TRỰC

19/09/2022 03:14 | 1 năm trước

1. Đề xuất quy định phù hiệu, trang phục huấn luyện, chiến đấu của Cảnh sát cơ động

(LSVN) - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, chiến đấu của Cảnh sát cơ động.

Ảnh minh họa.

Dự thảo quy định, phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động phải được quản lý chặt chẽ, cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động được sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và ra quân làm nhiệm vụ.

Theo dự thảo, phù hiệu của Cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 160/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 29/2016/NĐ-CP).

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi sử dụng trang phục chiến đấu và trang phục huấn luyện mang phù hiệu kết hợp với cấp hiệu.

Giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động có hình chữ nhật, kích thước chiều dài: 85,6 mm, chiều rộng: 53,98 mm.

Nội dung:

- Mặt trước: nền đỏ tươi, xung quanh có viền vàng kích thước 49 mm x 81 mm. Từ trên xuống theo thứ tự: Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM" cỡ chữ 8; "SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM" cỡ chữ 6,5; hình ký hiệu Cảnh sát cơ động in nổi đường kính 23 mm; dòng chữ "GIẤY CHỨNG NHẬN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT" cỡ chữ 15 và "CERTIFICATION OF SPECIAL DUTY" cỡ chữ 13,5; các dòng chữ màu vàng.

- Mặt sau: nền xanh nhạt, xung quanh có viền màu xanh, giữa khung in chìm hình phù hiệu Công an nhân dân đường kính 21 mm, xung quanh hoa văn hình rẻ quạt. Phía dưới bên trái có tem bảo mật, dưới tem có dòng chữ "Số:….." cỡ chữ 8, màu đen; bên phải có bốn dòng chữ, màu đen theo thứ tự từ trên xuống: "Hà Nội, ngày…. tháng….năm…." cỡ chữ 8; "Hanoi, "MINISTER OF PUBLIC SECURITY" cỡ chữ 6,5. Có chữ ký Bộ trưởng Bộ Công an và đóng dấu của Bộ Công an.

Dự thảo quy định, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động, gồm:

- Trang phục chiến đấu chung.

- Trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm.

- Trang phục Bảo vệ mục tiêu.

- Trang phục nghiệp vụ của Không quân Công an nhân dân.

- Trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động Kỵ binh.

- Trang phục biểu diễn đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

Trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động, gồm:

- Trang phục huấn luyện chung;

- Trang phục huấn luyện đặc thù của Cảnh sát cơ động Kỵ binh; đơn vị huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ; đơn vị Không quân Công an nhân dân.

Dự thảo quy định cụ thể danh mục từng loại trang phục cũng như đối tượng sử dụng trang phục.

VĂN QUANG

Không nên quy định chỉ được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá kèm theo xe ôtô

2. Đề xuất các quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tài chính, ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp thứ ba (Luật số 08/2022/QH15). Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường, cần thiết phải ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm để tránh khoảng trống pháp lý khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm được xây dựng nhằm đảm bảo tuân thủ Luật Kinh doanh bảo hiểm, tính thống nhất, phù hợp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm với hệ thống pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế của thị trường, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và những vấn đề trong quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, hiệu quả.

Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hợp nhất các quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các nội dung khác, đảm bảo minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng và bảo đảm cải cách thủ tục hành chính.

Theo dự thảo, đối tượng điều chỉnh của Nghị định bao gồm:

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

- Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài; bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng;

- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khỏe, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành và đảm bảo minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng. Dự thảo nghị định quy định loại hình bảo hiểm nhân thọ có 7 nghiệp vụ bảo hiểm, loại hình bảo hiểm phi nhân thọ có 10 nghiệp vụ bảo hiểm và loại hình bảo hiểm sức khỏe có 2 nghiệp vụ.

