Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 dự báo sẽ tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự xuất hiện các loại tài sản mã hóa, các phương tiện thanh toán mới… kèm theo là sự gia tăng của các dạng vi phạm và tội phạm mới trên môi trường số. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để khai thác những lợi ích và ứng phó những mặt trái mà CMCN 4.0 mang lại là một yêu cầu tất yếu.
Tại Việt Nam hiện nay, cùng với CMCN 4.0, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng (P2P)… như một xu thế tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ. Sự phát triển, lưu hành các loại tiền số (Bitcoin, Litecoin…), các phương thức thanh toán điện tử mặc dù mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, nhưng lại khó kiểm soát và dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm hoành hành.
Gần đây, hàng loạt đồng tiền ảo đã du nhập vào Việt Nam như Bitcoin, Onecoin, ILCOIN, Gemcoin, Octa…, cùng với đó là mô hình kinh doanh tiền ảo cũng xuất hiện. Theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 9 tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện thí điểm dịch vụ ví điện tử (một hình thức của tiền ảo) bao gồm: MobiVi, VietUnion, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT-EPAY…
Tiền ảo, tiền điện tử (còn gọi là tiền mã hóa) cho đến nay chưa có một khái niệm thống nhất; tại Việt Nam cũng chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Theo PGS.TS Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội) thì tiền ảo (virtural currency) là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng là phương tiện trao đổi; là một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định tại một quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch.
Một số đặc điểm về tiền ảo:
Về chủ thể phát hành: Tiền ảo là do một người hoặc một nhóm người tạo hoặc “đào” ra trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, được mã hóa và được lưu trữ trong hệ thống máy tính có giá trị quy đổi thể hiện thông qua đồng tiền truyền thống (tiền pháp định). Điều này làm cho tiền ảo trở thành công cụ dự trữ giá trị và công cụ để đầu tư.
Về chức năng thanh toán của tiền ảo: Tiền ảo có thể được mua bán, trao đổi, đầu tư hoặc là phương tiện thanh toán trong các giao dịch có phạm vi hạn chế. Thế nhưng, chức năng thanh toán này không thay thế cho đồng tiền truyền thống, vì về bản chất chức năng thanh toán của tiền ảo trong giao dịch không tương ứng như vai trò của một phương tiện trung gian thanh toán theo quy luật ngang giá. Thực chất, tiền ảo trong trường hợp này là một loại tài sản được các bên chấp nhận trao đổi, có giá trị tương đương với các tài sản, hàng hóa đối ứng.
Về hình thức tồn tại: Tiền ảo được tạo ra và được lưu trữ dưới dạng điện tử gắn với đồng tiền của các quốc gia, giá trị của nó được đo lường bởi đồng tiền quốc gia. Vì vậy, bản thân tiền ảo chỉ có thể trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch điện tử, mà không trở thành đồng tiền thanh toán cho các giao dịch giao kết theo phương thức truyền thống, bởi nó không tồn tại trong thế giới khách quan.
Tiền ảo đã và đang trở thành những tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn, nhưng tại các quốc gia đang có nhiều quan điểm và cách tiếp cận trái ngược nhau. Có nước chấp nhận như một loại phương tiện thanh toán nhưng cũng có quốc gia hoàn toàn không thừa nhận và không cho phép lưu thông. Cho đến nay, trên thế giới chưa có một khung pháp lý dành riêng cho tiền ảo.
Ở nước ta, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11//2012 về thanh toán không sử dụng tiền mặt, đã quy định tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Ngoài ra, theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước có Công văn 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ thông báo về việc không công nhận đồng Bitcoin cũng như đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời cơ quan này có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán; các tổ chức tín dụng không được sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Mặc dù vậy, đến nay ở nước ta vẫn chưa có một khung pháp lý nào hoàn chỉnh chính thức quy định hay điều chỉnh về vấn đề tiền ảo. Trước thực tế đời sống sôi động, việc thiếu công cụ quản lý và không rõ ràng trong chính sách luật pháp đã làm cho vấn đề tiền ảo trở nên mơ hồ, tạo ra các lỗ hổng pháp lý bị tội phạm khai thác, lợi dụng để gây án. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo theo phương thức đa cấp liên quan đến tiền ảo diễn biến rất phức tạp; có thể kể đến một số vụ việc điển hình:
Tháng 4/2018, lãnh đạo Công ty CP Modern Tech (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) bị tố cáo đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng của nhà đầu tư. Theo đó, công ty này mời chào mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin, với cam kết lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, cao gấp 50-80 lần lãi suất gửi ngân hàng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu mời được người mới mua tiền ảo sẽ được hưởng thêm 8%. Để gây dựng lòng tin, đồng iFan hay Pincoin được gắn mác là tiền quốc tế, thành lập tại Singapore, Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz. Tuy nhiên, sau 4 tháng ra đời, iFan đã sụp đổ và không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%. Nạn nhân ước tính có khoảng 32.000 người.
