PV: Thưa ông, tấm lòng yêu nước của vua Hàm Nghi, lịch sử Việt Nam đã ghi rõ, vậy ở cuộc tọa đàm sắp đến có gì độc đáo và mới mà độc giả chưa am tường?.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Mới hay độc đáo là tùy nhận xét của người tham dự. Tọa đàm quan tâm đến những gì mà chúng tôi nghĩ độc giả Việt Nam cần phải biết và biết chính xác. Không những biết về cuộc đời yêu nước, làm nghệ thuật của Hàm Nghi ở chốn lưu đày mà còn cần phải biết về đời sống, tình cảm gia đình và người đương thời nghĩ về Hàm Nghi ở chốn lưu đày.
PV: Vậy những thông tin về đời tư của vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày có gì khác so những điều mà nhiều người đã biết?.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Lâu nay người ta đã biết vua Hàm Nghi có vợ là bà Maccelle Laloe và có 03 người con là: Công chúa Như Mai, Công chúa Như Lý và Hoàng tử Minh Đức. Qua nghiên cứu của chúng tôi, nhà vua còn có một người tình vốn là gia sư của các con vua Hàm Nghi. Người tình này đã có với vua Hàm Nghi một người con trai và hiện nay nhà vua còn một người cháu nội gái là một bác sĩ ở Paris. Tài liệu của Pháp cũng cho biết, trong thời gian sống ở vùng núi Quảng Bình, vua Hàm Nghi đã có một người con trai với một cô gái ở Thanh Lạng.
Ngoài những người đàn bà đã đi qua đời vua Hàm Nghi, vua Hàm Nghi còn có những người yêu hết sức thắm thiết ở Pháp.
PV: Trong trường hợp nào mà ông có thể có được tài liệu khám phá ra những góc khuất của cuộc đời vua Hàm Nghi?.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Tôi may mắn đã được thăm và phỏng vấn công chúa Như Lý, được gặp bác sĩ – cháu nội của vua Hàm Nghi, được trao đổi thông tin hình ảnh với cô Amandine Dabat – cháu 05 đời của vua Hàm Nghi, được gặp trao đổi thông tin tư liệu với bác sĩ Gérard Chapuis – người sưu tầm cổ vật, tranh, tượng, sách báo có liên quan đến vua Hàm Nghi ở Pháp, được gặp Tiến sĩ Đặng Văn Giáp làm việc ở Bộ Ngoại giao Pháp – cháu của bà Phan Thị Nhàn (thân mẫu của vua Hàm Nghi), đi viếng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac, Dordogne nhiều lần. Và đặc biệt, tôi đã sưu tập được hầu hết những sách báo ở trong nước và ngoài nước viết về vua Hàm Nghi.
PV: Với một sưu tập phong phú về vua Hàm Nghi như thế, ông có ý định phát huy giá trị bộ sưu tập ấy để phục vụ cho văn hóa lịch sử của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng?.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Trước mắt, tôi sử dụng những thông tin từ người thật việc thật, từ những công trình đã được đánh giá tốt để đính chính nhiều thông tin thiếu chính xác đã được công bố trong và ngoài nước từ xưa đến nay. Qua tọa đàm, chúng tôi sẽ công bố một phần những thông tin mà chúng tôi nghĩ độc giả và các nhà nghiên cứu về vua Hàm Nghi cần biết và kêu gọi những người yêu kính vua Hàm Nghi, những nhà làm văn hóa du lịch đầu tư lập một tủ sách về vua Hàm Nghi. Đề xuất ngành du lịch mở một tour du lịch viếng mộ vua Hàm Nghi và các lâu đài của các con vua Hàm Nghi ở miền Trung Tây nước Pháp.
PV: Theo ông, những sách báo, tài liệu nào viết chưa đúng về vua Hàm Nghi là quan trọng nhất và cần phải đính chính?.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Trong cuốn “Nguyễn Phúc tộc thế phả” viết “vua Hàm Nghi mất ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (04/1/1943) thọ 72 tuổi”.
Sự thật là vua Hàm Nghi mất vào ngày 14/1/1944. Năm mất của vua Hàm Nghi có ghi rõ trên mộ của Ngài. Trong cuốn “Ba vị hoàng đế cách mạng Hàm Nghi – Thành Thái – Duy Tân” đặc san tưởng niệm ba vị hoàng đế cách mạng của Hội đồng Hoàng tộc Nguyễn Phước hải ngoại viết “Vua Hàm Nghi mất tại Alger năm 1944 nơi biệt thự El Biar”. Không có biệt thự El Biar. Vua Hàm Nghi mất trong biệt thự Gia Long. Biệt thự này do vua Hàm Nghi xây dựng theo kiến trúc cung đình nhà Nguyễn vào năm 1906. Trong cuốn “Bao Dai ou lé derniers jours de L’empire D’Annam” của tác giả Daniel Grandclément ( Nhà xuất bản JC Lattès – 1997) đã viết “L’empereur, mort à Alger en 1940” (p.365) – hoàng đế mất ở Alger vào năm 1940.
Đặc biệt trong cuốn sách “Vua Hàm Nghi” (Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM năm 2000), tác giả Hải Âu đã viết ông như là một người bạn của vua Hàm Nghi. Ông cho biết vua Hàm Nghi mất “ngày 24 tháng 12 năm 1943”. Ông và hoàng tử Minh Đức cùng lo tang lễ cho vua Hàm Nghi. Chỉ cần 3 thông tin này người đọc có thể thấy ông hư cấu chứ không có sự thật. Thứ nhất, vua Hàm Nghi luôn luôn bị người Pháp cấm tiếp xúc với người Việt Nam thì không thể có 01 người lính Việt Nam ở trong nhà để được vua Hàm Nghi xem như là bạn. Thứ hai, lúc đó đang diễn ra chiến tranh thế giới thứ II, Hoàng tử Minh Đức cũng như 02 công chúa Như Mai, Như Lý không thể về Alger để lo đám tang cho cha. Thứ ba không thể có ngày mất của vua Hàm Nghi là 24.12.1943 (Vì trên bia mộ vua Hàm Nghi đã ghi rõ Ngài mất năm 1944).
Tôi đã gặp và hỏi chuyện công chúa Như Lý có biết gì về chuyện ông Hải Âu gần gũi với vua Hàm Nghi như tác giả viết hay không, Công chúa Như Lý khẳng định không có chuyện đó.
PV: Xin cảm ơn ông, năm nay dù đã vượt qua tuổi 85 nhưng vẫn luôn nặng lòng với Cố đô Huế!
HOÀNG THU