/ Tích hợp văn bản mới
/ 10 luật và bộ luật có hiệu lực thực hiện từ 01/01/2018

10 luật và bộ luật có hiệu lực thực hiện từ 01/01/2018

05/01/2021 17:50 |4 năm trước

LSVNO - Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13,... là những luật và bộ luật có hiệu lực thi hành...

LSVNO - Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13,... là những luật và bộ luật có hiệu lực thi hành trong tháng 01/2018

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13(Bộ luật Hình sự năm 2015)

Sau 18 tháng lùi hiệu lực thi hành theo Nghị quyết của Quốc hội và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018. Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13

Bộ luật này được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội. Đồng thời tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục tố tụng, xác định đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung chung phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tạo điều kiện để người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa, gỡ tội như: bổ sung quy định người bị bắt được bảo đảm quyền bào chữa; thay quy định “cấp giấy chứng nhận bào chữa” bằng quy định “đăng ký bào chữa”; mở rộng diện người bào chữa bao gồm trợ giúp viên pháp lý; mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng phải chỉ định người bào chữa; quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt; quy định bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra; bổ sung một chương mới (Chương V) quy định các nội dung liên quan đến bào chữa nhằm bảo đảm cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án.

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13

Luật này được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra; bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13

Được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP của Chính phủ; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam hiện nay; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14

Nội dung Luật này cụ thể hóa Điều 24 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tập tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14

Luật này quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối tượng áp dụng Luật này bao gồm các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp đáp ứng ba tiêu chí: số lao động, doanh thu và nguồn vốn. Trong đó, tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người đã được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 được tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật này; sau 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, người được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý không có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức tham gia trơ giúp pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 phải đáp ứng yêu cầu của Luật này; trường hợp không đáp ứng yêu cầu của Luật này thì chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý và chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nơi đăng ký tham gia để tiếp tục thực hiện.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14

 Trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 và các luật có liên quan, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định 07 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó chú trọng tới việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công. Bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, xử lý tài sản công gắn với quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.

Luật Du lịch số 09/2017/QH14

Luật này có 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương và 10 điều so với Luật Du lịch năm 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và môi trường cạnh tranh lành mạnh doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Luật Du lịch 2017 đã chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch thông qua quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành bằng quy định về trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, loại bỏ quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải có hợp đồng lao động với 3 hướng dẫn viên có thẻ vì quy định này trên thực tế chỉ mang tính hình thức, số lượng hướng dẫn viên phụ thuộc vào thị trường, có tính mùa vụ. Bên cạnh đó, Luật Du lịch 2017 cũng đã điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký và hoạt động kinh doanh.

Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14

Luật này điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, bao gồm các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lần đầu tiên Luật đã khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến hàng hóa an ninh, quốc phòng chưa được phép, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, môi trường, sức khỏe cộng đồng… và giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục. Kể từ ngày Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực thi hành, các pháp lệnh sau đây hết hiệu lực: Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10; Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11; Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11. Bãi bỏ khoản 3 Điều 28, khoản 3 Điều 29, khoản 3 Điều 30, các Điều 31, 33, 242, 243, 244, 245, 246 và 247 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11.

Ngọc Anh