/ Pháp luật bốn phương
/ Xét xử vụ tài xế đầu tiên kiện Volkswagen gian lận khí thải

Xét xử vụ tài xế đầu tiên kiện Volkswagen gian lận khí thải

05/01/2021 18:03 |

Vụ bê bối "gian lận khí thải" đã khiến tập đoàn Volkswagen - bao gồm các thương hiệu Porsche, Audi và Skoda – phải chi ra hơn 30 tỉ Euro các chi phí pháp lý, tiền phạt và tiền đền bù, chủ yếu là ở Hoa Kỳ.

Trường hợp đầu tiên từ một người lái xe của Volkswagen đến tòa án

Herbert Gilbert chỉ là một trong số hàng chục nghìn tài xế đã kiện Volkswagen vì gian lận kiểm tra khí thải, nhưng tuần này Gilbert sẽ làm nên lịch sử pháp lý khi vụ kiện “dieselgate” của ông trở thành vụ đầu tiên được Tòa án tối cao Đức xét xử.

Vụ tai tiếng bắt đầu vào năm 2015 khi Volkswagen buộc phải thừa nhận đã cài đặt "thiết bị đánh bại” trên 11 triệu động cơ diesel trên toàn thế giới được thiết kế để làm giả kết quả kiểm định về ô nhiễm. Ngày 18 tháng 9 năm 2015, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã ban hành một Thông Báo Vi phạm Đạo luật không khí sạch đối với hãng sản xuất ô tô Đức Volkswagen Group.

Trong thời gian từ 2009-2015, Volkswagen đã cài đặt thiết bị điều chỉnh nồng độ khí thải trên 11 triệu xe Volkswagen toàn cầu nhằm qua mắt giới chức môi trường. Việc này cho phép xe của hãng có khả năng kiểm soát ô nhiễm khi chiếc xe bị kiểm tra. Vì thế, khi vận hành bình thường, những chiếc xe này sẽ thải ra lượng khí gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép.

Chủ tịch hội đồng quản trị của Volkswagen AG Martin Winterkorn đã công khai xin lỗi công chúng và cam kết hãng sẽ lấy lại niềm tin. Điều tra cho thấy lượng khí thải NOx trong quá trình lái xe cao gấp 35 lần so với tiêu chuẩn. EPA phân loại lập trình này như một thiết bị hủy bỏ, bị cấm bởi Đạo luật không khí sạch. Ước tính có khoảng mười một triệu chiếc xe trên toàn thế giới, trong đó có 500.000 ở Hoa Kỳ, sử dụng lập trình như vậy

Một trong những chiếc xe được trang bị phần mềm gian lận đó thuộc về Gilbert, một khách hàng trọn đời của Volkswagen. "Tôi đã bị sốc và rất thất vọng khi Volkswagen viết thư cho tôi để nói với tôi rằng chiếc xe của tôi đã bị ảnh hưởng", người đàn ông 65 tuổi nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến do luật sư của ông tổ chức vào tuần trước.

Năm 2014, Gilbert đã mua một chiếc Volkswagen Sharan đã qua sử dụng ở một đại lý với giá 31.490 euro (34.370 đô la), mà ông nói rằng ông đã chọn nó vì các thông tin được cho là thân thiện với môi trường. Gilbert đã cáo buộc Volkswagen cố tình lừa dối mình và ông muốn trả lại chiếc xe và được hoàn lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra để mua chiếc xe.

Trong khi đó, Volkswagen từ chối yêu cầu này và nói rằng Gilbert không bị thiệt hại kinh tế từ vụ lừa đảo đó cũng như vẫn có thể tiếp tục sử dụng chiếc xe của mình bởi chức năng gian lận đã bị xóa trong bản cập nhật phần mềm bắt buộc.

Các thẩm phán dự kiến ​​sẽ công bố ý kiến ​​của họ về các điểm chính trong vụ kiện vào thứ ba. Phán quyết của họ sẽ tạo tiền lệ cho khoảng 68.000 trường hợp cá nhân khác vẫn đang chờ xử lý.

