(LSVN) - Vụ việc 3 người thiệt mạng trong chiếc xe ô tô lao xuống sông Mã (Thanh Hóa) rạng sáng ngày 11/10 khiến nhiều người đau xót. Các nạn nhân dùng xe ô tô chở bạn từ đám giỗ ở huyện Như Xuân về huyện Ngọc Lặc, không may gặp nạn ở khu vực đường cụt.
Rạng sáng 11/10, người dân Khu phố Tân An (thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) phát hiện ô tô 7 chỗ Mitsubishi Xpander (BKS 36A-460.50) lao xuống sông Mã và nhanh chóng bị chìm nên báo cơ quan chức năng.
Nhiều người đã hô hoán nhau tìm cách ứng cứu, nhưng do nước sông sâu, xe bị chìm nhanh nên không thể cứu được.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN Công an tỉnh điều thợ lặn, máy cẩu đến tìm kiếm, trục vớt thì phát hiện cả 3 người trên xe đều đã tử vong, gồm: Lái xe Lê Cảnh Huy (37 tuổi) và anh Đinh Tấn Thanh (37 tuổi, cùng ngụ thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân), anh Quách Công Tý (36 tuổi, ngụ xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc).
Được biết, khu vực chiếc xe ô tô bị nạn là đường cụt. Tại đây vốn có một cầu phao bắc qua sông Mã nhưng đến nay đã được dỡ bỏ vì đã có cầu cứng bắc qua sông ở vị trí khác.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Thế Hiền, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Cẩm Thủy cho biết: "Từ năm 2004, sau khi có cầu cứng thì bến phà đã không hoạt động nữa. Chúng tôi cũng đã có lắp biển cảnh báo đường cụt ở khu vực ngã tư. Chưa bao giờ ở đây xảy ra TNGT cả".
"Do ở đây hai bên đường có dân cư sinh sống và đi lại, người dân neo đậu thuyền, đò ở bến phà nên không lắp barie được. Hiện chúng tôi đang cho lắp biển cảnh báo nguy hiểm tại gần vị trí xảy ra TNGT để người dân biết", ông Hiền cho hay.
Bà Lại Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tập trung xử lý vụ việc, đưa người bị nạn về quê nhà và đề nghị làm rõ nguyên nhân chính dẫn tới vụ TNGT. Trong ngày 12/10, Ban cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân không may gặp nạn.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Tranh tụng – Hãng Luật TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đây là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng nên cần truy cứu trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như cá nhân liên quan dẫn đến vụ tại nạn trên.
Trước hết có thể thấy, đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường cụt, do đó việc đặt các biển cảnh báo là điều bắt buộc. Khi tháo dỡ cầu phao, đơn vị quản lý cầu đường có trách nhiệm đặt các chỉ dẫn cảnh báo có nguy hiểm, đặt rào chắn đồng thời báo cho các cơ quan chức năng biết để tổ chức lại hệ thống báo hiệu giao thông cho người tham gia giao thông biết.
Theo quy định tại Điều 37 Luật Giao thông đường bộ 2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Nếu đơn vị quản lý đã có thông báo về việc tháo dỡ cầu phao, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ đặt biển báo giao thông phải nhanh chóng đặt biển báo cấm, biển báo nguy hiểm như: đường cụt, đường cấm theo đúng quy chuẩn được quy định tại Chương 2 Thông tư 54/2019/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Trường hợp các cơ quan này không đặt biển báo hoặc đặt không đúng quy chuẩn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong trường hợp chính quyền địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức giao thông đã cắm biển hiệu, cảnh báo, có giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông nhưng người điều khiển phương tiện giao thông đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông và người đó thiệt mạng thì lúc đó, trách nhiệm thuộc về cá nhân đó chứ không phải bất kì cơ quan đơn vị nào.
Đối với trách nhiệm hình sự của cá nhân lái xe khi sử dụng rượu bia gây hậu quả chết người trong trường hợp này sẽ không bị truy cứu vì người gây tai nạn đã tử vong. Tuy nhiên, nếu người này có để lại di sản thì những người thân của nạn nhân có thể yêu cầu người hưởng di sản thừa kế của người gây tai nạn bồi thường dân sự trong phạm vi được hưởng thừa kế. Cụ thể, Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Đồng thời, Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động thì những người hưởng thừa kế của người gây tai nạn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân (trong đó bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng cho con của nạn nhân) trong phạm vi di sản do người đó để lại.
Đối với từng trường hợp đã có cảnh báo, chưa có cảnh báo và cảnh báo đường cụt không rõ ràng, không có rào chắn thì cá nhân/cơ quan đó sẽ bị xử lý như thế nào?
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Hùng cho biết, trong trường hợp chính quyền địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức giao thông đã cắm biển hiệu, cảnh báo, có giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông nhưng người điều khiển phương tiện giao thông đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông và người đó đã thiệt mạng thì trách nhiệm pháp lý của cơ quan chức năng mới không được đặt ra.
Đối với trường hợp chưa có cảnh báo và cảnh báo đường cụt không rõ ràng, không có rào chắn thì các cơ quan chức năng có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí nếu hậu quả nghiêm trọng, có thể xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nêu trên.
TUỆ MẪN