/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

11/05/2022 16:35 |

(LSVN) - Bên cạnh việc quy định quyền truy tố của Viện Kiểm sát thì pháp luật hiện hành cũng quy định về việc rút quyết định truy tố. Việc rút quyết định truy tố của Kiểm sát viên có thể diễn tra trước hoặc trong phiên tòa, có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố. Bài viết dưới đây tác giả sẽ giới thiệu về hoạt động xem xét khi Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa.

Ảnh minh họa.

Viện Kiểm sát (VKS) quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng. Như vậy, có thể hiểu quyết định truy tố chính là bản cáo trạng được Kiểm sát viên (KSV) đọc trước phiên tòa. Từ đó, thì rút quyết định truy tố chính là hoạt động rút bản cáo trạng. Rút quyết định truy tố có thể là rút toàn bộ quyết định truy tố tức là rút toàn bộ cáo trạng mà VKS đã truy tố người phạm tội hoặc rút một phần quyết định truy tố tức là Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không xét xử người phạm tội về một tội hoặc về một số tội nào đó hoặc không áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã nêu trong cáo trạng.

Tại Điều 325 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định xem xét về việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa như sau:

“1. Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

2. Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, HĐXX yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó”.

Tại phiên tòa khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó. Hoạt động rút một phần quyết định truy tố của Kiểm sát viên không làm thay đổi giới hạn xét xử về cả phạm vi xem xét và phạm vi ra quyết định vụ án, Hội đồng xét xử vẫn có quyền xét xử toàn bộ những bị cáo và hành vi đã bị Viện Kiểm sát truy tố trong cáo trạng và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa khi Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án, trước khi nghị án, thì Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến của họ về việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát là có hay không có căn cứ.

Và tại khoản 4 Điều 326 quy định: “Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp".

Thực tiễn việc xem xét rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa và những khó khăn, vướng mắc

Việc rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa được thực hiện ở hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ khi Tòa án nhận hồ sơ đến trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và giai đoạn 2 từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử tới khi mở phiên tòa.

Giai đoạn 1: Nếu xét thấy có căn cứ rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố thì Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án phải báo cáo cho Viện trưởng VKS xem xét, quyết định. Việc rút quyết định truy tố phải bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp rút toàn bộ quyết định truy tố thì đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án. Sau khi Tòa án xem xét việc Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố là đúng đắn, thì thẩm quyền đình chỉ vụ án thuộc về Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa theo quy định tại Điều 282 BLTTHS.

Những căn cứ để VKS rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án bao gồm: Không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm được đại xá, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, người tội phạm được đại xá, người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nhưng gây thiệt hại không lớn có nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Giai đoạn 2: Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi mở phiên tòa nếu VKS rút một phần quyết định truy tố thì HĐXX chỉ xét xử phần không bị rút truy tố; nếu VKS rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX ra quyết định đình chỉ vụ án.

Đối với việc rút toàn bộ quyết định truy tố, thẩm quyền giải quyết có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 282 BLTTHS, trường hợp VKS rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án nên thẩm quyền thuộc Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa.

Quan điểm 2: Khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thẩm quyền không phải của Thẩm phán mà thuộc về HĐXX, vì vậy Tòa án phải mở phiên tòa và thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

Quan điểm 3: Thẩm quyền thuộc về HĐXX nhưng không cần thiết phải mở phiên tòa mà HĐXX mở phiên họp để giải quyết việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát bằng và trước ngày mở phiên tòa (vì do không phát sinh chức năng xét xử).

Quan điểm cá nhân đồng ý với quan điểm 2, bởi khi đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, VKS rút toàn bộ quyết định truy tố thì mọi quyết định đều thuộc HĐXX nên phải mở phiên tòa, HĐXX vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định. Nếu có căn cứ, xác định bị cáo không có tội thì HĐXX nghị án, ra bản án tuyên bị cáo không có tội.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 320; Điều 325; khoản 4 Điều 326 BLTTHS khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội và rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Nếu KSV rút toàn bộ quyết định truy tố, trước khi nghị án HĐXX yêu cầu những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến về việc rút đó và giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự tại phần khoản 1 Điều 326 BLTTHS. Khi nghị án, HĐXX cho rằng việc rút quyết định truy tố đúng đắn thì tuyên bị cáo vô tội, nếu việc rút đó không đúng thì ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị lên Viện trưởng VKS cùng cấp hoặc Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp. Điểm bất cập ở quy định này là khi VKS rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề của vụ án.

Có quan điểm cho rằng nếu KSV rút toàn bộ quyết định truy tố thì đương nhiên sẽ không có lời luận tội, không có tranh luận giữa các bên thì làm sao HĐXX tiếp tục giải quyết. Vì vậy, khi KSV rút quyết định truy tố phần nào thì HĐXX chỉ được xét xử phần còn lại, nếu rút toàn bộ thì phải tuyên bị cáo vô tội chứ không phải HĐXX lựa chọn việc là tiếp tục xét xử. Như vậy thẩm quyền của Tòa án trong vấn đề rút quyết định truy tố đã mâu thuẫn với chức năng xét xử. Vì giới hạn xét xử và quyền truy tố đặt ra yêu cầu nếu không có buộc tội thì không phát sinh việc xét xử.

BLTTHS quy định việc rút quyết định truy tố của VKS tại Điều 285: “Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 BLHS thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án”. Tuy nhiên, điều luật không quy định rõ việc rút một phần hay là toàn bộ quyết định truy tố nên việc “đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án” là chưa phù hợp.

Xem xét việc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa sơ thẩm

Tại Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 quy định Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa sau khi xét hỏi nếu có căn cứ rõ ràng để kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố thì KSV có quyền kết luận về khoản nhẹ hơn hoặc nặng hơn (tình tiết định khung tăng nặng) khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hay không? Có quan điểm cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm, KSV có quyền kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật. Vì theo quy định tại Điều 298 BLTTHS thì kết luận và đề nghị của KSV về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng một điều luật là hoàn toàn nằm trong phạm vi “giới hạn của việc xét xử”. Trong quá trình tham gia xét xử và diễn biến tại phiên tòa KSV nhận thấy bị cáo không phạm vào điểm, khoản mà VKS truy tố nhưng phạm vào điểm, khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng một điều luật, nếu KSV đó không được thay đổi mà vẫn bảo vệ theo khoản mà VKS đã truy tố trước đó thì không đúng theo nguyên tắc “Xác định sự thật của vụ án” quy định tại Điều 15 BLTTHS. Trong khi đó Tòa án lại có thẩm quyền xét xử theo khoản nặng hơn trong cùng một điều luật khác với khoản mà VKS đã truy tố trước đó.

Trong trường hợp VKS rút quyết định truy tố không có căn cứ HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ vụ án thì căn cứ vào quy định nào của BLTTHS, vì Điều 281 BLTTHS không có quy định trường hợp này. Mặc khác luật cũng không quy định về việc kiến nghị của HĐXX được VKS giải quyết như thế nào?

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, bổ sung Điều 282 của BLTTHS 2015 quy định về trường hợp Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi mở phiên tòa như sau: “1. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

…  b) Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Trường hợp Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử”.

Thứ hai, đối với trường hợp rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa cần bổ sung Điều 285 BLTTHS năm 2015 theo hướng VKS được quyền rút một phần, hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa, như sau: “Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự thì Viện kiểm sát có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án phần đã rút”.

Thứ ba, bổ sung vào Điều 319 BLTTHS quy định về việc Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

NGUYỄN TẤT TRÌNH

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực

Lê Minh Hoàng