/ Trao đổi - Ý kiến
/ Ai được hành nghề “hoạt động pháp luật”?

Ai được hành nghề “hoạt động pháp luật”?

05/01/2021 17:57 |4 năm trước

LSVNO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp đang bất đồng quan điểm đối với việc hướng dẫn cho phép doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nghành nghề “Hoạt động pháp luật”.

LSVNO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp đang bất đồng quan điểm đối với việc hướng dẫn cho phép doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nghành nghề “Hoạt động pháp luật”.

Quyết định số 337/QĐ-BKH (ngày 10/4/2007) của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định ngành nghề “Hoạt động pháp luật” - chi tiết “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật”, trong đó có hoạt động tư vấn và đại diện trong vấn đề dân sự; tư vấn và đại diện tội phạm hình sự.

Bộ Tư pháp cho rằng, hai ngành nghề trên được điều chỉnh theo luật chuyên ngành là Luật Luật sư và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, Luật Luật sư không quy định cứng là chỉ luật sư mới được hành nghề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để rộng đường dư luận, xin trích dẫn ý kiến một số chuyên gia luật pháp:

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”.

Luật sư Hưng lập luận: Hoạt động “tư vấn pháp luật” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong luật chuyên ngành là Luật Luật sư với những điều kiện rất gắt gao. Để có thể hành nghề luật sư, một luật sư phải trải qua quy trình đào tạo dài hạn. Quyết định 337 nêu trên cho phép công dân bình thường, không cần được học hành, đào tạo có thể mở công ty để hoạt động tư vấn pháp luật có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn pháp lý. Bộ Tư pháp cần phản hồi “tuýt còi” quy định trái luật.

ThS Trần Thanh Thảo (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh): Các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh dịch vụ pháp lý thì bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 11 Luật Luật sư.

Ông Trần Văn Sỹ (Học viện Tư pháp): Hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động chuyên ngành đã được quy định trong Luật Luật sư nên phải hoạt động theo Luật Luật sư.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh): Chỉ có cá nhân, tổ chức được đào tạo mới có thể coi hoạt động pháp luật như một ngành nghề kinh doanh. “Ngành nghề luật sư” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức phải theo Luật Luật sư và chỉ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư mới được đăng ký kinh doanh.

Khuyến khích hoạt động pháp luật, không đồng nghĩa cho phép hoạt động bừa bãi. Được đào tạo chuyên ngành pháp luật mới được đăng ký hoạt động pháp luật…

Chưa kể luật sư còn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trong khi những người hành nghề tư vấn pháp luật mà không phải luật sư thì không có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm…

Không nên xé rào nguyên tắc: Cơ quan nhà nước chỉ nên vận dụng quy định minh thị.

Cân nhắc cẩn trọng, đối chiếu quy định pháp luật liên quan để thúc đẩy hoạt động dịch vụ tư vấn pháp luật đi đúng hướng nhằm đáp ứng yêu cầu của “thượng đế”. Muốn làm việc gì cũng phải có “tay nghề”, phải được đào tạo bài bản, không thể chấp nhận sử dụng “tay không săn bắt cướp”!.

Tân Trào