/ Trao đổi - Ý kiến
/ Áp dụng biện pháp tư pháp ‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’ - Vướng mắc và kiến nghị

Áp dụng biện pháp tư pháp ‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’ - Vướng mắc và kiến nghị

28/01/2021 04:34 |

(LSVN) - Quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc định tội danh, quyết định hình phạt còn phải xử lý vật chứng, áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội trong vụ án hình sự là vấn đề cần được quan tâm.

Tòa án quân sự Quân khu 2 xét xử vụ án Trộm cắp tài sản.

Biện pháp tư pháp là một trong các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm, nhằm hỗ trợ, thay thế hình phạt, có ý nghĩa quan trọng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo giải quyết triệt để vụ án hình sự; góp phần ngăn ngừa tội phạm, loại bỏ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội; khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.

1. Quy định của luật

Tại Điều 47 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, biện pháp ‘‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’’ quy định như sau:

Việc tịch thu sung vào ngân sách, nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; 

- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không được tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. 

Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Việc xử lý với tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm được giải quyết cụ thể:

Thứ nhất, việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là những công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, như: dao, súng, xe mô tô của người phạm tội sử dụng trong các vụ cướp tài sản, tiền mà người phạm tội sử dụng trong đánh bạc, đưa hối lộ mà có.

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc đổi do đổi chác, mua bán những thứ ấy mà có là những vật hoặc tiền có được do việc thực hiện tội phạm như tham ô, trộm cắp, cướp, lừa đảo hoặc do sự mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.

Vật thuộc loại nhà nước cấm lưu hành là những vật mà người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đối tượng của việc thực hiện tội phạm, những vật này thuộc loại nhà nước cấm lưu hành như: Văn hóa phẩm đồi trụy, vũ khí quân dụng, ma túy, chất cháy, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ.

Thứ hai, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Có nghĩa là những vật, tiền này là của người khác và xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, trường hợp vật, tiền thuộc tài sản của người khác nếu người này có lỗi trong việc để cho người khác sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trường hợp này luật quy định “có thể bị tịch thu”, được hiểu tùy vào từng vụ án, với loại tiền hoặc vật cụ thể Tòa án quyết định biện pháp xử lý có tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hay không.

2. Vướng mắc, bất cập

Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền (sung vào ngân sách nhà nước) trực tiếp liên quan đến tội phạm còn vướng mắc, bất cập; có những quan điểm, cách hiểu khác nhau, dẫn đến áp dụng chưa đúng, sai đối tượng; điều đó làm giảm ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp này và gây thiệt hại cho những người có liên quan. Việc áp dụng của cơ quan tiến hành tố tụng mang tính tùy nghi, có trường hợp người phạm tội bị tịch thu có trường hợp lại không bị tịch thu.

Ví dụ: Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4/2019 đến ngày 02/6/2019 Vũ Văn Th. thực hiện 03 vụ trộm cắp dây cáp điện viễn thông của Chi nhánh kỹ thuật Viettel Hà Nội, tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 10.000.000 đồng. Sau mỗi lần trộm cáp bị cáo bán cho người đi thu mua sắt vụn không rõ địa chỉ ấy tiền tiêu xài, đến lần thứ 3 khi đang đi bán bị lực lượng chức năng bắt giữ. Khám và thu giữ trên người Th. tổng số tiền là 720.000 đồng, bị cáo khai số tiền này là số tiền trộm cáp bán những lần trước tiêu xài cá nhân chưa hết. Trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho Viettel Hà Nội đủ số tiền thiệt hại là 10.000.000 đồng.

Về phần hình sự, người viết không đề cập tới chỉ nói đến vấn đề xử lý vật chứng là tiền do phạm tội mà có.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của bị cáo bán cáp lấy tiền là thu lợi bất chính từ việc phạm tội trộm cắp mà có nên số tiền 720.000 đồng cần tịch thu sung Ngân sách Nhà nước theo đúng quy định. Vì mặc dù bị cáo đã thỏa thuận bồi thường đủ cho Viettel nhưng số tiền này không thể trả cho bị cáo mà phải thu sung Ngân sách Nhà nước do số tiền này từ việc phạm tội mà có.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của bị cáo bán cáp lấy tiền là thu lợi bất chính từ việc phạm tội trộm cắp mà có là 720.000 đồng không được tịch thu sung Ngân sách Nhà nước phải trả lại cho bị cáo. Vì bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị hại là Viettel Hà Nội, số tiền 720.000 đồng này cần được tính nằm trong tổng số tiền 10.000.000 đồng mà bị cáo đã gây thiệt hại cho bị hại, khi bị cáo đã bồi thường đủ thì số tiền này cần trả lại cho bị cáo.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất: Cần tịch thu đối với số tiền 720.000 đồng, vì theo quy định tại Điều 106 BLTTHS năm 2015: Vật Chứng được Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định tại Điều 89 “là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”

Như vậy, vật chứng của vụ án là tiền liên quan đến tội phạm, đối với những vật chứng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập được thì xử lý theo quy định tại Điều 106 BLTTHS như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu tiêu hủy.

Cũng theo quy định tại Điều 47 BLHS có quy định: Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc mua bán đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật thuộc Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành. Trường hợp này tài sản do trộm cắp mà có cần phải áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, như thế mới giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Để áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 223/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 trao đổi nghiệp vụ, theo hướng không tịch thu tài sản thu lợi bất chính do phạm tội mà có với lý do là theo Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu có quyền, tặng cho hay từ bỏ quyền sở hữu, do đó: “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến  không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”. Tuy nhiên, với vụ án này không thuộc trường hợp như hướng dẫn của Công văn.

3. Một số kiến nghị

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập khi áp dụng biện pháp tư pháp ‘‘Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm’’ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn: Đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có trường hợp nào không bị tịch thu, trường hợp nào tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Cần có quy định trong mọi trường hợp tài sản hoặc tiền thu lợi bất chính từ việc phạm tội cần phải bị tịch thu sung vào ngân sách của Nhà nước, như thế mới giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trên đây là nhận thức của bản thân về hiểu và áp dụng quy định xử lý vật chứng tại Điều 106 BLTTHS và các biện pháp tư pháp quy định trong BLHS năm 2015 trong giải quyết vụ án hình sự, rất mong được sự trao đổi của bạn đọc.

NGUYỄN TỨ - THẨM PHÁN TÒA ÁN QUÂN SỰ QUÂN KHU 2

Giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị kiện cố tình giấu địa chỉ

Admin