệp hoặc quan điểm, việc làm cụ thể của đồng nghiệp đặc biệt khi tranh tụng tại Tòa cần phải tiết chế cái tôi, có kỹ năng xử lý hài hòa giữa việc bảo vệ quyền lợi ích của khách hàng và bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề nghiệp. Nhất là trong trường hợp các Luật sư có quan điểm trái ngược nhau hoặc bảo vệ cho các nhóm chủ thể có quyền lợi ích hợp pháp đối lập nhau, Luật sư phải có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa. Và trong giao tiếp, hành nghề Luật sư, Luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề (QT17).

Quy tắc 21. Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, quy định những hành vi cấm Luật sư thực hiện như: có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp, thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng, áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với Luật sư, có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các Luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề… Thực chất cũng là những quy định buộc Luật sư phải tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp, ngăn ngừa hành vi xâm hại đến đồng nghiệp.

Luật sư cần hợp tác với nhau trong công việc và trong cuộc sống, nhưng việc hợp tác đó phải đúng pháp luật, phù hợp chuẩn mực nghề luật sư. Bộ Quy tắc nghiêm cấm Luật sư thông đồng, đưa ra đề nghị với Luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân (QT 21.2); nghiêm cấm Luật sư thực hiện hành vi thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng (QT 21.4). 

Luật sư trao đổi nghiệp vụ.

Trong xã hội công nghệ hiện nay việc phát ngôn, thông tin trên không gian mạng xã hội tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống. Đặc biệt đối với nghề Luật sư là nghề đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, một tấm hình, một đoạn bình phẩm trên mạng cũng có thể dẫn tới uy tín, danh dự, sự nghiệp của đồng nghiệp bị hủy hoại. Do vậy, Bộ Quy tắc đã đặt ra các yêu cầu khi Luật sư thông tin, truyền thông tại Quy tắc 31. Thông tin, truyền thông trong đó có nội dung đảm bảo Luật sư phải tôn trọng đồng nghiệp như: Luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của luật sư, nghề luật sư...

Không những không được thực hiện hành vi xâm phạm lợi ích của đồng nghiệp, xúc phạm danh dự, uy tín của đồng nghiệp. Bộ Quy tắc quy định Luật sư phải: góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp Luật sư (QT 18). Các cụ ta có câu "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng", Luật sư cần góp ý khi đồng nghiệp có việc làm chưa đúng, ứng xử chưa đẹp ảnh hưởng đến uy tín nghề Luật sư để cùng phát triển. 

Mặt khác, Luật sư góp ý với đồng nghiệp ngoài việc thể hiện trách nhiệm với đồng nghiệp, tình đồng nghiệp, đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh, sự dũng cảm của người Luật sư, thực hiện thiên chức của nghề Luật sư vì: nghề Luật sư có sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng (QT 01). Bảo vệ công lý, công bằng không chỉ thông quan các vụ việc cụ thể để bảo vệ khách hàng mà còn là việc góp ý để đảm bảo hoạt động của đồng nghiệp đúng pháp luật, phù hợp đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Luật sư ngại va chạm hoặc thờ ơ trước những việc làm chưa hay, chưa đẹp xâm phạm uy tín, vị thế nghề Luật sư là chưa thực hiện hết chức trách của người có sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng. 

Chúng ta cần phân biệt việc góp ý, giúp đỡ đồng nghiệp để cùng tiến bộ khác việc cạnh tranh không lành mạnh, khác việc chèn ép, cô lập đồng nghiệp, khác việc núp danh nghĩa đấu tranh, góp ý để xúc phạm đồng nghiệp, hạ uy tín đồng nghiệp, hạn chế sự phát triển của đồng nghiệp, khác việc gây mất đoàn kết nội bộ…

Vậy, Luật sư góp ý với đồng nghiệp như thế nào cho phù hợp, Quy tắc 25.2. Mọi ý kiến đóng góp của Luật sư với Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, góp phần vào việc phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư và nghề Luật sư. Bộ Quy tắc quy định ý kiến đóng góp của Luật sư với Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, góp phần vào việc phát triển Tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư và nghề Luật sư. Tương tự như vậy, theo tôi việc góp ý giữa Luật sư với đồng nghiệp cần bảo đảm tính trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, phù hợp nội quy, quy định của tổ chức và trên hết phải xuất phát từ thiện tâm của Luật sư với đồng nghiệp. 

 Nghề Luật sư chịu trách nhiệm cá nhân, độc lập và bình đẳng; Luật sư có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Nghề Luật sư có thiên chức cảm hóa, giáo dục con người, khơi dậy phần thiện, phần người trong những con người phạm tội; khơi dậy tính thiện, tính người của những người đang bức xúc, căm giận cái ác và đòi hỏi trừng trị kẻ phạm tội.

Cá nhân mỗi Luật sư có phương pháp, cách thức giải quyết vụ việc khác nhau, hai Luật sư cùng tham gia bào chữa cho một bị cáo, có thể một Luật sư có quan điểm bị cáo vô tội, Luật sư khác có quan điểm bị cáo có tội nhưng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ có thể được hưởng "Án treo". Tranh luận tại Tòa các Luật sư sẽ ứng xử ra sao, hay có thực trạng rằng Luật sư được khách hàng trả tiền để mời sẽ tranh luận theo mong muốn của bị cáo, Luật sư chỉ định hoặc trợ giúp pháp lý sẽ đề nghị mức án treo. Trước đòi hỏi của thực tế, Bộ quy tắc đã bổ sung quy định "Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cùng một khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng" (QT 18.2). 

Trường hợp này, các Luật sư phải cùng nhau trao đổi, bàn bạc, phân tích thiệt hơn và đặc biệt phải phân tích để khách hàng hiểu rõ bản chất pháp lý của vụ việc, điểm mạnh, điểm yếu của các phương án, hậu quả của việc lựa theo các phương án… từ đó để khách hàng cùng Luật sư quyết định lựa chọn quan điểm bào chữa đúng đắn nhất đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đây là quy định mới của Bộ Quy tắc, và sự thật rằng thực thi nội dung này rất khó: Ai phải chủ động trao đổi với ai? Trao đổi bằng cách nào? Chi phí, thời gian để trao đổi? Thông tin về đồng nghiệp để trao đổi? Trao đổi nhưng vẫn  không thống nhất được với nhau… Những vấn đề này cần được giải thích, hướng dẫn cụ thể trong cuốn bình luận, giải thích Bộ Quy tắc do Liên đoàn tổ chức biên soạn để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và thực hiện.

Tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp đòi hỏi người Luật sư phải: giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống (QT 18.1). Cha ông ta cũng có câu “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, cảm thông sẻ chia, giúp đỡ, động viên nhau về mặt tinh thần và cả về vật chất khi Luật sư đồng nghiệp. Nghề Luật sư là nghề Luật, hậu quả từ tai nạn, rủi ro nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp luật là rất nặng nề. Sự sẻ chia, động viên, giúp đỡ đối với đồng nghiệp khi gặp hoạn nạn, rủi ro là hết sức ý nghĩa và cần thiết.

Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

/tong-quan-ve-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-trong-quan-he-voi-dong-nghiep.html
/tinh-dong-nghiep-luat-su-viet-nam-quyet-dinh-vi-the-nghe-luat-su.html