Cụ thể, 7 loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ bao gồm:

- Bảo hiểm trọn đời;

- Bảo hiểm sinh kỳ;

- Bảo hiểm tử kỳ;

- Bảo hiểm hỗn hợp;

- Bảo hiểm trả tiền định kỳ;

- Bảo hiểm liên kết đầu tư;

- Bảo hiểm hưu trí.

Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm: Bảo hiểm tài sản; Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển; Bảo hiểm hàng không; Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ; Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu; Bảo hiểm trách nhiệm; Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính; Bảo hiểm nông nghiệp; Bảo hiểm bảo lãnh, Bảo hiểm thiệt hại khác.

2 loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bao gồm: Bảo hiểm sức khỏe, thân thể; Bảo hiểm chi phí y tế.

Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm các quy định về xây dựng, sử dụng, lưu giữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

MAI HUỆ

Mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên như thế nào?

3. Hình thức triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

(LSVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BLĐTBXH quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa.

Trong đó, về tư vấn nghề nghiệp, cần tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học; tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, triển khai công tác tư vấn việc làm cần tổ chức chương trình, ngày hội tư vấn việc làm, tuyển dụng của doanh nghiệp, các hoạt động tư vấn việc làm kết nối người học với đơn vị sử dụng lao động; tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện cho người học về kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và kỹ năng làm việc khác thông qua hoạt động câu lạc bộ, các hội thảo, diễn đàn, lớp đào tạo, hoạt động ngoại khóa, tham quan, thực tập trải nghiệm tại đơn vị sử dụng lao động; hướng dẫn người học khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về thị trường lao động, đánh giá kỹ năng, thái độ, khả năng thích ứng với thị trường lao động.

Để hỗ trợ khởi nghiệp, cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp cho người học thông qua các hoạt động giáo dục; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; qua tài liệu và các phương tiện truyền thông; tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của người học với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp...

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2022.

DUY ANH

Mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên như thế nào?

4. Hà Nội: Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông

(LSVN) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3024/UBND-ĐT về tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông.

Văn bản nêu rõ: "Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm".

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên quán triệt, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu, tập thể liên quan.

Tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện, người lái xe hoạt động vận tải chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của phương tiện, không cơi nới thành, thùng xe và vận động các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có phương tiện vận tải vi phạm kích thước thùng xe tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy; người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về tốc độ.

Thông báo về cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước hoặc thông báo về địa phương nơi công dân cư trú để xem xét, xử lý theo quy định.

PV

Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế

5. 

 

SÁNG

1. Cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản gì của mình và người thân?

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản gì của mình và người thân? Bạn đọc T.L. hỏi.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, theo Ban Nội chính Trung ương, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.

Cụ thể, tại Điều 33, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như sau: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này. 

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Theo Điều 35 quy định, cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản, thu nhập sau của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. 

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Giống như việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập của vợ/chồng, con theo quy định tại Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 03 phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập là kê khai lần đầu, kê khai bổ sung và kê khai hằng năm. Theo đó, mỗi hình thức kê khai lại áp dụng với đối tượng cán bộ, công chức nói riêng. Cụ thể:

- Kê khai lần đầu được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (a) Người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019; (b) Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.

- Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại Khoản 3, Điều 36.

- Kê khai hằng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (a) Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12; (b) Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12.

Bên cạnh đó, việc kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:

- Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác;

- Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 4, Điều 34 của Luật này. Thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về người có nghĩa vụ kê khai 02 trường hợp theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm:

- Các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên;  Thẩm phán.

-  Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Có thể thấy, đây là các đối tượng có cơ hội tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao hơn so với các nhóm khác nên phải kiểm soát thu nhập, tài sản hằng năm.

Để thực hiện kế hoạch xác minh, tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định 130/2020 nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

PV

Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế

2. Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư 5 vấn đề khi mua trái phiếu doanh nghiệp

(LSVN) - Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.

Trong đó, theo Bộ Tài chính, đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý các nội dung sau:

Một là, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư...

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).

Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

PV

Cảnh giác việc ký kết các 'Hợp đồng đầu tư trái phiếu' với các tổ chức trung gian

3. Phân biệt tội ‘Chống người thi hành công vụ’ với một số tội khác

(LSVN) - Bài viết đưa ra các ý kiến để phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội khác có hành vi chống người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Ảnh minh họa.

Tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330); các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ trong Bộ luật Hình sự ra đời nhằm xử lý hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự để chống lại việc thi hành công vụ trong quản lý Nhà nước xảy ra nhiều và có tính chất nghiêm trọng; xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước.

Mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định về các tội nêu trên nhưng việc phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ còn nhiều bất cập. Do vậy thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự gặp không ít khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, bài viết đưa ra ý kiến để phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội khác có hành vi chống người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Người thi hành công vụ

Khái niệm người thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính Phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, quy định cụ thể như sau: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”. [1] 

Ngoài ra, khái niệm người thi hành công vụ còn được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, cụ thể như sau: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.[2]

Từ hai khái niệm trên, để xác định người thi hành công vụ phải xét ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, về chủ thể, người thi hành công vụ phải là cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước hoặc công dân bất kỳ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ;

Thứ hai, về phạm vi nhiệm vụ thực hiện, chỉ có thể được coi là thi hành công vụ khi công việc mà họ làm phải là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án nhằm phục vụ lợi ích chung của nhà nước, của xã hội. Như vậy, về tính chất, thì công vụ mà người thi hành công vụ đang thực hiện có thể liên quan hoặc không liên quan trực tiếp tới lợi ích của người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ

Phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân

Hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ có điểm giống nhau đều liên quan tới việc thi hành công vụ trong công tác quản lý hành chính nhà nước, trong hoạt động tố tụng và trong công tác thi hành án. Tội “Chống người thi hành công vụ” và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do do công vụ của nạn nhân đều là những tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.

Tuy nhiên hai nhóm hành vi này có điểm khác nhau cơ bản như sau:

Thứ nhất, về thời điểm thực hiện hành vi, hành vi chống người thi hành công vụ chỉ có thể xảy ra trong quá trình người bị phạm tội đang thi hành công vụ; còn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ có thể xảy ra trước trong hoặc sau khi thi hành công vụ. Vì thế, để phân biệt hai nhóm hành vi này cần phải xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc thi hành công vụ.

Thứ hai, về mức độ tổn hại cho tính mạng, sức khỏe thì hành vi phạm tội “Chống người thi hành công vụ” không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Còn hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người thi hành công vụ. Nghĩa là, khi thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, thì hành vi chống người thi hành công vụ đã chuyển thành các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người quy định tại Điều 123 và 134 Bộ luật Hình sự. Đây là điểm khác nhau về bản chất giữa hai nhóm hành vi này.

Do đó, hành vi chống người thi hành công vụ không gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ bị coi là phạm tội chống người thi hành công vụ; hành vi tước đoạt tính mạng của người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân bị coi là phạm tội giết người; còn hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân bị coi là phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

Phân biệt tội “Chống người thi hành công vụ” với các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ

Hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi làm nhục, vu khống người thi hành công vụ có điểm giống nhau về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng tác động của tội phạm. Theo đó, thời điểm chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 và thời điểm thực hiện hành vi làm nhục hoặc vu khống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 155, 156 Bộ luật Hình sự là thời điểm người bị phạm tội đang thi hành công vụ. Hành vi chống người thi hành công vụ và làm nhục, vu khống người thi hành công vụ trong công tác quản lý hành chính nhà nước, trong hoạt động tố tụng và trong công tác thi hành án. Điểm khác nhau cơ bản giữa tội “Chống người thi hành công vụ” và làm nhục hoặc vu khống người thi hành công vụ là mức độ thiệt hại.

