/ Trao đổi - Ý kiến
/ Về thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi

Về thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi

03/03/2023 08:34 |

(LSVN) - Nhóm tội xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi đang trở nên đáng báo động ở nước ta, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Việc tổ chức xét xử nghiêm minh các vụ án này có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, về thời hạn xét xử các vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi vẫn còn nhiều cách hiểu, cách áp dụng chưa thống nhất.

Ảnh minh họa.

Quy định về thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi, trong đó một trong những nguyên tắc tiến hành tố tụng là “Bảo đảm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” (khoản 7, Điều 414, BLTTHS).

Bảo đảm thống nhất với nguyên tắc nêu trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019. Trong Nghị quyết này, thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được quy định tại khoản 1, Điều 7 với nội dung:

“1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:

a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng”.

Như vậy, đối với các vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi, Tòa án phải ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn đối với những trường hợp đủ điều kiện (Điều 456, BLTTHS). Đối với những trường hợp không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, Tòa án “phải đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép” mà cụ thể là thời hạn quy định tại Điều 277, BLTTHS. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn có vướng mắc dẫn đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Điều 277, BLTTHS quy định về “Thời hạn chuẩn bị xét xử”, trong đó chia ra hai nhóm loại thời hạn khác nhau: Nhóm thứ nhất là thời hạn từ khi thụ lý vụ án đến khi ban hành một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; Nhóm thứ hai là thời hạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi mở phiên tòa.

Một số bất cập

Bất cập thứ nhất: Về cách hiểu quy định “phải đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép”

Có người cho rằng, “phải đưa ra xét xử” là phải “ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung, hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ”. Nhưng có người khác lại cho rằng, “phải đưa ra xét xử” là phải “mở phiên tòa”. Tôi cho rằng, quan điểm thứ nhất là phù hợp. Cần phải hiểu “phải đưa ra xét xử” là “ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung, hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ” bởi vì: Đây là khoảng thời gian để Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhằm đưa ra một trong các quyết định nêu trên. Khi quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, có nghĩa vụ án đã có sự thay đổi về thời hạn tố tụng. Nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải tiến hành các thủ tục liên quan đến ban hành quyết định, triệu tập và tống đạt các quyết định, giấy triệu tập, văn bản khác đến Viện Kiểm sát, bị cáo, bị hại và các chủ thể khác. Hoạt động này cần có thời gian nhất định và việc tống đạt phải hoàn thành chậm nhất 10 ngày trước ngày mở phiên tòa. Nếu hiểu theo cách thứ hai, tức là “phải đưa ra xét xử” có nghĩa là phải “mở phiên tòa” thì sẽ không bảo đảm. Trường hợp vụ án là ít nghiêm trọng, thời hạn là 30 ngày, lúc này 1/2 của thời hạn là 15 ngày. Trong vòng 15 ngày, nếu Thẩm phán vừa phải nghiên cứu hồ sơ, vừa phải tống đạt theo đúng quy định thì sẽ không thể thực hiện được.

Bất cập thứ hai: Đối với trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử 

Theo khoản 1, Điều 277, BLTTHS, ngoài thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định cụ thể đối với từng nhóm tội phạm, đối với trường hợp phức tạp, Chánh án Tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, khoảng thời hạn này là thời hạn kéo dài của thời hạn chuẩn bị xét xử. Khi hết thời hạn này, một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ phải được ban hành. Vậy, khi gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, thì thời hạn gia hạn là bao nhiêu.

Cách hiểu thứ nhất, do quy định của Nghị quyết 06/2019 là “phải đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép”. Do đó, thời gian gia hạn tối đa cũng phải là 1/2 thời hạn mà pháp luật cho phép, có nghĩa gia hạn tối đa đối với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng là 07 ngày, đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 15 ngày. Cách hiểu thứ hai cho rằng, quy định của Nghị quyết 06/2019 không áp dụng đối với thời gian gia hạn bởi vì tính chất của việc gia hạn là do vụ án phức tạp, nếu rút ngắn 1/2 thời hạn này sẽ không bảo đảm mục đích “tháo gỡ sự phức tạp của vụ án đó”.

Thực tế hiện nay, không ít các Tòa án đều theo cách hiểu thứ hai, tức là sẽ gia hạn tối đa thời hạn pháp luật cho phép. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định của pháp luật, mà cụ thể là Nghị quyết 06/2019 thì tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Bởi vì khi quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án chưa ban hành một trong các quyết định đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ. Do đó, chưa được coi là “đưa vụ án ra xét xử” nên vẫn phải tuân thủ quy định không quá 1/2 thời hạn cho phép.

Bất cập thứ ba: Đối với thời hạn từ khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi mở phiên tòa

Theo đó, thời hạn này được quy định là 15 ngày (trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan). Tuy nhiên, đối với vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, có người cho rằng, thời hạn này cũng chỉ được tính 1/2 của 15 ngày, tức là 07 ngày mới đúng Nghị quyết 6/2019. Tuy nhiên, tôi đồng tình với cách hiểu thứ hai, đó là thời hạn này phải là 15 ngày. Như đã phân tích ở bất cập thứ nhất, quy định của Nghị quyết 06/2019 là áp dụng đối với thời hạn từ khi thụ lý đến khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Còn khi đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, có nghĩa Tòa án đã “đưa vụ án đó ra xét xử” nên thời hạn sau sẽ không áp dụng quy định này. Đồng thời, nếu áp dụng quy định 1/2, sẽ không bảo đảm việc tống đạt, sẽ vi phạm quyền được nhận quyết định của bị cáo, bị hại và các chủ thể khác, từ đó có thể xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích của họ.

Để bảo đảm tối đa quyền, lợi ích đối với bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm hại tình dục, quy định của Nghị quyết 06/2019 là cần thiết. Tuy nhiên, không ít các vụ việc phức tạp (mặc dù thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng rất phức tạp) đã diễn ra trên thực tế. Đối với những trường hợp này, việc quy định thời hạn như vậy là không bảo đảm, không tương thích với yêu cầu giải quyết vụ án, nhất là trong bối cảnh số lượng án liên tục tăng, áp lực của Thẩm phán, Thư ký là rất lớn. Do đó, thiết nghĩ cần phải bổ sung thêm quy định đối với những trường hợp phức tạp, thời hạn này được giữ nguyên theo quy định của BLTTHS. Đồng thời, cũng cần sửa đổi quy định theo hướng rõ ràng hơn, tránh việc áp dụng không thống nhất trên thực tiễn.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Một số vấn đề về hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ của Luật sư trong tố tụng hình sự

Nguyễn Hoàng Lâm