VKSND cấp cao tại Hà Nội thông báo rút kinh nghiệm vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

28/09/2020 20:21 | 3 năm trước

(LSO) - Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKSND cấp cao tại Hà Nội thông báo để VKSND địa phương trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự tham khảo rút kinh nghiệm.

Ảnh minh họa.

Nội dung vụ án

Bùi Thị Thùy D không có chức năng tuyển dụng nhưng khi biết được ông Đỗ Tiến K có mong muốn xin con trai vào Kho bạc Nhà nước huyện T và con dâu vào làm giảng viên Trường Cao Đẳng X, Bùi Thị Thùy D đã trao đổi với Hoàng Thị H về việc chạy việc cho con trai và con dâu của ông K. Qua trao đổi, H bảo chi phí khoảng 200 – 250 triệu đồng để xin vào Kho bạc và chi phí khoảng 150 – 180 triệu đồng để xin vào ngành giáo dục.

Sau khi H và D thống nhất số tiền để chạy việc; D trực tiếp gặp ông K và trao đổi với ông K chi phí để xin vào Kho bạc là 300 triệu đồng và 270 triệu đồng để xin vào ngành giáo dục. Ông K đồng ý và đưa cho D tổng số tiền là 570 triệu đồng. Ông K và D thống nhất viết hai giấy biên nhận tiền, một giấy ghi D nhận 300 đồng và một giấy ghi D nhận 270 triệu đồng, lý do vay tiền của ông K để giải quyết việc cá nhân.

Sau khi nhận tiền từ ông K, D đã chuyển tổng số tiền cho H là 417 triệu đồng qua nhiều lần và nhiều hình thức khác nhau. Còn lại 153 triệu đồng D giữ lại chi tiêu cá nhân và không nói cho H biết cụ thể. Sau gần 01 năm, con trai và con dâu ông K không được trúng tuyển để đi làm, ông K đã làm đơn tố cáo Bùi Thị Thùy D đến Cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án

Kết luận điều tra số 29/KLĐT-CQĐT-PC02 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh B đề nghị truy tố bị can Hoàng Thị H và Bùi Thị Thùy D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cáo trạng số 35/CT-VKS-P2 ngày 23/8/2019 của VKSND tỉnh B truy tố bị can Hoàng Thị H, Bùi Thị Thùy D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2019/HS-ST ngày 03/12/2019 của TAND tỉnh B căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Hoàng Thị H 9 năm tù; xử phạt bị cáo Bùi Thị Thùy D 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Hoàng Thị H không kháng cáo; bị cáo Bùi Thị Thùy D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo D rút kháng cáo nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 160 ngày 07/7/2020.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về xác định số tiền chiếm đoạt để áp dụng khung hình phạt đối với bị cáo H: Trong vụ án này, bị cáo D là người trực tiếp liên hệ và nhận tiền từ ông K để hứa hẹn xin việc cho con ông K với tổng số tiền là 570 triệu đồng. Tuy nhiên, khi D trao đổi với H về xin việc, chỉ trao đổi về trường hợp xin vào Kho bạc thì chi phí từ 200 – 250 triệu đồng/suất và chi phí khoảng 150 -180 triệu đồng/suất để xin vào ngành giáo dục, H không biết D nhận từ ông K bao nhiêu tiền và thực tế H chỉ nhận 417 triệu đồng từ D, nên H chỉ phạm tội theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174 để truy tố, xét xử đối với bị cáo H là không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi cho bị cáo.

Tuy nhiên, với mức án 9 năm tù đối với bị cáo H là phù hợp, nằm trong khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự có mức hình phạt từ 7 – 15 năm tù nên VKSND cấp cao tại Hà Nội xét thấy không cần thiết kháng nghị giám đốc thẩm.

MINH HIỀN

/vksnd-cap-cao-tai-ha-noi-thong-bao-rut-kinh-nghiem-vu-an-tranh-chap-chia-thua-ke-tai-san.html