5 nhiệm vụ trong thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan

25/09/2024 15:42 | 1 tuần trước

(LSVN) - Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1040/QĐ-TTg ngày 25/9/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan (Kế hoạch).

Ảnh minh họa.

Mục đích của Kế hoạch nhằm chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan. Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tốt các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự giữa hai nước góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại giữa hai nước.

Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ trong thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan. Cụ thể:

Thứ nhất, chỉ định và thông báo cán bộ đầu mối liên lạc thực hiện Hiệp định.

Trong quý III/2024, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho Thái Lan thông tin về cán bộ đầu mối liên lạc của Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Hiệp định.

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến Hiệp định.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về nội dung Hiệp định để thống nhất và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp tại các Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, triển khai thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp.

Hướng dẫn lập hồ sơ ủy thác tư pháp. Nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp phục vụ công tác báo cáo, thống kê tình hình thực hiện. 

Tiếp nhận, xử lý và thực hiện các yêu cầu ủy thác của cơ quan có thẩm quyền Thái Lan gửi đến Việt Nam. Tiếp nhận, xử lý và thực hiện các hồ sơ ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi cho Thái Lan.

Thông tin các cơ quan liên quan về phạm vi các loại giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp, xác nhận được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều 10 Hiệp định.

Thứ tư, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan trung ương.

Trao đổi thông tin, tài liệu về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Trao đổi các quy định pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. 

Tổ chức các Đoàn công tác tham khảo, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về việc nghiên cứu gia nhập các thiết chế quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Thứ năm, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định.

Trao đổi thường xuyên về tình hình thực hiện Hiệp định với Bộ Tư pháp Vương quốc Thái Lan, định kỳ tiến hành rà soát các văn bản pháp luật trong nước, dựa trên tình hình thực hiện Hiệp định để nhanh chóng có biện pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu. 

MAI HUỆ