“Bác sĩ điều tra”

11/03/2020 23:00 | 4 năm trước

LSVNO - Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng cơ chế hình thành vết thương là các vét chém sâu, đứt vát. So sánh với hung khí ông Nén khai tại cơ quan điều tra, trong đầu Giám định viên Hồ Kim Châu lóe lên nhiều nghi vấn về vụ án vườn điều.

Cần một cái tâm sáng

Lần nào cũng vậy, nhìn những bước chân thoăn thoát của một Giám định viên già bước ra từ căn phòng làm việc nhỏ, trên tay ôm chiếc máy tính cùng nụ cười hiền hậu đi ra tiếp nhà báo, không ai nghĩ Bác sĩ - Giám định viên Hồ Kim Châu đã bước sang tuổi 64.

Hiện Bác sĩ Châu đang công tác tại Viện pháp y Quốc Gia, Hà Nội.

Được nghe Bác sĩ Châu kể cho nghe nhiều vụ án cùng những chia sẻ về nghề “khám bệnh” cho người chết, bị cuốn hút bởi những vụ án rùng rợn bao nhiêu thì tôi lại càng thêm khâm phục trước những người Giám định viên có tinh thần thép như ông bấy nhiêu.

Vẫn câu Bác sĩ Châu thường hay nói: “Xác định là những người nói chuyện với ma, yêu cầu người giám định viên phải làm việc hết sức khách quan và làm bằng chính cái tâm của mình. Không nên vì tư lợi cá nhân hay thúc ép của cấp trên mà làm oan sai cho người khác. Tôi vẫn luôn tin có luật nhân quả, làm điều ác thì sau này không mình thì thế hệ sau cũng nhận trái đắng, bản thân mình cũng không được thanh thản, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ”.

Bác sĩ – Giám định viên Hồ Kim Châu. Ảnh: Viện Pháp y Quốc Gia.

Điều đó càng minh chứng rõ nét hơn nữa khi mà buổi chiều một ngày đầu mùa hạ, nhấp một ngụm trà, lần này Bác sĩ Châu kể cho tôi nghe về vụ án vườn điều mà chắc hẳn không ai là người không biết đến.

Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm của một người con xứ Nghệ, Bác sĩ Châu kể:

Ngay khi vừa xảy ra vụ án, cơ quan giám định pháp y tỉnh Bình Thuận đã vào khám nghiệm tử thi. Nạn nhân là bà Dương Thị M., chết tại khu vực vườn điều nhà ông Hai Hoàng ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Sau một thời gian điều tra không tìm ra thủ phạm, công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Vậy mà bất ngờ 5 năm sau ngày xảy ra vụ án, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị B. (ngụ thôn 2, xã Tân Minh) bị giết. Tháng 5/1998, công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Nén (52 tuổi), vì nghi ông Nén là thủ phạm giết chết bà B.

Sau khi bị bắt, ông Nén đã khai ra hung thủ giết bà Dương Thị M. là 10 người, gồm có bản thân ông Nén và các anh em họ hàng nhà mình. Từ lời khai của ông Nén, công an tỉnh Bình Thuận đã phục hồi điều tra vụ án bà M.

Một phiên tòa đã được mở để xem xét tội trạng của ông Nén.

“Trong khi cơ quan pháp y Bình Thuận ra bản kết luận không nhận dạng được tử thi do tử thi đang trong thời kỳ phân hủy mạnh, không có khả năng nhận dạng. Thì ngày mở phiên tòa xét xử ông Huỳnh Văn Nén, vụ án lại tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi khi mà các luật sư tham bảo vệ bị cáo lại nói rằng nếu như biên bản giám định pháp y của Bình Thuận kết luận không nhận dạng được tử thi vậy thì tại sao khẳng định nạn nhân chính là bà M.? Đó cũng chính là lý do mà đội giám định viên của Viện Pháp y Quốc Gia phải vào cuộc, tiến hành khai quật lại tử thi để lấy mẫu xét nghiệm ADN”, Bác sĩ Châu lý giải.

“Duy có điều mà chúng tôi lấy làm tiếc hơn một chút là nếu như lúc đó gia đình của bà M. cung cấp thông tin sớm hơn là nạn nhân có 4 chiếc răng giả ở hàm trên thì có lẽ việc nhận dạng tử thi có đúng là bà M. hay không nhanh chóng có câu trả lời”, Bác sĩ Châu nói.

Vậy, nhưng khi bắt tay vào tiến hành giám định các thương tích trên cơ thể nạn nhân cũng như cơ chế hình thành vết thương thì Bác sĩ Châu đã phát hiện có rất nhiều điểm mâu thuẫn với lời khai của ông Nén tại cơ quan điều tra cũng như lời khai nhận trước tòa.

