/ Góc nhìn
/ Bài học về trách nhiệm xã hội

Bài học về trách nhiệm xã hội

13/08/2021 04:48 |

(LSVN) - Tôi định không viết gì về chuyện cô giáo Thơ ở Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), nhưng vì được bạn bè chia sẻ vài bài viết trên mạng xã hội nên muốn chia sẻ vài điều. Nếu bạn gõ trên google cụm từ “Đại học Duy Tân sa thải giảng viên” thì trong 0,47 giây có 772.000 kết quả. Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến “trái chiều” được đưa ra. Ai cũng có “dụng ý” riêng, điều này cũng là điều dễ hiểu.

Nữ giảng viên trường Đại học Duy Tân trong video được ghi lại.

Có thể thấy, phát ngôn của cô Thơ, về mặt nào đó đã gây ra một “khủng hoảng” truyền thông mini. Một số tờ báo nước ngoài cũng tham gia đưa tin; đơn cử, RFA đăng tải cách đây 3 ngày bài viết: “Giảng viên đại học bị đuổi việc và điều tra vì chỉ trích Nhà nước”... Báo chí trong nước hầu hết đưa tin, đơn cử VTV online có bài: “Sa thải giảng viên Đại học Duy Tân phát ngôn sai lệch về công tác phòng, chống Covid-19”.

Nội dung chính của bài viết trên VTV online: “Đoạn video clip dài gần 4 phút giữa giảng viên Đại học Duy Tân và sinh viên trong buổi học online lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận rất bức xúc với những phát ngôn sai lệch của giảng viên về công tác phòng dịch tại Việt Nam. Trong nội dung clip ghi lại, ở phần tranh luận với sinh viên về vấn đề phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, nữ giảng viên đã phát ngôn rất lệch lạc khi cho rằng "hệ thống an sinh xã hội Việt Nam quá kém".

Cô Thơ đã sai hoàn toàn khi “lắp ghép” hiện tượng để đánh giá bản chất. Việc cô Thơ nêu câu hỏi với sinh viên: “Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa? Đã tiếp cận được vaccine chưa?” hoặc “dân chạy 1.500km về quê” là có thực tế, nhưng lợi dụng việc đó để kết luận “Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam quá kém” thì quá vô cảm. Bên cạnh đó, một số điểm cần lưu ý cụ thể như sau:

Thứ nhất, cô Thơ nhận thức về “an sinh xã hội” một cách phiến diện. An sinh xã hội của bất cứ một quốc gia nào cũng là cả một hệ thống từ chính sách giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu khác; chứ không chỉ là riêng “gói trợ cấp xã hội”.

Thứ hai, Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn. Dù khó khăn nhưng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã có Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sau đó có Quyết định 23/20021/QĐ-TTg của Thủ tướng về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, có đối tượng là hộ kinh doanh (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng). Như vậy là rất cố gắng. Hiện nay Bảo hiểm xã hội ở các địa phương đang giải ngân, cấp pháp đến người lao động.

Cũng xin nhắc lại, trong “hệ thống an sinh xã hội” có sự tham gia của nhiều thành phần, không riêng Chính phủ. Từ khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, phong trào tương thân tương ái, được phát động trong cả nước với nhiều mô hình, cách làm hay, nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cô Thơ không nhận ra cố gắng của cả hệ thống chính trị, và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, thật đáng trách.

Thứ ba, “việc chậm tiếp cận với vaccine”, nên hiểu và chia sẻ với trách nhiệm công dân. Việt Nam chưa sản xuất được vaccine. “Chiến lược vaccine” đang được thực hiện với nỗ lực cao nhất của Chính phủ. Nguồn vaccine hiện có, đang được sử dụng tiêm miễn phía cho người dân nhờ đặt mua từ nước ngoài; Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vì mục tiêu có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 tới, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước. Cung chưa đủ cầu, chậm “tiếp cận” là đương nhiên.

Thứ tư, “việc dân phải chạy xe máy 1.500km về quê?”. Khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam giãn cách, cách ly xã hội nhiều nhà máy, xí nghiệp đóng cửa dẫn tới việc không ít người lao động mất việc làm. Đại dịch Covid-19 lần này diễn biến vô cùng nguy hiểm và phức tạp, chính vì vậy trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền còn lúng túng là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân thiếu bình tĩnh, kéo nhau về quê theo “hội chứng đám đông”. Vậy nên, đưa “việc dân chạy xe máy 1.500km về quê” để “đổ lỗi” lên hệ thống an sinh xã hội là phiến diện, nhận thức không đầy đủ, nếu không muốn nói suy diễn.

Thứ năm, cảm động biết bao nhiều cụ già cô đơn vẫn mang những đồng tiền ít ỏi đi ủng hộ lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh sẻ chia đang lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Từ khi ra mắt “Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19” đế nay, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ với tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng. Các phương tiện, vật tư y tế quan trọng cũng đã được nhiều doanh nghiệp, đi đầu là Tập đoàn Vingroup đóng góp.

Trong khi cả nước trong khi cả nước đang “chung sức đồng lòng”, “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi” thì việc đưa các nội dung liên quan đến Covid-19 ra tranh luận làm phân tâm dư luận, trước hết là tâm lý sinh viên... là hành vi hoàn toàn thiếu trách nhiệm xã hội đối vấn đề hệ trọng, cấp bách của đất nước là đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường.

“Duy Tân” vốn mang tên một phong trào trong lịch sử do nhà yêu nước Phan Chu Trinh khởi xướng, chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hoá... “Duy Tân” có nghĩa là "đổi mới", "cải cách", "canh tân". Đáng ra với một ngôi trường mang tên như thế, Đại học Duy Tân phải rất chuẩn mực, ngay cả tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên được ký hợp đồng lao động.

Việc sa thải cô Thơ không có gì sai, không đủ chuẩn mực đứng lớp, truyền thụ kiến thức thì đáng bị sa thải. Tất nhiên, việc xử lý sai phạm phải làm bình tĩnh, đúng “quy trình” chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật sẽ là giải pháp tốt hơn. Không nên vì sức ép của truyền thông mà ra quyết định vội vàng, gây hệ lụy không tốt. Đồng thời, phải tuyên truyền giải thích để không ảnh hưởng đến tâm lý sinh viên. Đây là bài học, không riêng cho Đại học Duy Tân.

                                    NGÔ ĐỨC HÀNH

Sự ‘vô cảm’

Lê Minh Hoàng