/ Pháp luật - Đời sống
/ Trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành pháp luật tố tụng và thi hành án hành chính

Trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành pháp luật tố tụng và thi hành án hành chính

18/04/2023 18:47 |

(LSVN) - Theo Luật Tố tụng hành chính (TTHC) khi các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp bị khởi kiện, thì Chủ tịch UBND và Chủ tịch các cấp được xác định là đương sự tham gia tố tụng vụ án hành chính phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người bị kiện để bảo vệ tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện.

 

Ảnh minh họa.

Tại Văn bản số 18/UBTVQH14-TP ngày 31/8/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thực hiện Điều 60 Luật TTHC. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật TTHC có hiệu lực, thì việc cử người đại diện trong TTHC trước TAND phải theo đúng quy định tại Điều 60 của Luật TTHC. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.

Theo đó, UBND, Chủ tịch UBND hoặc cấp phó được ủy quyền (không được ủy quyền cho Giám đốc các sở, ngành) phải tuân thủ Luật TTHC, chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia các phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và  đối  thoại; cung cấp chứng cứ theo  yêu cầu của Tòa án để  bảo vệ tính hợp pháp của những quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Đồng thời, có ý kiến bằng văn bản đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện gửi đến Tòa án và tham gia các phiên tòa theo luật định,… 

Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính  phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.

Về nguyên tắc chung, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, giải quyết công việc phải đúng luật, đảm bảo quyền và lợi hợp pháp của Nhân dân và Nhà nước.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, người đứng đầu UBND các cấp phải chấp hành nghiêm, thi hành đúng Bản án, Quyết định đang có hiệu lực pháp luật của Toà án thông báo kết quả thi hành án theo quy định. Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm về việc để xảy ra việc chậm thi hành án, không chấp hành án, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung Bản án, Quyết định của Toà án; thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý,...

Hiến pháp, Luật TTHC 2015, Nghị định 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số  26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể và thống nhất về trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tiễn việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính vẫn không như mong đợi, vẫn xảy ra  bức xúc, khiếu nại kéo dài. Trước thực trạng này, Ủy ban Tư pháp có báo cáo giám sát về thực trạng chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành hành án hành chính trong đó  có thực trạng có UBND, Chủ tịch UBND vắng  100% các phiên họp, các phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các án hành chính. Cho đến nay, nhiều bản án hành chính có hiệu lực, có quyết định của Tòa án buộc thi hành án nhưng vẫn chậm hoặc không được thi hành,…

Ngày 28/02/2023, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Chính phủ trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; tăng cường kiểm tra công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 23/3/2023, Bộ Tư pháp đã gửi Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; chỉ đạo rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về v ụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn trong năm 2023; chỉ đạo kiểm tra xem xét và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định đề nghị có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm 56 bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ năm 2021 trở về trước nhưng đến nay chưa thi hành xong; chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét và xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các vụ việc trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng  và Nhà nước  đã  ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn  Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình  đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Thiết nghĩ chủ đề “Trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính" cần được các cơ quan chức năng giám sát, làm rõ để có những giải pháp hữu hiệu, chấm dứt những tồn tại hạn chế trong thực tiễn, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi  Hiến pháp, pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới. Có như vậy, mới đảm bảo quyền và lợi hợp pháp của Nhân dân.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị

Bùi Thị Thanh Loan