“Tiến hành nghiên cứu vết thương bị chém sâu, đứt vát, tôi nhận định hung khí gây ra những thương tích này phải là một vật nặng, sắc nhọn, đầu có mỏ nhọn, cùng với lực tác động phải rất mạnh. Nếu dùng con dao phay như ông Nén khai tại cơ quan điều tra thì có gì đó còn hơi gượng ép. Bởi khi Công an đến vị trí mà ông Nén chỉ đã chôn con dao xuống đất sau khi gây án thì chỉ thu lượm được một đám mảnh sắt vụn. Loay hoay sau một hồi ghép hình, cơ quan điều tra “nhìn” ra khối hình thù vừa ghép được là con dao phay và ghi vào biên bản đó chính là hung khí mà ông Nén dùng gây án”, Bác sĩ Châu kể lại.

Dẫu biết rằng việc chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra. Nhiệm vụ của các giám định viên gần như đã hoàn thành khi tìm ra được sự thật trên những gì còn sót lại ở tử thi. Vậy nhưng, bằng lương tâm nghề nghiệp cùng với linh tính mách bảo, Bác sĩ Châu không ngừng trăn trở, nhiều đêm thao thức suy nghĩ về vụ án của bà M. cùng vô số các câu hỏi: “Liệu ông Nén có phải là hung thủ thực sự sát hại bà M.? Con dao phay kia liệu có thực hay không? Tại sao có thể nhanh chóng biến thành một đám gỉ sét trong vòng thời gian ngắn như vậy?...”.

Chính vì còn nhiều lăn tăn về vụ án nên Bác sĩ Châu không ngừng đi tìm lời giải.

Chân lý đến muộn

“Nhớ đến đường viền làm bằng nhôm kẽm xung quanh một chiếc gương được chôn cùng thi thể bà M. khi khai quật lên vẫn còn hiện những ánh kim. Ấy vậy, một con dao phay chôn cùng thời gian đó lại chỉ còn là một đám gỉ sét vỡ vụn càng khiến tôi quả quyết không có con dao như ông Nén khai trên thực tế”. Nói đến đây, để chắc chắn nhận định của mình là đúng, Bác sĩ Châu tiếp tục đưa ra một kết quả so sánh khác.

Vừa nói, đôi tay người Bác sĩ già vẫn thoăn thoắt trên những bàn phím máy vi tính, lật tìm lại những hình ảnh về một con dao găm của lính Pháp khi nhảy dù, đánh rơi dưới lòng sông Nậm Rốm cách đây chừng 50 năm. Ấy vậy mà lưỡi dao vẫn sáng loáng, chưa kể vỏ chiếc bao da vẫn còn nguyên. Trong khi con dao phay theo như lời ông Nén khai mới chỉ chôn dưới đất chừng hơn 5 năm mà đã biến thành một đám gỉ sắt thì càng chứng tỏ lời khai của người đàn ông này là bịa đặt.

Tất cả những hình ảnh, kết quả so sánh trên đều đã được vị giám định viên tâm huyết ghi chép và lưu giữ cẩn thận để phục vụ cho cơ quan điều tra. Vẫn đinh ninh có gì oan sai trong vụ án của ông Nén và tại sao người đàn ông này lại khai ra một con dao không có thực như vậy mà cơ quan điều tra vẫn nhận định đó là hung khí gây ra cái chết cho nạn nhân trong vụ án vườn điều.

Cuối cùng, bao nhiêu trăn trở, vướng mắc năm xưa của Bác sĩ Châu bỗng được hóa giải.

Vụ án vườn điều xảy ra cách đây hơn 20 năm được báo đài “xới” lại.

Thông tin ông Nén bị oan thực sự đã làm trái tim nhiều người dấy lên niềm thương cảm và chia sẻ trước nỗi oan khuất thấu trời của người đàn ông này. Trong đó có cả Bác sĩ Châu. Kể đến đây, đôi mắt người giám định viên ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào về công việc mình lựa chọn.

“Vì luôn ý thức rằng công việc của chúng tôi góp phần vào công tác điều tra, tìm ra sự thật trên các tử thi, góp phần làm sáng tỏ vụ án. Do đó, người làm nghề pháp y cần phải luôn trau rồi kiến thức ở mọi lĩnh vực, cần phải có tư duy logic, quan trọng là phải có một cái tâm sáng… Để xứng đáng với câu nói “bác sĩ điều tra”, Bác sĩ Châu tâm sự.

Nguyễn Tư