/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động thi hành án dân sự

Bàn về dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động thi hành án dân sự

09/08/2021 15:44 |

(LSVN) - Thi hành án dân sự (THADS) là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm bản án/quyết định [1] của cơ quan tài phán được chấp hành nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, hoạt động THADS chủ yếu do cơ quan THADS thực hiện[2]. Tuy nhiên, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong hoạt động THADS vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết này bàn về DVCTT trong hoạt động THADS.

Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Đồng thời, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 yêu cầu “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Hiện nay, bên cạnh việc giải quyết các tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội thông qua hệ thống Tòa án thì còn có các cơ quan tài phán khác tham gia giải quyết tranh chấp như: Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; Trọng tài thương mại; Tòa án nước ngoài (phần dân sự); Trọng tài nước ngoài. Do vậy, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) quy định Bản án/Quyết định của các chủ thể này đều là đối tượng được thi hành. 

Cơ quan THADS là thuộc hệ thống các cơ quan hành pháp có chức năng thi hành các Bản án/Quyết định của các cơ quan tài phán. Do vậy, bên cạnh chức năng thi hành Bản án/Quyết định được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội thì cơ quan THADS chịu sự tổ chức, hoạt động theo hệ thống pháp luật hành chính.

Hiện nay, DVCTT được xem một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, DVCTT đã và đang được cơ quan Nhà nước cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực. Đồng thời, DVCTT làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện. Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT, đã đưa ra định nghĩa về DVCTT và các mức độ của DVCTT như sau: DVCTT là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng: 

- DVCTT mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính (TTHC) đó; 

- DVCTT mức độ 2: Là DVCTT mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; 

- DVCTT mức độ 3: Là DVCTT mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; 

- DVCTT mức độ 4: Là DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Một số bất cập về DVCTT trong hoạt động THADS hiện nay

Hoạt động THADS có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau[3]. Do vậy, TTHC về THADS cũng do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành dựa trên phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Đối chiếu với cách phân loại về DVCTT tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số NĐ/43/2011/NĐ-CP thì hoạt động DVCTT trong hoạt động THADS hiện nay đang còn ở mức mức độ 1, 2 và chưa có DVCTT nào đạt mức độ 3, 4. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa xây dựng DVCTT tích hợp trong hoạt động THADS nào đối với các TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan (ví dụ: thủ tục nộp/nhận tiền qua tài khoản của cơ quan THADS mở tại Kho bạc Nhà nước; Đấu giá tài sản; Trao đổi văn bản giữa các cơ quan tư pháp...). Do vậy, việc cung cấp DVCTT trong hoạt động THADS còn ở mức độ thấp, chưa có DVCTT tích hợp nên dẫn đến một số hạn chế trong một số nội dung như sau: 

Thứ nhất, yêu cầu thi hành án

Yêu cầu thi hành án là thủ tục đầu tiên để đương sự (người được thi hành án/người phải thi hành án) đề nghị cơ quan THADS tổ chức thi hành Bản án/Quyết định của cơ quan tài phán để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Hình thức yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật THADS như sau: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”.

Căn cứ quy định trên, đương sự có ba hình thức yêu cầu thi hành án: trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua đường bưu điện. Sự đa dạng các hình thức yêu cầu thi hành án đã tạo thuận lợi cho đương sự có nhiều lựa chọn khi cần nhờ đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, nhất là khi đương sự ở xa cơ quan THADS (bằng hình thức gửi đơn qua đường bưu điện). Tuy nhiên, Luật THADS chưa quy định đương sự được nộp hồ sơ thi hành án bằng hình thức trực tuyến. Điều này, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng Chuyển đổi số theo Nghị quyết của Đảng[4] và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ[5].