Cụ thể, nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ chưa đến mức nghiêm trọng thì hành vi xúc phạm người thi hành công vụ cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Nếu xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị coi là phạm tội làm nhục người khác quy định tại điểm d khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Nếu bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ hoặc bịa đặt là người thi hành công vụ phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị coi là phạm tội vu khống quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự. Nếu bịa đặt người thi hành công vụ phạm tội rất nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị coi là vu khống quy định tại điểm đ và h khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Qua nội dung trên, bài viết đã đưa ra khái niệm về người thi hành công vụ và trình bày ý kiến phân biệt tội chống người thi hành công vụ với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân và các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người đang thi hành công vụ với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật tội chống người thi hành công vụ. 

[1] Khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP.

[2] Khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017.

PHẠM MINH HIẾU

Tòa án Quân sự Quân khu 9

Phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi xác minh tài sản, thu nhập thông qua bốc thăm

4. Đơn thuốc khó đọc: Do chữ xấu hay cẩu thả?

(LSVN) - Tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc nhưng rất khó đọc gần như đã thành "mặc định", được xã hội thừa nhận từ trước đến nay! Đến nỗi khi con cái viết chữ quá xấu thì các bậc phụ huynh thường mắng con là viết chữ gì mà xấu như chữ bác sĩ!

Tuy nhiên, nếu đơn thuốc viết tay mà chữ vòng vèo như cọng giá, lò xo đến nỗi những bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm cũng "bó tay" thì không thể chấp nhận được. Đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng một số bác sĩ cố tình viết chữ xấu, không ai đọc được là nhằm mục đích trục lợi, với ý đồ xấu.

Vậy có phải cứ bác sĩ là viết chữ xấu hay không? Thực tế nhiều bạn bè, người quen của tôi là bác sĩ nhưng chữ viết của họ rất rõ ràng, dễ đọc, thậm chí nhiều người chữ rất đẹp. Qua tìm hiểu, trao đổi với nhiều người làm trong ngành y thì không phải bác sĩ là... chữ xấu mà do bác sĩ thường phải học, viết tên thuốc theo tiếng nước ngoài hay gọi là thuốc Tây- tiếng Tây. Vì vậy, khi kê đơn các bác sĩ viết theo tiếng nước ngoài nên người khác thường khó đọc vì không biết ngoại ngữ mà thôi. 

Do đó, các đơn thuốc viết tay không thể đọc được mà cư dân mạng đưa lên bàn tán thời gian gần đây, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng là do một số bác sĩ cẩu thả hoặc cố tình viết xấu để người khác không thể đọc được với mục đích không tốt. Đó là buộc người bệnh phải mua thuốc tại nơi chỉ định hoặc không thể lưu giữ để tham khảo mua thuốc về sau buộc phải quay lại bác sĩ để tiếp tục khám, kê đơn...

Ngoài ra, không loại trừ khả năng bác sĩ không nhớ tên thuốc, viết không chính xác tên thuốc có tiếng nước ngoài nên cố tình viết nguệch ngoạc và để cho các dược sĩ bán thuốc tự đối chiếu, tra cứu chính xác. Bên cạnh đó, cũng có một số ít bác sĩ do chữ xấu tự nhiên hoặc lớn tuổi nên chữ xấu đi hay kê vào thời điểm bệnh nhân quá đông nên viết vội, viết không đủ nét...

Tuy vậy, với bất cứ nguyên nhân nào thì việc "kê đơn thuốc mà không đọc được" đều không chấp nhận được, vi phạm y đức và gây những hệ lụy không tốt cho người bệnh. Đó là khi bệnh nhân cầm đơn thuốc đến nhà thuốc "không quen" hoặc nhà thuốc nhỏ lẻ các nhân viên bán thuốc sẽ khó khăn trong việc đọc đơn thuốc, thậm chí bán nhầm thuốc. Khi đó sẽ rất nguy hiểm như có thể dẫn đến tình trạng dị ứng, gây tác dụng phụ, thậm chí có thể gây sốc phản vệ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.

