Bàn về điều kiện hoãn thi hành án phạt tù của phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi

13/10/2020 15:16 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về điều kiện hoãn thi hành án phạt tù ở đối tượng phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà không phải bị xử phạt tù lần đầu. Bởi vì, giữa quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn có sự bất cập.

TAND TP. Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Thắm (SN 1984, ở Hoàn Kiếm) án tù chung thân vì cùng tội Mua bán trái phép chất ma túy. Theo HĐXX, do bị cáo Thắm đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên không bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình. Ảnh: T.Nhung/ VNN.

Quy định hoãn chấp hành án phạt tù là chế định được thể hiện lần đầu tiên ở Điều 69 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985[1]. Điều kiện hoãn thi hành án phạt tù tiếp tục được quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988[2] và quy định cho người bị kết án là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi lần đầu tiên được quy định ở Điều luật này. Tại Điều 61 BLHS năm 1999, điều kiện hoãn chấp hành hình phạt đối với người phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi tiếp tục được quy định và được kế thừa tại Điều 67 BLHS năm 2015.

Về bản chất pháp lý, hoãn chấp hành hình phạt tù là một chế định phản ánh chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta đối với người bị kết án khi có những điều kiện nhất định, cho phép họ chuyển việc chấp hành án sang một thời điểm khác muộn hơn và đặc biệt, chế định này chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Đối tượng đó chỉ bao gồm: người bị bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người lao động duy nhất mà nếu bắt người này chấp hành hình phạt thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt, đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng và do nhu cầu công vụ.

TAND tỉnh K. nhận được Đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù của người bị kết án. Theo nội dung Quyết định thi hành án và Bản án hình sự có hiệu lực, người bị kết án bị xử phạt 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; người bị kết án có 01 tiền án và hiện đang nuôi bốn con nhỏ, trong đó có hai con dưới 36 tháng tuổi. Khi xem xét về điều kiện hoãn thi hành án, giữa Tòa án và Viện kiểm sát có quan điểm trái ngược nhau.

Cụ thể, tại điểm b khoản 1, Điều 67 BLHS năm 2015, quy định: “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: b/ Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;” nhưng điểm b, mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, quy định: “7.1. Người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hoãn chấp hành hình phạt tù: b/ Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu”. Như vậy, trường hợp người chấp hành án có đủ điều kiện theo quy định của BLHS nhưng không đủ điều kiện theo quy định của Nghị quyết về “bị xử phạt tù lần đầu” thì có được hoãn thi hành án hay không?

Về vấn đế này hiện có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Theo nội hàm quy định tại điểm b khoản 1, Điều 67 BLHS năm 2015 thì chỉ cần đáp ứng điều kiện phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là đã đủ điều kiện để hoãn chấp hành hình phạt tù. Bởi đây là chính sách nhân đạo, đảm bảo một cách triệt để quyền con người, bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được hưởng những điều kiện, những sự chăm sóc tốt nhất.

Bên cạnh đó, tại tiểu mục 4, mục II của Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 thì: “nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không”. Điều này càng chứng tỏ việc chỉ cần đáp ứng điều kiện là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là đáp ứng điều kiện hoãn chấp hành hình hình phạt tù. Hơn nữa, điểm b, mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là để hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 nên đã hết hiệu lực và không được áp dụng.

Quan điểm thứ hai: Về nội dung quy định tại nội dung Điều luật của điểm b khoản 1 Điều 61 BLHS năm 1999 và điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 có sự tương đồng. Do đó, người phụ nữ tuy có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi phải đáp ứng điều kiện “bị xử phạt tù lần đầu” thì mới đủ điều kiện để hoãn chấp hành hình phạt tù.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai bởi các lý do: Việc cho người bị kết án là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi ngoài lý do này còn đảm bảo đủ các điều kiện: khi họ có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn. Đối với quy định “bị xử phạt tù lần đầu” cho thấy rằng điều kiện để xem xét hoãn thi hành án là rất chặt chẽ, đảm bảo chính sách nhân đạo nhưng không phải là điều kiện thuận lợi để người chấp hành án lợi dụng phạm tội mới hoặc tạo “bình phong vô tội” là những đứa trẻ.

Khác với quy định của BLHS về việc “phạm tội lần đầu” mà theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP thì phải là “bị xử phạt tù lần đầu”. “Phạm tội lần đầu” theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì: “Phạm tội lần đầu”, cụ thể: Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích” hay điểm 4 phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC thì: “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu".

Do đó, để phù hợp với quy định tương ứng của BLHS và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo áp dụng thống nhất chế định này thì việc quy định chặt chẽ, điều chỉnh toàn diện và đảm bảo tính khả thi thì việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo hướng dẫn tại điểm b mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cần thiết.

Do chưa có sự đồng bộ giữa BLHS năm 2015 và văn bản hướng dẫn nên còn gây lúng túng trong việc áp dụng trên thực tiễn. Do hoãn thi hành án phạt tù là vấn đề cấp bách nên các quy định liên quan đến chế định này cần sớm được sửa đổi, bổ sung để được áp dụng thống nhất.

[1] Điều 69. Tạm hoãn, miễn hoặc giảm việc chấp hành hình phạt
Quân nhân phạm tội ít nghiêm trọng, nếu do nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu mà được người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên đề nghị cho ở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ, thì có thể được Toà án cho tạm hoãn việc chấp hành hình phạt từ sáu tháng đến một năm. Hết thời hạn đó, Toà án sẽ căn cứ vào thái độ sửa chữa hoặc kết quả lập công của người phạm tội mà miễn hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc buộc phải chấp hành toàn bộ hình phạt đã tuyên.
[2] Điều 231. Hoãn thi hành án phạt tù
Đối với người bị kết án đang được tại ngoại, Chánh án Toà án có thể tự mình hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan công an hoặc người bị kết án, cho hoãn chấp hành hình phạt trong những trường hợp sau đây:
1. Người bị kết án bị ốm nặng được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khoẻ phục hồi;
2. Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc mới sinh đẻ thì được hoãn chấp hành hình phạt từ ba tháng đến một năm;
3. Người bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình nếu ở tù sẽ làm cho gia đình đặc biệt khó khăn, thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt đến một năm, trừ trường hợp là phần tử nguy hiểm cho xã hội hoặc bị kết án về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội nghiêm trọng khác;
4. Quân nhân bị kết án về một tội ít nghiêm trọng, nếu do nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu mà được người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên đề nghị thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt từ sáu tháng đến một năm.
NGUYỄN HỒNG THẮM
Phòng KTNV và Thi hành án, TAND tỉnh Khánh Hòa
(Tạp chí Tòa án)
/vu-tai-nan-lien-hoan-tai-son-tay-trach-nhiem-phap-ly-khi-nguoi-khong-co-bang-lai-xe-gay-tai-nan.html