Hoạt động tố tụng là một quá trình xuyên suốt từ khi Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cho đến khi thi hành xong Bản án/Quyết định của Tòa án. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (các luật về tố tụng) quy định các phương thức người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Tòa án như sau: Trực tiếp; Dịch vụ bưu chính và Trực tuyến bằng hình thức điện tử[6]. Đối chiếu Luật THADS với các luật về tố tụng về các phương thức nộp đơn, các luật về tố tụng còn quy định thêm phương thức thức “Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án”[7] so với Luật THADS. Các phương thức nộp đơn khởi kiện được quy định trong các luật về tố tụng có nội hàm tương tự như hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án được quy định trong Luật THADS (gọi chung là “hình thức”). Chính vì vậy, việc quy định các hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án của đương sự trong Luật THADS so với các hình thức nộp đơn khởi kiện của người khởi kiện được quy định trong các luật tố tụng, dẫn đến sự cắt khúc, không liền mạch về các hình thức nộp đơn trong quá trình tố tụng. Đồng thời, điều này thể hiện sự chưa tương đồng giữa các quy định về hình thức nộp đơn giữa Luật THADS với các luật về tố tụng. Bên cạnh đó, Luật THADS quy định “cứng” các hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án như trong Luật THADS đã tạo ra sự bị động trong tổ chức thực hiện và thiếu không gian cần thiết để điều chỉnh kịp thời đối với các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Thứ hai, thông báo thi hành án

Trong quá trình THADS, cơ quan THADS thông báo đương sự các loại văn bản như:“Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án”[8]. Các hình thức thông báo này được thực hiện theo khoản 3 Điều 39 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) bao gồm: Thông báo trực tiếp; Qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự”[9]. 

Sự đa dạng các hình thức thông báo như trên tạo thuận lợi cho cơ quan THADS và đương sự trong việc trao đổi, phối hợp thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay cơ quan THADS vẫn chủ yếu dựa vào các hình thức truyền thống như: thông báo trực tiếp; niêm yết công khai; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (các hình thức thông báo khác như: điện tín; fax; email...có thể được thực hiện khi đương sự có yêu cầu). Điều này không đảm bảo tính kịp thời, tốn kém về thời gian, chi phí, nhân lực cho cơ quan THADS. Đồng thời, việc thực hiện thông báo bằng hình thức truyền thống như trên dẫn đến các thông báo của cơ quan THADS đến đương sự đôi khi chưa kịp thời, đầy đủ đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đương sự (Ví dụ: Chấp hành viên chậm thông báo Quyết định thi hành án đến người phải thi hành án dẫn đến việc kéo dài thời gian thi hành án; Chấp hành viên thông báo không đầy đủ về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án đã ảnh hưởng đến sự công khai, minh bạch trong quá trình thi hành án...). 

Các luật về tố tụng quy định phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như sau: Trực tiếp; Người thứ ba được ủy quyền; Dịch vụ bưu chính; Niêm yết công khai; Phương tiện thông tin đại chúng và Phương tiện điện tử[10]. Các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định trong các luật về tố tụng có nội hàm tương tự như Thông báo thi hành án trong Luật THADS (gọi chung là “hình thức”). Đối chiếu Luật THADS với các luật về tố tụng về các hình thức thông báo, các luật về tố tụng còn quy định thêm hình thức “cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”[11] so với Luật THADS. Chính vì vậy, quy định các hình thức thông báo như trên đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong Luật THADS so với quy định các hình thức cấp, tống đạt, thông báo đối với đương sự và người tham gia tố tụng khác được quy định trong các luật tố tụng dẫn đến những hạn chế tương tự như việc nộp đơn yêu cầu thi hành án của đương sự với nộp đơn khởi kiện của người khởi kiện.

Thứ ba, thanh toán tiền/nộp tiền 

Trong quá trình thi hành án, tùy từng trường hợp khác nhau mà đương sự thanh toán tiền hoặc phải nộp tiền cho cơ quan THADS. Trường hợp đương sự được thanh toán tiền thì thực hiện theo các hình thức sau: nhận trực tiếp; chuyển khoản; gửi tiền qua đường bưu điện (trường hợp người nhận tiền là cá nhân)[12]. Từ các quy định nêu trên cho thấy, thủ tục thanh toán tiền được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, điều này tạo thuận lợi cho đương sự trong quá trình thi hành án. Bên cạnh đó, hình thức này cũng có những hạn chế như sau: 

- Đối với hình thức nhận tiền mặt, sau khi có Thông báo/Quyết định về nhận tiền từ phía cơ quan THADS, đương sự đến cơ quan THADS nhận tiền trực tiếp. Tuy nhiên, điều này gây tốn kém về thời gian, chi phí cho đương sự khi đến nhận tiền mặt. Bên cạnh đó, điều này tạo rủi ro cho đương sự khi nhận số tiền lớn hoặc khi nhận khoản tiền quá nhỏ so với thời gian, chi phí đi lại nên đương sự sẵn sàng bỏ khoản tiền này (hậu quả là hồ sơ tồn đọng).