Gilbert lần đầu nộp đơn khiếu nại vào năm 2017 lên tòa án quận ở Bad Kreuznach, gần thành phố Mainz phía Tây nước Đức. Tòa án đã bác bỏ yêu cầu của anh ta, nhưng Gilbert đã thắng trong kháng cáo khi các thẩm phán ra phán quyết rằng Volkswagen phải nhận lại chiếc xe và hoàn trả cho nguyên đơn 25.616 euro - ít hơn số tiền Gilbert đưa ra. Cả Volkswagen và Gilbert đều kháng cáo bản án đó khiến vụ việc được đưa lên tòa án dân sự cao nhất của Đức.

"Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ rất ít khả năng để Tòa án liên bang chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại", Volkswagen nói trong một tuyên bố, nhắc lại rằng Gilbert đã "sử dụng toàn bộ" chiếc xe trong suốt thời gian một năm. Trong khi đó, các luật sư của Gilbert cho rằng Volkswagen "cố tình làm hại" khách hàng của họ và hy vọng tòa sẽ đưa ra "phán quyết quan trọng" sẽ liên quan đến các vụ kiện "dieselgate" khác đang xếp hàng để được giải quyết ở Đức.

Thỏa thuận bên ngoài tòa án đã chấm dứt vụ kiện tập thể lớn nhất từ ​​trước đến nay của Đức sau khi Volkswagen đồng ý trả khoảng 750 triệu euro tiền bồi thường cho khoảng 235.000 khách hàng, hoặc từ 1.350 đến 6.250 euro mỗi xe. Tuy nhiên, đó là một số tiền khiêm tốn so với số tiền mà các tài xế ở Hoa Kỳ đã nhận được.

Nhìn chung, vụ bê bối dieselgate đã khiến tập đoàn Volkswagen - bao gồm các thương hiệu Porsche, Audi và Skoda – phải chi ra hơn hơn 30 tỉ euro các chi phí pháp lý, tiền phạt và tiền đền bù, chủ yếu là ở Hoa Kỳ. Tại Đức, hiện Volkswagen chỉ mới trả ba khoản tiền phạt tổng cộng 2,3 tỉ euro, nhưng còn đang bị nhiều vụ kiện dân sự và hình sự.

Các thẩm phán tại Tòa án Công lý liên bang ở Karlsruhe chưa đưa ra phán quyết ngay lập tức về yêu cầu bồi thường của Gilbert, nhưng dự kiến ​​sẽ đưa ra một gợi ý theo cách mà họ đang hướng tới và sẽ là phán quyết mẫu cho các trường hợp khác chống lại nhà sản xuất ô tô Đức này.

Cho đến nay, tập đoàn này vẫn còn đang bị vướng vào một mạng lưới các tai ương pháp lý. Các nhà đầu tư ở Đức đã hợp lực để yêu cầu bồi thường hàng tỷ euro vì sự sụt giảm giá cổ phiếu của Volkswagen trong những ngày sau khi vụ bê bối được đưa ra công khai.

Các cuộc điều tra về tội thao túng cổ phiếu và các vụ kiện tại tòa án chống lại một số nhân vật hàng đầu của Volkswagen, bao gồm cả Tổng Giám đốc điều hành hiện tại Herbert Diess và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Martin Winterkorn và cựu Giám đốc điều hành Matthias Mueller, vẫn còn bỏ ngỏ.

Vụ tai tiếng này còn khiến cho số xe hơi diesel càng sụt giảm ở Đức và nhiều thành phố này đang dự tính cấm xe diesel, bị xem là gây ô nhiễm không khí nặng nề.

TRÂM ANH/CÔNG LÝ

/hoi-dong-tham-phan-tandtc-chap-nhan-cho-luat-su-tran-hong-phong-duoc-tham-gia-day-du-phien-toa-giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai.html
/du-hoc-duoc-chi-10-ti-nhung-khong-ve-con-4-quan-chuc-moi-tra-lai-11-ti.html