/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Về hoạt động thu thập chứng cứ là vật chứng của Luật sư

Về hoạt động thu thập chứng cứ là vật chứng của Luật sư

29/10/2022 16:44 |

(LSVN) - Phát hiện, thu thập chứng cứ và thu thập vật chứng trong vụ án hình sự là một trong các hoạt động thuộc thẩm quyền của luật sư nhằm tìm ra và thu giữ những sự kiện, sự vật liên quan đến hành vi phạm tội, để từ đó khai thác những sự kiện, sự vật này làm cơ sở cho việc bào chữa, bảo vệ thân chủ cũng như góp phần vào việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Bài viết phân tích các quy định pháp luật đối với nguồn chứng cứ là vật chứng, qua đó thể hiện quan điểm của tác giả về thực trạng và những khó khăn mà các Luật sư gặp phải khi thu thập chứng cứ là vật chứng của vụ án.

Ảnh minh họa.

Quyền thu thập chứng cứ của Luật sư

Chứng minh trong tố tụng hình sự là quá trình tổng hợp của các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Trong đó, thu thập chứng cứ là hoạt động đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự. Nếu không có thu thập chứng cứ, thì cũng không có kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Điều đó lý giải tại sao vấn đề thu thập chứng cứ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp khi xây dựng hệ thống các chế định tố tụng hình sự.

Phát hiện, thu thập chứng cứ là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền nhằm tìm ra và thu giữ những sự kiện, sự vật thuộc nguồn chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục luật định, để từ đó khai thác những sự kiện, sự vật này làm cơ sở cho việc chứng minh tội phạm. Vật chứng là một dạng tồn tại của chứng cứ, vì vậy việc thu thập vật chứng cũng mang những yêu cầu giống như hoạt động thu thập chứng cứ nói chung.

Liên quan đến hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã khắc phục thiếu sót của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 bằng việc quy định các hoạt động cụ thể mà Luật sư được thực hiện để thu thập chứng cứ như:

(1) Tự thu thập, đưa ra chứng cứ(1);

(2) Gặp người mà mình bào chữa, gặp bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án;

(3) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa(2);

(4) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa trong trường hợp không thể tự thu thập được(3).

Bên cạnh đó, Thông tư số 46/2019/TT-BCA của Bộ công an ban hành ngày 10/10/2019 “Quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” cũng đã đề cập đến quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật của người bào chữa và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án khi xem xét, đánh giá, sử dụng vật chứng do người bào chữa cung cấp, cũng như các thủ tục, quá trình tiếp nhận các chứng cứ, tài liệu này.

Các quy định nói trên đã phần nào khẳng định vai trò và vị thế của Luật sư khi tham gia vào giải quyết vụ án hình sự, tạo cơ sở pháp lý cho Luật sư trong việc thu thập chứng cứ và đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải cẩn trọng, khách quan hơn trong việc đánh giá và sử dụng các chứng cứ do Luật sư thu thập, cung cấp.

Thực trạng hoạt động thu thập nguồn chứng cứ là vật chứng của Luật sư

Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự đã có những ghi nhận tiến bộ về mặt lập pháp trong vấn đề bảo đảm quyền của Luật sư khi thu thập chứng cứ, đánh dấu quan điểm khẳng định và tạo ra cơ chế cân bằng giữa hai chức năng buộc tội và chức năng bào chữa trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động thu thập chứng cứ nói chung và vật chứng nói riêng của Luật sư vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, thiếu quy định chung về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của Luật sư

Vật chứng là một dạng tồn tại của chứng cứ, các quy định chung về chứng cứ và nguồn chứng cứ là cơ sở của việc thu thập, đánh giá, sử dụng vật chứng, chính vì vậy, khi thiếu “cơ sở” thì việc thu thập, đánh giá, sử dụng vật chứng sẽ không được bảo đảm toàn diện.

Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về hoạt động thu thập chứng cứ của các chủ thể có thẩm quyền, đối với hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan, người tiến hành tố tụng (khoản 1, Điều 88) quy định rõ: “Để thu thập chứng cứ… có quyền tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;…” trong khi đó, đối với hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa, chỉ quy định “… quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án;…”. Câu hỏi đặt ra là: nếu Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ đề cập việc tuân “theo quy định” của Bộ luật này đối với các hoạt đông thu thập chứng cứ của cơ quan, người tiến hành tố tụng, vậy thì đối với Luật sư khi thu thập chứng cứ, phải thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? Nếu không có quy định, Luật sư có thể tự do áp dụng các biện pháp, thủ tục như lập biên bản, để đương sự viết cam kết, niêm phong, yêu cầu giám định… hay không? Và nếu trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của Luật sư là không cần theo quy định của pháp luật, vậy căn cứ cơ sở nào để khẳng định tính hợp pháp, liên quan, khách quan của chứng cứ do Luật sư thu thập?.....

Như vậy, vấn đề phát sinh là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuy đã ghi nhận quyền được thu thập chứng cứ của Luật sư nhưng lại thiếu mất các cơ chế để quyền này được thực hiện. Cụ thể, đối với hoạt động thu thập vật chứng, cơ quan, người tiến hành tố tụng khi cần thu thập đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án, áp dụng các quy định tại Điều 192, Điều 198 về khám xét và thu giữ vật chứng; Điều 90, Điều 105 về niêm phong, bảo quản, thu thập vật chứng; đối với trường hợp vật chứng là chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, buộc phải giám định mới có căn cứ xác định vật chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ về trình tự giám định, định giá các tài sản trên để bảo đảm giá trị chứng minh của các vật này; các quy định về việc lập biên bản hoạt động thu thập vật chứng, mô tả trạng thái vật chứng lúc vừa được thu thập, sao lưu… Trong khi đó, Luật sư khi thu thập vật chứng gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn Luật sư cố gắng thực hiện theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc lập biên bản, bảo quản vật chứng, yêu cầu giám định, định giá đối với những vật bắt buộc phải được giám định… Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng các quy định này có nhiều hạn chế, do chúng vốn không được thiết kế cho hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư và bởi vì bản chất của hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư (thực hiện chức năng bào chữa) khác với hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan, người tiến hành tố tụng (nghiêng về chứng minh tội phạm - buộc tội). Đã có trường hợp Luật sư sau khi tự mình thu thập chứng cứ là vật chứng giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng bị từ chối đưa vào hệ thống chứng cứ của vụ án do “không đúng trình tự thủ tục” dù Luật sư đã cố gắng bảo đảm, tuân thủ các điều kiện, quy định của pháp luật về thu thập chứng cứ.

Có quan điểm cho rằng, việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định trình tự, thủ tục hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư là đang tạo điều kiện cho Luật sư có thể tự do áp dụng các biện pháp mà pháp luật không cấm để thu thập chứng cứ, việc đánh giá và quyết định có sử dụng các chứng cứ đó hay không sẽ do cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền đánh giá, quyết định (vì hoạt động chứng minh tội phạm, người phạm tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng); quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án của Luật sư chỉ nhằm mục đích củng cố các chứng cứ có lợi cho thân chủ của Luật sư, không nhằm mục đích chứng minh tội phạm, chính vì vậy Luật sư có thể áp dụng mọi biện pháp thu thập chứng cứ miễn là không trái pháp luật(4). Theo quan điểm của tác giả, việc Luật sư có thể tự do sử dụng các phương pháp để thu thập chứng cứ miễn là không trái với các quy định của pháp luật là phù hợp với thực trạng hiện nay, khi mà Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định cụ thể trình tự, thủ tục cũng như các phương pháp mà Luật sư được phép sử dụng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, cũng vẫn cần có một chế định pháp lý cụ thể về các tiêu chí đánh giá chứng cứ do Luật sư cung cấp, để tránh sự tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, đánh giá, xem xét các chứng cứ do Luật sư thu thập.