- Đối với hình thức nhận tiền bằng chuyển khoản. Trong quá trình THADS, đương sự phải có văn bản cung cấp số tài khoản ngân hàng để cơ quan THADS chuyển khoản. Tuy nhiên, việc cơ quan THADS không quy định ngay từ đầu trong đơn yêu cầu thi hành án đã dẫn đến phát sinh thêm thủ tục giấy tờ, gây tốn kém về thời gian, chi phí cho đương sự. 

- Đối với hình thức nhận tiền bằng gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên, đối với hình thức này thì khoản tiền chuyển thấp (dưới 01 tháng lương cơ sở), bên cạnh đó cũng có nhiều rủi ro khi đương sự không có nơi ở cố định dẫn đến khoản tiền này bị trả về cho cơ quan THADS (hậu quả là hồ sơ tồn đọng).

Trường hợp đương sự nộp tiền cho cơ quan THADS thì thực hiện bằng hình thức nộp trực tiếp tại cơ quan THADS hoặc chuyển khoản theo số tài khoản của cơ quan THADS mở tại Kho bạc nhà nước. Thủ tục tiền được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, điều này tạo thuận lợi cho đương sự trong quá trình thi hành án. Bên cạnh đó, hình thức này cũng có những hạn chế như sau:

- Đối với hình thức nộp tiền mặt thì bất lợi tương tự như nhận tiền mặt, đó là tốn kém về thời gian, chi phí cho đương sự. 

- Đối với hình thức chuyển khoản. Hiện nay, một số cơ quan THADS không công khai số tài khoản của cơ quan THADS mở tại Kho bạc Nhà nước nên dẫn đến  đương sự phải liên hệ với cơ quan THADS mới được cung cấp số tài khoản để thực hiện hình thức chuyển khoản.

Thứ tư, công khai, minh bạch 

Cơ quan THADS là pháp nhân công quyền có chức năng thi hành các Bản án/Quyết định của các cơ quan tài phán có liên quan đến tiền, tài sản. Hoạt động THADS bảo đảm cho Bản án/quyết định của cơ quan tài phán được thực thi trên thực tế, bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được ghi nhận trong Bản án/quyết định của cơ quan tài phán. Chính vì vậy, trong quá trình THADS, hoạt động của cơ quan THADS đều cần phải công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạch trong hoạt động THADS giúp gia tăng niềm tin đối với đương sự nói riêng và xã hội nói chung đối với hoạt động của cơ quan THADS.  

Sự công khai, minh bạch trong hoạt động THADS nhằm bảo đảm quyền được biết, quyền được thông tin một cách kịp thời và tham gia đầy đủ của đương sự vào việc THA để đương sự kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, sự công khai, minh bạch trong hoạt động THADS sẽ hạn chế được những khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật về THADS của đương sự đối với cơ quan THADS.

Sự công khai, minh bạch trong quá trình THADS của cơ quan THADS được thực hiện bằng nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Tuy nhiên, cơ quan THADS chưa cung cấp DVCTT nào đạt mức độ 3, 4 và chưa có DVCTT tích hợp nào với các cơ quan khác trong hoạt động THADS. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hình thức công khai, minh bạch của cơ quan THADS. Đó là quyền được biết, quyền được thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và sự giám sát của đương sự trong quá trình THADS. (ví dụ: cơ quan THADS chậm ra Quyết định thi hành án; Chấp hành viên không cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án đối với người được thi hành án; Chấp hành viên không thông báo/thông báo chậm cho đương sự nhận tiền/tài sản...)

Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa ra quan điểm chỉ đạo “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng....”. 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942-QĐ-TTg Ngày 15/6/2021 Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược) đưa ra quan điểm “phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, ...”. Đồng thời, Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2025 như sau: “Cơ quan nhà nước cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các TTHC phục vụ xã hội trên phạm vi toàn quốc; cung cấp dịch vụ mới một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu”. Bên cạnh đó, Chiến lược xây dựng một số chỉ tiêu cơ bản về cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội, bao gồm: 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 4; 100% DVCTT được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; Tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến…

Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng về Chuyển đổi số, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản pháp luật về DVCTT. Đồng thời, dựa trên sự so sánh, đối chiếu việc thực hiện DVCTT hiện nay trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật

Hoàn thiện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về DVCTT sẽ tạo hành lang pháp lý cho cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện DVCTT. Do vậy, các cấp có thẩm quyền cần sửa đổi Luật THADS và các văn bản hướng dẫn theo hướng:

Một là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kiến nghị sửa đổi Luật THADS theo hướng quy định thêm các thủ tục THADS bằng phương tiện điện tử. Đồng thời, luật THADS cũng cần quy định một số nội dung cơ bản thực hiện thủ tục THADS bằng phương tiện điện tử. Điều này tạo sự tương đồng giữa Luật THADS với các luật về tố tụng và sự phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ như hiện nay.

