(LSVN) - Bài viết phân tích những điểm tiến bộ và bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam; từ đó có những kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trên thực tế áp dụng biện pháp tạm giam hiện nay.
1. Thực trạng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
1.1. Trong hoạt động hỏi cung, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), bị can, bị cáo “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (Điều 60, Điều 61). Quy định này bảo đảm cho bị can, bị cáo bị tạm giam thực hiện quyền được im lặng.
Ngoài ra, quy định về việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động lấy lời khai, hỏi cung và trước khi hỏi cung, cơ quan điều tra (CQĐT) phải thông báo thời gian, địa điểm hỏi cung cho người bào chữa, kiểm sát viên (KSV) biết để tham gia (Điều 183, BLTTHS), đã bảo đảm sự khách quan, công khai trong hoạt động tố tụng. Điều này giúp người bị tạm giam tự tin hơn trong việc cung cấp thông tin và đề xuất các biện pháp để bảo vệ mình.
1.2. Trong hoạt động giám định, định giá tài sản, BLTTHS năm 2015 quy định đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ; được xem kết quả, được bảo đảm thời hạn (các Điều 207 đến Điều 222).
Quy định này bảo đảm cho người bị tạm giam quyền yêu cầu trưng cầu giám định, định giá lại để không bị thiệt hại, vì điều này liên quan đến hậu quả của tội phạm và trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường dân sự mà người bị tạm giam phải gánh chịu. Thực tế thường thấy, người bị tạm giam thực hiện quyền yêu cầu giám định lại, định giá lại tài sản ở giai đoạn xét xử khi có hướng dẫn, tư vấn của người bào chữa là luật sư. Bị can, bị cáo thường không thực hiện quyền yêu cầu giám định lại, định giá lại vì họ không biết mình có quyền đó và cũng không có điều kiện để thực hiện các quyền này[1].
1.3. Theo quy định từ Điều 201 đến Điều 204 BLTTHS năm 2015, hoạt động khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra phải có sự tham gia của KSV; CQĐT phải lập biên bản, chụp bản ảnh, lập biên bản lưu giữ đầy đủ dấu vết, mô tả dấu vết, để bảo đảm quyền cho người bị tạm giam khi xem xét lại các tình tiết mình bị buộc tội. Trong một số trường hợp, người bị tạm giam có thể được chứng kiến cuộc khám nghiệm hiện trường và đóng vai trong hoạt động thực nghiệm điều tra, nhằm kiểm tra, đối chiếu tính xác thực của tình tiết vụ án.
1.4. Các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói quy định tại các Điều 189, 190, 191 của BLTTHS năm 2015 bắt buộc KSV phải tham gia giám sát để đảm bảo điều tra viên thực hiện đúng thủ tục, trình tự tố tụng.
1.5. Biện pháp điều tra đặc biệt được thiết lập mới tại Chương 16 BLTTHS. Theo đó, các điều kiện để được áp dụng các thủ tục đặc biệt như: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử, chỉ được áp dụng đối với những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và việc áp dụng phải do cơ quan cấp tỉnh áp dụng, có sự phê chuẩn của Viện trưởng VKS cấp tỉnh… đã tránh được tình trạng lạm dụng, vi phạm các quyền được bảo mật về thư tín, điện tín, bí mật đời tư của con người.
1.6. Các hoạt động điều tra khác như: tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, bắt buộc chữa bệnh, kết thúc điều tra được quy định cụ thể, rõ ràng, đã khắc phục tình trạng lạm dụng kéo dài thời hạn giải quyết, gây bất lợi, thiệt hại cho người bị tạm giam.
Bên cạnh đó, các quy định về bảo đảm quyền của người đang bị tạm giam trong BLTTHS năm 2015 còn một số bất cập sau đây:
- Chế định biện pháp cưỡng chế nói chung, biện pháp tạm giam trong TTHS Việt Nam nói riêng còn thiếu đồng bộ, chưa thể hiện chủ trương giảm tỷ lệ tạm giam trước khi xét xử. Trong nhiều năm, quy định của pháp luật TTHS nước ta về căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam còn thiếu cụ thể. Trong đó, quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thay thế, hủy bỏ biện pháp tạm giam chưa chặt chẽ, như được áp dụng, thay thế, hủy bỏ “khi cần thiết”, hoặc là “có thể” tạm giam. Điều này tạo điều kiện cho việc lạm quyền trong tạm giam kéo dài, ảnh hưởng đến quyền con người của người bị tạm giam.