Thiết nghĩ, trách nhiệm bác sĩ không chỉ tìm ra bệnh, chữa bệnh giỏi mà việc kê đơn thuốc phải viết rõ ràng, không cần chữ phải đẹp nhưng phải đọc được. Bởi quá cẩu thả có thể dẫn đến kê toa thuốc nhầm gây chết người. Đồng thời, tiến tới buộc các phòng khám, bệnh viện khi kê toa bác sĩ phải in và lưu trữ hồ sơ trong máy vi tính. Bên cạnh đó, cần tăng cường chấn chỉnh, giáo dục y đức, xử phạt hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng bác sĩ cẩu thả hoặc cố tình vụ lợi trong kê đơn thuốc ảnh hưởng đến bệnh nhân cũng như gây dư luận xấu ảnh hưởng đến cả ngành y./.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi xác minh tài sản, thu nhập thông qua bốc thăm

5. Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở

(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Xây dựng tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang lấy ý kiến của nhân dân.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Điều 224 dự thảo Luật Nhà ở đã sửa đổi, bổ sung Điều 179 Luật Nhà ở năm 2014 về xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở. Cụ thể, người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi vi phạm sau đây khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng nhà ở; quyết định, thẩm định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở; thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở; xác định nghĩa vụ tài chính về nhà ở; quản lý, cung cấp thông tin về nhà ở và quy định khác trong việc phát triển, quản lý, giao dịch về nhà ở quy định tại Luật này;

- Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về nhà ở hoặc có hành vi vi phạm khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng hợp pháp nhà ở;

- Vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, quy định về báo cáo, thống kê trong phát triển và quản lý nhà ở.

Xử lý vi phạm về nhà ở xã hội

Theo dự thảo, mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.

Việc xử lý tiền thuê, tiền mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Việc xử lý vi phạm về phát triển, quản lý, giao dịch nhà ở xã hội thực hiện như quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (không dành đủ diện tích xây dựng nhà ở xã hội; nhà ở xã hội thiết kế, xây dựng không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn, diện tích nhà ở xã hội; chủ đầu tư chậm triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất thuộc dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị; bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đảm bảo đủ các điều kiện theo Luật Nhà ở…).

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

DUY ANH

Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?

6. Mạo danh Luật sư để lừa đảo có thể bị xử lý như thế nào?

(LSVN) - 

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã chuyển chuyển kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp truy tố Nguyễn Thành Công (36 tuổi, ngụ xã Krông Jing, huyện M’Drắk) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo điều tra, Công không có nghề nghiệp ổn định, do không có tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định giả danh Luật sư để chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh Luật sư, Công đã mua bằng cử nhân luật, thẻ Luật sư giả và con dấu cá nhân có in chữ Liên đoàn luật sư Việt Nam,… Công còn sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để thường xuyên đăng hình ảnh, thông tin trong nhóm “Luật sư tư vấn miễn phí”. Từ tháng 11 đến tháng 12/2021, Công đã lừa đảo liên tiếp nhiều người dân trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý là vụ Công nhận 60 triệu đồng của gia đình bị cáo H.X.T. (36 tuổi, ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), đồng thời hứa sẽ giúp bị cáo này hưởng án treo. Do không làm được như cam kết, nên người nhà đã gọi điện đòi lại tiền, nhưng không liên lạc được Công.

Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Điều 92 Luật Luật sư quy định rỗ, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Một người chỉ có tư cách Luật sư, được hành nghề Luật sư khi có đủ các điều kiện sau:

- Có Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp cấp;

- Đã gia nhập một Đoàn Luật sư;

- Được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư;

- Phải đăng ký hành nghề tại một Tổ chức hành nghề Luật sư hoặc đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân.

Người không có đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người hành nghề Luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định của Luật Luật sư; hành nghề khi chưa được cấp giấy đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân bị xử phạt theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, điểm e khoản 7 Điều 6  Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa Luật sư hoặc mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư, bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Trường hợp mạo danh Luật sư hành nghề Luật sư trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

TIẾN HƯNG

Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?