/ Thư viện pháp luật
/ 6 chính sách trọng tâm tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

6 chính sách trọng tâm tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

24/02/2023 08:47 |

(LSVN) - Tòa án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Ảnh minh họa.

Trong đó, nội dung Luật sửa đổi tập trung vào 6 chính sách sau:

Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Toà án.

Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân.

Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

Chính sách 5: Bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chính sách 6: Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Toà án.

Theo Tòa án nhân dân Tối cao, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Sau 08 năm thi hành, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán ngày càng giảm, đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội. 

Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử được thực hiện một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho Tòa án các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện đáng kể góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án. 

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là "cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp" chưa thực sự phù hợp, thống nhất dẫn tới việc xác định chưa đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Các Toà án về cơ bản chưa được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử, dẫn đến nhận thức Tòa án là hành chính thuộc địa phương; Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan ngang bộ, ngành ở Trung ương nên phần nào ảnh hưởng đến tính độc lập của Toà án; Tổ chức một số đơn vị giúp việc tại Toà án nhân dân tối cao chưa khoa học; chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị còn chưa phù hợp; Chưa có thiết chế và cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn; Việc ấn định số lượng ngạch Thẩm phán (Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp) tại từng cấp Tòa án đã gây khó khăn trong việc phân bổ biên chế, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán giữa các cấp Tòa án; Quy trình bổ nhiệm, tái nhiệm Thẩm phán còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính; Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp còn thấp, chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp, chế độ trách nhiệm pháp lý theo đặc thù của Toà án; chưa có cơ chế hiệu quả bảo vệ cho các Thẩm phán…

Những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nêu trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời, ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của Tòa án với tư cách là một thiết chế thực hiện quyền lực tư pháp của quốc gia.

Từ đó, đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

PV

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp nào?

Bùi Thị Thanh Loan