- Khoản 1 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”. Quy định thiếu cụ thể này đã gây trở ngại về mặt tâm lý cho người có thẩm quyền, vì nếu như không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể để xảy ra bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc bỏ trốn thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại có nguy cơ bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 360 BLHS). Vì vậy, thông thường cứ phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.
- Quy định của khoản 2 Điều 125 và khoản 7 Điều 173 BLTTHS về trách nhiệm của CQĐT, VKS, Tòa án trong việc hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác còn mang tính thụ động, như căn cứ để hủy bỏ “khi thấy không còn cần thiết”, “hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác”. Trường hợp nào là cần thiết và không cần thiết phải tạm giam chưa được điều luật giải thích, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của CQĐT, VKS và Tòa án, làm cho thực tế người bị tạm giam được huỷ bỏ, thay thế bằng biện pháp khác chiếm tỷ lệ rất thấp.
Điều 241 BLTTHS quy định: “Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của BLTTHS”. Quy định này không xác định rõ căn cứ để áp dụng, thay thế, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Vì vậy, trên thực tế, khi vụ án được chuyển đến VKS để truy tố, cán bộ, KSV thường tiếp tục đề xuất ra lệnh tạm giam mà không đề xuất thay đổi biện phạm tạm giam sang biện pháp khác[2](cấm đi khỏi nơi cứ trú, bảo lãnh, đặt tiền cho bị can). Việc thay thế biện pháp tạm giam sang biện pháp khác trong giai đoạn truy tố làm cho cán bộ, KSV dễ bị nghi ngờ có tiêu cực vì không có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Điều 278 BLTTHS quy định: “Sau khi thụ lý vụ án,… việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định; đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam … thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Quy định này không xác định rõ căn cứ tạm giam trong giai đoạn xét xử, nhưng lại cho phép Chánh án, Phó Chánh án Tòa án và Hội đồng xét xử quyết định một cách dễ dàng “nếu thấy cần tiếp tục tạm giam” là chưa bảo đảm quyền lợi của bị tạm giam, của bị cáo.
Theo quy định của Điều 119 và Điều 278 của BLTTHS, Tòa án được áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử dựa trên các lý do: bảo đảm việc bị cáo không bỏ trốn, cản trở hoạt động xét xử, có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại. Tuy nhiên, căn cứ để hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam bằng biện khác lại tạo ra sự tùy nghi cho Tòa án. Đó là Tòa án có quyền thay thế, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi cần thiết nhằm bảo đảm cho việc xét xử, dẫn đến bị can, bị cáo bị tạm giam một cách không cần thiết, làm cho họ khó tiếp cận các quyền như quyền tự bào chữa, quyền được nghiên cứu tài liệu, quyền thu thập chứng cứ gỡ tội để tranh tụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Điều 329 BLTTHS quy định: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo; thời hạn tạm giam bị cáo là 45 ngày kể từ ngày tuyên án…”. Quy định về căn cứ tiếp tục tạm giam của điều luật “xét thấy cần tiếp tục” mang tính tuỳ nghi, theo nhận định chủ quan của Hội đồng xét xử, dẫn đến thực tế: bị cáo đang bị tạm giam thì đương nhiên cứ tiếp tục bị tạm giam. Đây là nguyên nhân của thực trạng người bị tạm giam trong giai đoạn sau khi tuyên án, chờ thi hành án chiếm tỷ lệ cao.