Hai là, trên cơ sở của Luật THADS quy định thực hiện các thủ tục THADS bằng phương tiện điện tử, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để cơ quan THADS và các cá nhân, tổ chức khác tham gia thực hiện. 

Thứ hai, nâng cấp, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến 

Trên cơ sở định hướng trong Nghị quyết của Đảng về Chuyển đổi số; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản pháp luật quy định về DVCTT. Đồng thời, dựa vào điều kiện thực tiễn hiện nay là các doanh nghiệp đã có chữ ký số, hầu hết người dân đều có thuê bao di dộng nên các chủ thể này đã có thể thực hiện hầu hết các DVCTT mức độ 3, 4. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đẩy mạnh việc nâng cấp, hoàn thiện DVCTT trong hoạt động THADS lên mức độ 3, 4 trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu kết nối theo các Văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ trong tình hình hiện nay là hoàn toàn cấp thiết và khả thi. Việc nâng cấp, hoàn thiện DVCTT trong lĩnh vực THADS sẽ đem lại lợi ích như sau:

- Đương sự đăng ký và được cấp ngay tài khoản cổng thông tin điện tử của cơ quan THADS để thực hiện DVCTT;

- Đương sự tra cứu thông tin về quy trình thực hiện TTHC, thông tin số tài khoản của cơ quan THADS mở tại Kho bạc Nhà nước và các thông tin công khai khác;

- Đương sự nộp, thay đổi, bổ sung hồ sơ tài liệu thi hành án được thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin điện tử;

- Cơ quan THADS thông báo thi hành án và các văn bản khác cho đương sự thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan THADS hoặc địa chỉ Email của đương sự;

- Đương sự thực hiện việc nộp, nhận tiền và cơ quan THADS chuyển tiền cho đương sự thông qua tài khoản của các ngân hàng hoặc trung gian thanh toán;

- Đương sự theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết TTHC, thông tin về các hoạt động trong việc giải quyết thi hành án;

- Đương sự khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trong quá trình THADS ngay trên cổng thông tin điện tử.

Hoạt động DCVTT trong hoạt động THADS góp phần quan trọng trong việc quản trị nhà nước hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành rà soát những bất cập trong các văn bản pháp luật, đồng thời nâng cao, hoàn thiện DVCTT trong hoạt động THADS trong giai đoạn hiện nay là điều hết sức cần thiết.   

[1] Bản án/Quyết định được thi hành theo thủ tục THADS, bao gồm: Bản án/Quyết định dân sự; Bản án/Quyết định về hình sự, hành chính có liên quan đến tiền, tài sản do Tòa án tuyên là đối tượng được thi hành theo thủ tục THADS; Quyết định của Chủ tịch ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành, Phán quyết/Quyết định của Trọng tài thương mại; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

[2] Hiện nay, bên cạnh cơ quan THADS tổ chức THADS thì Tổ chức Thừa phát lại cũng được tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính Phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại).

[3] Chương VIII Luật Thi hành án dân sự Năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự;

[4] Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

[5] Quyết định số 942-QĐ-TTg Ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

[6] Điều 119 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[7] Khoản 3 Điều 119 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và điểm c khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[8] Khoản 1 Điều 39 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014;

[9] Khoản 2 Điều 12 Văn bản hợp nhất số 1357/VBHN-BTP của bộ Tư pháp ngày 14/4 2020 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS.

[10] Điều 102 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 173 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[11] Khoản 2 Điều 102 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và khoản 2 Điều 173 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[12] Khoản 2 Điều 49 Văn bản hợp nhất số 1357/VBHN-BTP của bộ Tư pháp ngày 14/4 2020 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS.

Thạc sĩ HÀ XUÂN DŨNG 

Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

Hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép sẽ bị xử lý thế nào?

Lê Minh Hoàng