LSVNO - Sau 5 năm kể từ ngày sập tòa nhà Rana Plaza tại Quận Dhaka, Bangladesh, trước nhiều tranh cãi cũng như làn sóng bất bình về điều kiện làm việc và chính sách dành cho giới công nhân tại đây, một số hãng thời trang lớn đã bắt đầu có những thay đổi được xem như là bước ngoặt để “cải cách”, đem lại lợi ích cho người lao động.
Đống đổ nát của vụ sập tòa Rana Plaza.
Ngày 24 tháng 4 năm 2013, vào một buổi sáng tại Quận Dhaka, Bangladesh, hàng ngàn công nhân xưởng may có mặt từ sớm để bắt đầu công việc như thường lệ. Trước đó, họ đã báo cáo lên cấp trên về việc cách đó một vài hôm, đã có những vết nứt lớn ở tường trong xưởng may, lo sợ về một tai nạn khủng khiếp có thể cướp đi hàng trăm sinh mạng là có cơ sở, tòa nhà đã quá cũ kĩ và quá tải. Tuy nhiên, chủ xưởng may vẫn không hề có động thái gì ngoài việc yêu cầu các công nhân tiếp tục làm việc.
Một quyết định thảm khốc
Tòa Rana Plaza đã sập vào lúc 8 giờ 45 phút giờ địa phương, cướp đi sinh mạng của 1.127 người và làm bị thương 2.500 người. Vụ tai nạn thảm khốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trầm trọng tại các nước đang phát triển mà hơn hết là các chính sách bảo vệ người lao động của các công ty lớn có nhà máy tại các quốc gia này. Rất nhiều thương hiệu lớn của doanh nghiệp Mỹ trong đó có Nike, H&M, Ivanka Trump (thương hiệu thời trang của con gái tổng thống Mỹ) sử dụng lao động tại Bangladesh. Chi tiết hơn, Zara, Walmart, Benetton và Mango có sử dụng tòa Rana Plaza để sản xuất chỉ vài tháng trước khi thảm họa xảy ra.
Sau vụ sập xưởng thương tâm, tội giết người đã được truy tố và 38 người có liên quan đã phải hầu tòa. Hơn 200 công ty may mặc từ 20 quốc gia đã ký Hiệp ước về Phòng cháy chữa cháy và an toàn lao động ở Bangladesh để ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra. Những công ty ký Hiệp ước bao gồm American Outfitters của Mỹ, Abercrombie & Fitch, Zara, và H & M.
Một báo cáo của Mark Anner, giám đốc trung tâm bảo vệ quyền của người lao động cho thấy hiệp ước đã có hiệu lực làm đảm bảo an toàn hơn và cải thiện điều kiện của hơn 2.5 triệu lao động tại Bangladesh. Cùng lúc ấy, các nhà lãnh đạo công ty may mặc lớn đã có cuộc gặp cùng đại diện phía người lao động để xem xét tình trạng khó khăn và đưa ra giải pháp hỗ trợ người lao động của quốc gia này.
Thách thức vẫn còn, tuy rằng các điều kiện an toàn tối thiểu đã được đảm bảo, tình trạng chậm trễ lương và không trả tiền công làm thêm giờ vẫn rất phổ biến do các điều kiện gắt gao về thời gian hoàn thành sản phẩm trong ngành may mặc. Diễn đàn Quốc tế về Bảo Vệ Quyền Lợi Người Lao Động đã thúc giục các công ty may mặc thể hiện cam kết sâu sắc hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Công bằng nào cho người lao động?
Qua trao đổi với phóng viên, cô Elizabeth L. Cline-tác giả cuốn sách “Giá đắt bất ngờ cho thời trang rẻ mạt”, cho hay: “Khi tôi sang Bangladesh để nghiên cứu viết về tình trạng mất an toàn lao động trầm trọng của các công nhân ngành may mặc cũng là lúc xảy ra thảm họa sập Tòa Rana Plaza, tôi không hề bất ngờ vì ở đây họ cho các công nhân sản xuất và lao động trong các văn phòng không được thiết kế để làm xưởng. Vì tiết kiệm chi phí mà họ đã nhẫn tâm để xảy ra tai nạn thảm khốc.” Cô Elizabeth L. Cline cũng cho biết thêm hầu như không có công nhân may mặc nào ở các nước đang phát triển kiếm được tiền lương đủ sống. Tuy đã có nhiều thay đổi về tiền lương sau nhiều cuộc đấu tranh, nhưng thực trạng đáng buồn rằng làm việc tại các xưởng may quần áo cho các thương hiệu phương Tây tiếp tục là một công việc với thu nhập rất thấp và phải đánh đổi rất nhiều. Khi mà các thương hiệu thời trang tiếp tục phát triển,thu về những lợi nhuận khổng lồ thì cuộc sống của những công nhân ở dưới đáy ngành công nghiệp này vẫn gặp nhiều khó khăn với đồng lương ít ỏi.
Một trong những lý do thảm họa Rana Plaza của ngành may mặc là bởi vì các thương hiệu thời trang không hề biết nơi sản phẩm của họ được sản xuất. Chuỗi cung ứng của họ đã quá lớn và không thể kiểm soát được, các công ty thời trang hầu như không thể biết chính xác nguồn gốc xuất xứ nơi sản phẩm của họ đang bán trên kệ các trung tâm thương mại sầm uất. Vì vậy, một số hãng thời trang lớn sau đó đã có động thái và chính sách hướng tới tính minh bạch và công khai trong kinh doanh, vì vậy hiện nay có nhiều thương hiệu chia sẻ danh sách nhà cung cấp và thông tin xuất xứ sản phẩm để người tiêu dung nắm rõ hơn.
Ở một số thị trường khó tính, người tiêu dùng có quyền được biết chính xác nơi sản phẩm họ mua được sản xuất ở đâu? Liệu rằng hãng thời trang và nơi sản xuất có trả lương đủ cho các công nhân may mặc ? Các điều kiện làm việc và an toàn lao động có được đảm bảo? Nếu nhà sản xuất không đáp ứng được các điều kiện trên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tẩy chay thương hiệu.Đây được xem là động thái góp phần có thể giúp các công nhân may mặc lấy lại được sự công bằng, dù biết chặng đường này vẫn rất dài và gian nan.
Mạnh Thắng