2. Giải pháp hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm quyền con người khi áp dụng biện pháp tạm giam
Thứ nhất, nhập khoản 1 Điều 119 BLTTHS vào chung với khoản 2 Điều 119 BLTTHS, theo hướng bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải bị tạm giam, còn các trường hợp khác chỉ bị tạm giam khi xác định người đó phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm và thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Giải pháp này nhằm khắc phục thực trạng cơ quan có thẩm quyền lạm dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 119 BLTTHS. Mặt khác, khi đã nhập khoản 1 và khoản 2 Điều 119 của BLTTHS, thì điều kiện tạm giam chung cho mọi trường hợp được xác định sẽ tránh sự tùy nghi và sẽ giảm mạnh tỷ lệ số người bị tạm giam trong vụ án hình sự trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Như vậy, giải pháp nêu trên có tính đột phá, nhằm giảm thiểu số người bị tạm giam trong vụ án hình sự, bảo đảm tốt hơn quyền con người trong lĩnh vực TTHS.
Thứ hai, bổ sung vào khoản 4 Điều 119 BLTTHS về trường hợp bị can, bị cáo là người duy nhất đang phải nuôi, chăm sóc người thân thích của mình là người tàn tật nặng, bệnh nặng, già yếu, có nhược điểm về tâm thần nhưng họ thiếu sự chăm sóc và không thể tự mình sinh sống được thì có thể không bị áp dụng biện pháp tạm giam. Họ chỉ bị tạm giam trong trường hợp có dấu hiệu bỏ trốn, có các hành động gây cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Giải pháp này nhằm bổ sung trường hợp bị can, bị cáo có hoàn cảnh éo le, không có người chăm sóc người thân thích của mình như đã nêu; như vậy sẽ phù hợp với hoàn cảnh của bị cáo và khẳng định được tính nhân văn của chính sách pháp luật.
Thứ ba, để khắc phục việc tạm giam kéo dài do các cơ quan tố tụng không hủy bỏ biện pháp tạm giam mặc dù việc tạm giam đó là không cần thiết, thì cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 125, khoản 7 Điều 173 BLTTHS theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của CQĐT, VKS và Tòa án trong việc xem xét quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác khi không còn căn cứ áp dụng. Theo đó, khoản 2 Điều 125 BLTTHS được thiết kế lại như sau: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác khi không còn căn cứ áp dụng…”; và sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 173 BLTTHS như sau: “Trong thời hạn tạm giam, khi không còn căn cứ tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Điều 241 BLTTHS theo hướng quy định rõ trách nhiệm của VKS sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra phải xem xét, kiểm tra toàn diện các căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam để xác định có cần thiết phải tiếp tục tạm giam với bị can hay không, nếu không còn cần thiết, không có căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam thì phải thay đổi, huỷ bỏ kịp thời. Theo đó, Điều 241 BLTTHS được thiết kế lại như sau: “Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp có bị can đang bị tạm giam, Viện kiểm sát phải xem xét, kiểm tra toàn diện các căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam để áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ kịp thời”.
Thứ năm, sửa đổi Điều 278 BLTTHS về điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam thay cho thuật ngữ “quyết định” và “nếu thấy cần tiếp tục” mang tính tuỳ nghi, không rõ ràng. Điều 278 BLTTHS cần được thiết kế như sau: “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định sau khi xem xét đầy đủ các căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định của Bộ luật này; đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu có căn cứ xác định cần phải tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”.
Thứ sáu, sửa đổi Điều 329 BLTTHS về căn cứ tạm giam “xét thấy cần tiếp tục” mang tính tuỳ nghi, theo nhận định chủ quan của Hội đồng xét xử, thành điều kiện áp dụng biện pháp cụ thể như sau: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng có căn cứ xác định cần phải tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo; thời hạn tạm giam bị cáo là 45 ngày kể từ ngày tuyên án…”./.
[1] Đối với vụ án không có luật sư tham gia thì người bị tạm giam thường gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu giám định lại, định giá lại do thiếu hiểu biết pháp luật. [2] VKS thường đề xuất cần tiếp tục tạm giam bị can “để đảm bảo việc truy tố”, mặc dù nhiều trường hợp không tạm giam bị can thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc truy tố như các trường hợp phạm tội quả tang, căn cứ đã rõ, bị can thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đã bồi thường khắc phục hậu quả, bị can tỏ ra ăn năn hối cải. |
TS. NGUYỄN NGỌC KIỆN Trường Đại học Luật, Đại học Huế PHẠM XUÂN MINH VKSND tỉnh Bình Phước (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp) |