/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024

Bàn về quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024

11/09/2024 06:01 |

(LSVN) - Phải thừa nhận rằng các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Điều 63 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có cấu trúc quy phạm rất hay nhưng cũng không kém phần phức tạp. Điều đó cho thấy các quy phạm đã được ban soạn thảo xây dựng một cách rất cẩn trọng và đòi hỏi kỹ thuật lập pháp ở mức cao. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu có ý kiến cho rằng rằng dường nhưng ở đâu đó trong Điều luật này còn một khiếm khuyết đó là chưa thể lắp đầy khoảng trống pháp lý để giới hạn đối với trường hợp: Công ty con của tổ chức tín dụng và người có liên quan của công ty này sở hữu trên 15% vốn điều lệ tại một tổ chức tín dụng khác. Các phương pháp phân tích luật viết được tác giả sử dụng nhằm làm rõ những khiếm khuyết nêu ra trong bài viết này.

Ảnh minh hoạ.

1. Đặt vấn đề

Với chủ trương loại bỏ hoàn toàn sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Các TCTD năm 2024 có đã những sự thay đổi quan trọng trong việc quy định về “tỷ lệ sở hữu cổ phần” tại Điều 63 của Luật này so với Luật Các TCTD 2010, 2017. Theo đó, Điều luật này đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10% và tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa cổ đông và người có liên quan, từ 20% xuống 15%. Về cơ bản thì đây được xem là một điều luật hay và xu hướng siết chặt hơn tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các TCTD là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Tuy nhiên, vấn đền tranh luận bắt đầu phát sinh khi có cách hiểu khác về quy định tại khoản 5 Điều 63 của Luật này vì không tính “tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này” (tức là không tính trường hợp công ty con của TCTD[1]) vào tổng tỷ lệ sở hữu đang bị giới hạn 15% như đã nêu trên. Hệ quả là có ý kiến cho rằng đã có một khoảng trống pháp lý chưa được lắp đầy nên khả năng là sẽ không thể siết chặt được tỷ lệ sở hữu cổ phần tại TCTD đối với trường hợp: Công ty con của TCTD và người có liên quan của Công ty này sở hữu vượt 15% vốn điều lệ tại một TCTD khác.

Để có thể đánh giá và làm rõ vấn đề vừa nêu, tác giả tiến hành các nghiên cứu phân tích dựa trên tình huống giả định.

2. Giả định tình huống

Tổ chức X1 là công ty con của TCTD Y sở hữu cổ phần ở mức tối đa là 10% của TCTD Z và X2 tổ chức, người có liên quan của X1 sở hữu cổ phần cũng ở mức tối đa 10% của TCTD Z. Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của X1 và X2 tại TCTD Z lúc này thực tế là [20%] nhưng vì quy định tại khoản 5 của Điều 63 của Luật Các TCTD năm 2024 không tính tỷ lệ sở hữu của người có liên quan là công ty con của TCTD (tức không tính tỷ lệ sở hữu của X1). Do đó, khi tính tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của X1 và X2 tại TCTD Z thì chỉ tính X2 mà không tính X1 nên cả hai sẽ không vượt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần [15%] theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này, mặc dù trên thực tế tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cả hai tại TCTD Z đang là 20%. Mặt khác vì X1 là công ty con chứ không phải là cổ đông lớn của TCTD Z nên cũng không thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh tại đoạn cuối trong quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này đó là:“Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác”.

Vậy thì phải chăng trong quá trình thiết kế, xây dựng Điều 63, Luật Các TCTD 2024 thì đã bỏ lọt, chưa siết chặt đối với trường hợp tính tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty con của TCTD và người có liên quan của Công ty này như trường hợp giả định X1 và X2 ở tình huống nêu trên?

3. Giải quyết tình huống

Để giải quyết tình huống trên chúng ta cần đặt trường hợp giả định X1 vào điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật Các TCTD năm 2024 để thấy rằng quy định trong trường hợp này đối với Công ty con của TCTD Y (X1), là trường hợp Y hoặc Y và người có liên quan của Y sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết của X1. Do đó, khi thoạt đọc qua quy định không tính tỷ lệ sở hữu của người có liên quan là X1 thì chúng ta nghĩ ngay đến khoảng trống pháp lý là khả năng X1 sẽ sở hữu cổ phần tối đa mà một cổ đông tổ chức được cho phép là 10% tại TCTD Z nhưng không được tính vào tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần khi cộng (+) với tỷ lệ sở hữu cổ phần của của X2 (tổ chức, người có liên quan của X1 cũng đang nắm giữ mức tới đa cho phép của một tổ chức là 10% tại TCTD Z). Lúc này, X1 và X2 sẽ không vi phạm giới hạn tỷ lệ tại khoản 3 Điều 63 của Luật này, trong khi thực tế cả hai đang sở hữu cổ phần có tổng tỷ lệ là [20%]. Điều này vô hình trung dẫn đến phá vỡ cấu trúc ban đầu về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa không vượt quá 15% và không đảm bảo chủ trương loại bỏ hoàn toàn sở hữu chéo tại các TCTD của Luật Các TCTD năm 2024.

