Ảnh minh họa.
Việc xem xét yếu tố phương tiện sống có ý nghĩa quan trọng khi đánh giá và áp dụng nội dung tình tiết này, bởi vì có trường hợp người phạm tội tuy thực hiện thủ đoạn gian dối nhiều lần nhưng lại không phải là phương tiện kiếm sống chính thì chỉ có thể xác định thuộc trường hợp phạm tội từ 02 lần trở lên (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự).
Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về việc áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” như sau:
“5.1 Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích;
b. Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả làm nguồn sống chính.
5.2 Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a. Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” hoặc “tái phạm nguy hiểm” và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”;
b. Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng”.
Như vậy, nếu một người không có nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội, trong một thời gian mà liên tiếp thực hiện năm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trở lên thì sẽ bị áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Trong trường hợp, người phạm tội lấy việc phạm tội là phương tiện sống nhưng chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản 01 lần, còn những lần phạm tội khác không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xác định là tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Trong trường hợp, người phạm tội đã bị kết án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc khi chấp hành hình phạt xong chưa được xóa án tích, liên tiếp thực hiện thêm 04 lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng cả ba tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng nếu người phạm tội đã 05 lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 01 lần đã bị xử lý hình sự và chưa được xóa án tích, khi xét xử đối với 04 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt kia thì không được xác định là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Bởi vì khi phạm tội hành vi đó đã được xác định là tình tiết để định tội. Do vậy, không tiếp tục sử dụng là tình tiết định khung tăng nặng thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Tại mục 5 phần II của Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng tình tiết định khung (phạm tội) “có tính chất chuyên nghiệp” trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu và nhiều loại tội phạm khác của BLHS (đây cũng là tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS như sau: “Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" đối với người phạm tội khi có đầy đủ các điều kiện: Đối với trường hợp phạm tội từ 5 lần trở lên mà trong đó có 1 lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả 3 tình tiết đó là "phạm tội nhiều lần", "tái phạm" (hoặc "tái phạm nguy hiểm") và "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp".
Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung hình phạt thì không áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS”.
Theo quan điểm của chúng tôi cho rằng, hướng dẫn trên có nội dung chưa phù hợp, không có lợi cho người phạm tội, bởi lẽ, trường hợp một người 05 lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng có 01 lần đã bị kết án thì có nghĩa là trừ đi lần truy cứu trách nhiệm hình sự trước thì người đó có 04 lần phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ở lần xét xử đầu tiên, án tích của người phạm tội đã được sử dụng là tình tiết xác định tái phạm (hoặc tái phạm nguy hiểm), nhưng lại đồng thời được sử dụng để xác định phạm tội “có tính chất chuyên nghiệp” (kết hợp cùng 04 lần phạm tội chưa bị xử lý) sẽ vi phạm nguyên tắc một tình tiết bị áp dụng nhiều lần để định tội, định khung hình phạt (xác định tình tiết tăng nặng) đối với người phạm tội. Vì vậy chúng tôi đề nghị, trong trường hợp trên, chỉ áp dụng tình tiết phạm tội “có tình tiết chuyên nghiệp” khi có đủ các điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm mà chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề để sinh sống và lấy kết quả phạm tội làm nguồn sống chính.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả trong quá trình nghiên cứu và áp dụng. Hy vọng nhận được ý kiến của quý đồng nghiệp và bạn đọc.
TRẦN MẠNH TUẤN
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 2
Một số vấn đề về tổng hợp hình phạt tù có thời hạn của nhiều bản án