Hay như công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu trời công nghệ) là trường hợp tiếp theo bị tố lừa đảo. Ngày 23/7/2018, nhiều nhà đầu tư tố cáo không thể liên lạc được với ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc công ty, một số xưởng đào tiền ảo bị dọn sạch máy trong đêm. Có tới 300 đơn tố cáo đã được gửi đến cơ quan công an. Kết quả điều tra xác định Sky Mining quảng bá là công ty “đào tiền ảo lớn nhất Việt Nam”, bán các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để nhà đầu tư mua máy đào. Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư. Đóng tiền xong, công ty xuất máy cho nhà đầu tư và họ ký gửi lại để tiến hành đào tiền ảo. Khi ông Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người tuyên bố bị Sky Mining lừa đảo vì đã đóng từ 5 đến 10 tỷ đồng để lấy lãi 0,6% mỗi ngày mà chưa kịp thu hồi vốn…
Lừa đảo tiền ảo tại Việt Nam thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng, dùng tiền của người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước. Về bản chất cái gọi là “kinh doanh tiền ảo” chỉ là việc dùng sản phẩm số này để che đậy cho việc huy động tài chính trái phép. “Ăn theo” sự thành công của đồng tiền Bitcoin, đánh vào tâm lý hám lợi và sùng bái các mô hình đầu tư tiên tiến, thời thượng, nhưng lại mù tịt về công nghệ thông tin, các đối tượng dễ dàng dẫn dụ người dân bỏ vốn ra đầu tư vào những đồng tiền ảo vô giá trị. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thường rất tinh vi: Trước tiên, đồng tiền ảo do chúng tự phát hành và tự định giá. Để che giấu hành vi huy động tài chính trái phép, chúng yêu cầu người chơi dùng tiền mặt mua một loại đồng tiền kỹ thuật số có giá trị như đồng Bitcoin, rồi đổi tiếp sang đồng tiền ảo trên sàn giao dịch của chúng. Việc zic - zac hóa dòng tiền gây khó khăn cho việc chứng minh thiệt hại. Ngoài ra, việc giao dịch từ tiền mặt sang tiền ảo chủ yếu bằng hình thức trao tay tại các quán cà phê, không hề có giấy tờ biên nhận. Sau khi chuyển tiền mặt thì nhà đầu tư nhận lại bằng ví tiền điện tử.
Tình hình trên cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo một cách hoàn chỉnh. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc CMCN 4.0. Khung pháp lý liên quan đến tiền ảo khi được hoàn thiện sẽ hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan, phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này.
Về định hướng hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời gian tới, tác giả đề xuất quan điểm tiếp cận như sau:
Thứ nhất, không công nhận chức năng là phương tiện thanh toán của tiền ảo và không coi tiền ảo là một loại tiền.
Thứ hai, chỉ nên coi tiền ảo là một tài sản đặc biệt tồn tại dưới dạng vô hình (tài sản kỹ thuật số), được phép lưu thông có điều kiện, theo những quy chế đặc thù; tiền ảo có thể là đối tượng của các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế hoặc có thể dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; cho phép và kiểm soát các hoạt động phát hành cho công chúng (ICO) đối với tiền ảo; cho phép thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tiền ảo.
Thứ ba, cần thu thuế các hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Thứ tư, theo kinh nghiệm từ Singapore, trước khi hoàn thiện những khung pháp lý chính thức, nên tiếp cận và đưa ra các quy định quản lý "mềm", như quy định về chống rửa tiền, trốn thuế hay nhận diện khách hàng. Đây là cách quản lý sẽ có lợi cho tất cả các bên, bao gồm cơ quan quản lý, khách hàng hay nhà đầu tư.
Trong khi chưa hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo, để phòng ngừa có hiệu quả tình hình tội phạm lừa đảo theo phương thức đa cấp núp bóng kinh doanh tiền ảo, theo tác giả, cần có một biện pháp tức thời như sau:
Một là, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc huy động tài chính, kinh doanh đa cấp tiền ảo, lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật. Trong đó, cần tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng và các cộng đồng dân cư, để kịp thời phát hiện các hoạt động huy động vốn trái phép dưới danh nghĩa kinh doanh tiền ảo, kịp thời phát hiện, kiểm tra các hoạt động tổ chức hội thảo có đông người tham gia, để xác minh làm rõ, ngăn chặn những hoạt động lừa đảo đa cấp liên quan đến tiền ảo.
Hai là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật. Cần siết chặt kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán. Đồng thời, cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo.
Ba là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để phân biệt tiền ảo, tiền điện tử, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp, sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…).
Bốn là, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tiền ảo, mối quan hệ giữa nó với tài sản thực, tiền thực; vai trò của và tác động của tiền ảo tới pháp luật…để sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế./.
TRUNG TÁ, NCS ĐÀO TRUNG HIẾU/KIỂM SÁT