Theo tác giả nhìn nhận do Điều 63 của Luật này có một cấu trúc pháp lý khá phức tạp và không phải dễ dàng có thể tiếp cận ngay lần đầu tiên nghiên cứu, áp dụng nên đâu đó sẽ không tránh khỏi có cách hiểu như tình huống nêu trên. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quan sẽ thấy rõ điểm đặc trưng trong kỹ thuật lập pháp của Luật Các TCTD 2024, đó là khi xét một quy định cần phải được đặt trong và xem xét cùng với các quy định pháp luật khác có liên quan thì mới có thể hiểu một cách toàn diện ý chí của nhà làm luật đối với quy định cần xem xét. Tương tự để giải quyết tình huống giả định nêu trên, chúng ta cần phải phân tích cùng lúc nhiều quy định tại các điều luật khác nhau của Luật này và các quy định trong Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để thấy rằng:

Theo quy định tại khoản 33 Điều 4 của Luật này thì trường hợp X1 sở hữu cổ phần của TCTD Z được xem là việc TCTD Y đã gián tiếp sở hữu cổ phần của TCTD Z thông qua X1. Đồng thời, đoạn đầu của khoản 5 Điều 63 Luật này quy định: “Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 63 bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp”. Do đó, nếu TCTD Y là ngân hàng thương mại thì khoản 8 Điều 111 của Luật này có quy định “Ngân hàng thương mại, công ty con của Ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phần của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”. Chi tiết theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2020/TT-NHNN, Thông tư số 26/2022/TT-NHNN, Thông tư số 09/2024/TT-NHNN) trường hợp này ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phần của TCTD khác dưới 05% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. Vậy nên X1 hoặc X1 và TCTD Y sẽ không được sở hữu quá 05% cổ phần của TCTD khác. Trường hợp còn lại nếu TCTD Y không phải là ngân hàng thương mại mà thuộc các loại hình TCTD còn lại theo quy định tại khoản 38 của Luật này thì sẽ không được góp vốn của cổ phần của TCTD khác theo quy định tại Điều 118, 123, 125, 126, 127 của Luật này. Như vậy, các quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều 63 của Luật Các TCTD 2024 vẫn có thể điều chỉnh đối với X1 trong tình huống giả định nêu trên, khi đó, xét trong mọi khía cạnh thì tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của X1 và X2 chắc chắn sẽ không thể nào được vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần 15% tại TCTD theo quy định của Luật này.

4. Kết luận và kiến nghị

Cần phải thừa nhận một cách không tranh cãi rằng, Điều 63 của Luật Các TCTD năm 2024 là một điều luật hay, có kỹ thuật lập pháp rất cao nhưng cũng không kém phần phức tạp. Vậy nên sẽ khó tránh khỏi có cách hiểu khác nhau và cho rằng điều luật này còn khiếm khuyết khi lần đầu tiếp cận nghiên cứu hoặc áp dụng pháp luật. Mặc dù vậy, với các quy định hiện tại, tác giả cho rằng điều luật này đã đạt được sự hoàn thiện nhất định và đủ khả năng điều chỉnh, siết chặt cho các trường hợp liên quan đến sở hữu chéo tại TCTD là công ty cổ phần. Tuy nhiên, tác giả cho rằng để tránh những cách hiểu không đúng, thiết nghĩ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn nên có những quy định chi tiết hơn để quy định rõ trường hợp tính tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty con của TCTD và người có liên quan của Công ty này tại một TCTD khác. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các vi phạm phát sinh không đáng có và cũng để cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng khi áp dụng các quy định tại Điều 63 của Luật Các TCTD 2024 để xử lý các hành vi vi phạm về tỷ lệ sở hữu cổ phần.

[1] TCTD và người có liên quan của TCTD sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty đó.

Luật sư QUÁCH MINH TRÍ - Luật sư TRẦN MINH PHÁP

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

Nguyễn Mỹ Linh