Thứ hai, khó khăn từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án

Hiện tại, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định phương thức để Luật sư có thể thu thập vật chứng đó là đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa(5). Nhưng thực tế cho thấy, các đương sự hay cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thường rất ngại cung cấp, không muốn cung cấp hoặc tìm cách từ chối cung cấp các chứng cứ mà họ đang có vì nhiều lý do: do tâm lý chung của đại đa số người dân ngại liên quan đến các vấn đề pháp lý, đặc biệt là lĩnh vực hình sự; cũng có thể là do việc Luật sư chủ động liên hệ yêu cầu được cung cấp tài liệu, đồ vật còn khá mới mẻ, khi mà vị thế, vai trò của Luật sư chỉ mới thật sự được công nhận trong những năm gần đây… Điều quan trọng là vì Luật sư không có quyền cưỡng chế, không có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp chế tài nào đối với người không cung cấp tài liệu, chứng cứ, nên việc yêu cầu, đề nghị cung cấp tài liệu, vật chứng, chứng cứ chủ yếu chỉ có thể thực hiện trên cơ sở hợp tác. Trong những trường hợp này, người bào chữa hoàn toàn không thể áp dụng bất kỳ biện pháp nào, vì luật không quy định.

Thứ ba, thiếu các phương tiện để bảo quản, chuyển giao vật chứng

Bảo quản vật chứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp duy trì tình trạng nguyên vẹn của vật chứng, bảo đảm giá trị chứng minh tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá các chứng cứ trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Do vật chứng là nguồn chứng cứ tồn tại ở trạng thái vật chất, mà vật chất lại phụ thuộc rất lớn vào môi trường xung quanh. Đối với các loại vật chứng là vật mang dấu vết của tội phạm đòi hỏi quy trình thu thập, bảo quản hết sức nghiêm ngặt, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng, tác động của môi trường xung quanh. Với các loại vật chứng là chất hóa học, ma túy, cần phải được bảo quản bảo đảm không lẫn tạp chất khác và phải được đem đi giám định trước khi xác định là vật chứng trong vụ án. Hay với vật chứng là công cụ thực hiện tội phạm là vật cồng kềnh, nặng nề khó vận chuyển, niêm phong (gậy; côn;…). Việc bảo quản vật chứng đòi hỏi những thủ tục và kỹ năng hết sức khắc khe nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ đối với tội phạm và người phạm tội, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực, gây ra những thiệt hại không đáng có, pháp luật yêu cầu vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Chính vì vậy, để bảo đảm hiệu quả trong quá trình thu thập vật chứng, Luật sư phải hết sức cẩn trọng khi bảo quản, niêm phong, chuyển giao vật chứng.

Thứ tư, còn nhiều Luật sư thiếu kỹ năng thu thập chứng cứ

Một số Luật sư đánh giá, thu thập chứng cứ chưa chuẩn xác nên xảy ra trường hợp thu thập các tài liệu, đồ vật không phải là chứng cứ, việc này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có thể do quá trình thu thập, bằng các biện pháp, cách thức, trình tự sai thủ tục tố tụng, do quá trình bảo quản, vận chuyển có sơ suất, do đánh giá chủ quan của Luật sư về các vấn đề liên quan đến vụ án hoặc các lý do khác liên quan đến kỹ năng của Luật sư khiến cho các tài liệu, đồ vật mà Luật sư thu thập không bảo đảm được giá trị chứng minh vụ án.

Như vậy, việc thiếu các cơ chế, quy định cụ thể về hoạt động thu thập chứng cứ nói chung và thu thập vật chứng nói riêng của Luật sư cũng như thiếu chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, gây khó dễ, trì hoãn hoặc cố ý không thu thập, cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của người bào chữa mà không có lý do chính đáng, dẫn tới tình trạng cuối cùng Luật sư vẫn phải nhờ cơ quan tiến hành tố tụng hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ thuộc nguồn vật chứng, điều này vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa của việc quy định quyền thu thập chứng cứ của Luật sư và mục tiêu cân bằng giữa hai chức năng buộc tội và gỡ tội - quan điểm của các nhà làm luật khi ban hành Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư

Đối với các trường hợp khó khăn trên đây, Luật sư thường phải xử lý theo hướng vận dụng quy định tại khoản 3, Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập”. Tuy nhiên, cũng như câu chuyện thiếu hành lang pháp lý trong việc quy định trình tự, thủ tục hoạt động thu thập chứng cứ do chủ thể là Luật sư tiến hành và các tiêu chí kiểm tra đánh giá chứng cứ do Luật sư cung cấp, quyền “đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập” trên thực tế cũng chỉ mang tính hình thức, Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn chưa có quy định cụ thể về các trường hợp Luật sư đề nghị sự hỗ trợ của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc trì hoãn, thực hiện lấy lệ thì chế tài nào dành cho họ? Trong khi luật không quy định rõ ràng về vấn đề này thì có đồng nghĩa với việc họ không có nghĩa vụ phải phản hồi kết quả thu thập chứng cứ? Những vấn đề này tạo nên sự mập mờ, không rõ ràng và lúng túng khi áp dụng.

Chính vì vậy, để hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư trong vụ án hình sự nói chung và với nguồn chứng cứ là vật chứng nói riêng được thực hiện có hiệu quả, nâng cao vai trò của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự, người viết đề xuất một số kiến nghị và giải pháp như sau:

Về quyền thu thập chứng cứ của Luật sư

Hiện nay, quyền thu thập chứng cứ của Luật sư được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 73 và khoản 2, Điều 88, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu công nhận về quyền được thu thập chứng cứ của Luật sư, trên thực tế các hoạt động thu thập chứng cứ tại Điều 88 chỉ đề cập đến đối tượng là cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà thiếu đi các quy định cụ thể cho Luật sư thực hiện. Quyền xem xét, đánh giá chứng cứ vẫn thuộc về cơ quan, người tiến hành tố tụng. Để quyền thu thập chứng cứ của Luật sư được hoàn thiện và mang tính thực thi, Bộ luật Tố tụng hình sự nên có thêm các quy định cụ thể về hình thức thu thập, trình tự, thủ tục chuyển giao và trách nhiệm bảo quản đồ vật khác trong vụ án do Luật sư thu thập, cung cấp, cũng như các điều kiện cụ thể cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng để đánh giá, sử dụng các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do Luật sư cung cấp. Nên bổ sung thêm vào quy định về thu thập chứng cứ tại Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

“…2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Việc thu thập chứng cứ, các tài liệu, đồ vật, yêu cầu liên quan đến vụ án của Luật sư tuân thủ theo quy định của Bộ luật này”.

Về điều kiện đánh giá, sử dụng chứng cứ do Luật sư thu thập

Cần quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc mà cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải áp dụng để đánh giá, sử dụng các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do Luật sư cung cấp; có cơ chế kiểm tra, giám sát cơ quan tiến hành tố tụng, tăng trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong việc kiểm tra, sắp xếp, đưa vào hồ sơ vụ án các chứng cứ mà Luật sư thu thập được..

Nâng cao trình độ, kỹ năng thu thập chứng cứ của Luật sư

Các Luật sư cần chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng, nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, vận dụng phối hợp giữa các quy định pháp luật vào thực tế hành nghề để đánh giá, nhìn nhận chứng cứ vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật.

Tóm lại, để quyền thu thập chứng cứ là vật chứng của Luật sư đi vào cuộc sống và thật sự mang lại hiệu quả tố tụng, cần quy định rõ ràng về trình tự thu thập vật chứng của Luật sư; trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thực hiện đề nghị của người bào chữa về thu thập chứng cứ; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cung cấp chứng cứ cũng như chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, cố ý không cung cấp, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Luật sư mà không có lý do chính đáng; quy định cụ thể về các tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ do Luật sư cung cấp.

(1) Điểm h, khoản 1, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

 (2) Khoản 2, Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

 (3) Khoản 3, Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

(4) Thái Chí Bình (2015), Thực trạng áp dụng quy định về thu thập, bảo quản vật chứng và giải pháp khắc phục, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1799

(5) Khoản 2, Điều 81, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thạc sĩ NGUYỄN THẢO NHI

Giảng viên Học viện Tư pháp cơ sở TP. Hồ Chí Minh

Nhận định về tội 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' theo Bộ luật Hình sự 2015

Lê Minh Hoàng