(LSVN) - Ngày 19/8, một nhóm nhà văn đã đệ đơn kiện công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) Anthropic, với cáo buộc công ty này đã thực hiện "hành vi đánh cắp quy mô lớn" khi đào tạo chatbot nổi tiếng Claude của mình, sử dụng “The Pile” - kho lậu của các cuốn sách có bản quyền.
Ảnh: claudeai.pro.
Đây là vụ kiện đầu tiên của các tác giả sách nhắm vào công ty Anthropic và chatbot Claude. Ngoài ra, công ty cũng đang là bị đơn trong vụ kiện của các nhà xuất bản âm nhạc lớn, với cáo buộc chatbot đã sao chép lại lời bài hát có bản quyền.
Theo đó, Anthropic tự cam kết là nhà phát triển có trách nhiệm, tập trung vào vấn đề an toàn của các mô hình AI, với khả năng soạn thảo email, tóm tắt tài liệu và tương tác với mọi người theo cách tự nhiên nhất.
Ba nguyên đơn, đồng thời là ba nhà văn Andrea Bartz, Charles Graeber và Kirk Wallace Johnson cho rằng hành động của Anthropic đã vi phạm các mục tiêu công ty bằng cách khai thác kho lưu trữ các tác phẩm lậu để xây dựng, qua đó kiếm lợi nhuận từ sản phẩm AI của mình.
Các công ty công nghệ khác, như OpenAI và đối tác kinh doanh Microsoft cũng đang đấu tranh với một loạt các vụ kiện vi phạm bản quyền từ các nhà văn nổi tiếng, cũng như một số những vụ kiện từ các hãng truyền thông như The New York Times, Chicago Tribune và Mother Jones.
Các nguyên đơn đều cáo buộc các công ty công nghệ đã tiếp nhận một lượng lớn văn bản của con người để đào tạo các chatbot AI nhằm tạo ra các đoạn văn bản giống con người, nhưng không xin phép hoặc trả tiền cho những người đã viết các tác phẩm gốc; cho rằng lợi nhuận AI tạo ra được xây dựng dựa trên hành vi chiếm đoạt.
Về phần mình, các công ty công nghệ lập luận rằng việc đào tạo các mô hình AI phù hợp với luật pháp Mỹ, cho phép sử dụng các tài liệu có bản quyền một cách hạn chế để giảng dạy, nghiên cứu hoặc phục vụ việc chuyển đổi mô hình.
Theo TTXVN