Bất động sản ven biển và sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư

10/10/2021 01:56 | 2 năm trước

(LSVN) - Với lợi thế đường bờ biển trải dài khắp đất nước, sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư về những thành phố ven biển tại Việt Nam được coi là xu thế tất yếu. Điều này càng được khẳng định mạnh hơn nữa khi làn sóng đầu tư sau đại dịch được phân chiều rõ rệt và hướng tới những thành phố biển mới.

Phân khúc hút dòng tiền

Với đường bờ biển dài 3.260km cùng trên 4.000 đảo lớn nhỏ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch biển hàng đầu thế giới. Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch trong giai đoạn 2015 – 2019 với tốc độ hơn 22%, lượng khách nội địa tăng thêm 28 triệu lượt và khách quốc tế tăng gấp 10 lần đã kéo theo sự phát triển thăng hoa của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.

Sức hấp dẫn của cảnh quan biển đảo hoang sơ, hùng vĩ đã được hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản khai thác và tận dụng qua việc đầu tư các tổ hợp, quần thể du lịch nghỉ dưỡng, giải trí nghìn tỷ, biến tiềm năng trở thành thế mạnh vượt trội. Điều này đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho các thành phố biển có thiên nhiên ưu đãi như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Quy Nhơn, Hải Phòng, Vũng Tàu... trở thành tâm điểm của thị trường.

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài với tiềm năng phát triển du lịch biển hàng đầu thế giới.

Theo ghi nhận của giới đầu tư, để sở hữu một một sản phẩm bất động sản ven biển, người mua phải chi thêm trung bình từ 15 - 30%, bởi giá trị sản phẩm mà khu vực ven biển mang lại liên tục được nâng cao, đặc biệt là tại các dự án nghỉ dưỡng cao cấp có tiện ích đồng bộ, quy hoạch bài bản và pháp lý đảm bảo.

Như ở Hạ Long (Quảng Ninh), giá đất quanh vịnh và các khu nghỉ dưỡng lớn tăng gấp 5 lần giai đoạn từ 2015 0 2019. Ấn tượng nhất là phân khúc biệt thự, đất đô thị vừa ở vừa nghỉ dưỡng đã tăng đến 70 – 80% so với cuối 2020 – đầu 2021, và dự báo sẽ tiếp đà tăng ổn định trong thời gian tới do quỹ đất khu vực trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm.

Tại Quy Nhơn (Bình Định), sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu lưu trú và dịch vụ du lịch đã thúc đẩy giá đất 1 số dự án như FLC Lux City Quy Nhon tăng từ 11 triệu đồng năm 2016 lên gần 30 triệu đồng hiện tại. Hay phía Nam, đất ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận mức độ tăng giá khá cao những năm qua, từ 15 - 30 triệu/m2 thời điểm 2018 thì hiện nay lên gần 40 - 50 triệu/m2.

Báo cáo quý 3/2021 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dù giãn cách kéo dài nhưng giao dịch các dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm chào bán trong Quý đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2,280 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ 31,6%.

So với các kênh khác, bất động sản biển vẫn được đánh giá là phân khúc đầu tư giàu tiềm năng trong dài hạn. Các sản phẩm bất động sản ven biển được đầu tư bài bản, đẳng cấp chủ yếu hướng đến phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng nên khi hộ chiếu vaccine được áp dụng, ngành du lịch được khôi phục thì phân khúc này sẽ rất nhanh bật trở lại.

Thị trường mới được gọi tên

Trong khi nhiều thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng… có thể coi là đã bắt đầu bão hòa, đây sẽ là cơ hội cho những địa phương ven biển còn lại, nhất là những khu vực mới chưa được khai phá đang nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng và chính sách đầu tư.

Một trong những khu vực được xem là tiềm năng hàng đầu miền Trung hiện nay có thể kể đến là Quảng Bình, nơi sở hữu cảnh quan thiên nhiên đặc thù, quỹ đất ven biển rộng lớn, giá đất còn hấp dẫn, nhiều ưu đãi chính sách khuyến khích xây dựng dự án quy mô hấp dẫn khách du lịch đang trở thành điểm đến mới thu hút đông đảo doanh nghiệp và các nhà đầu tư đổ về.

Tại một tọa đàm bất động sản tổ chức mới đây, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá, nếu như những điểm bất lợi như nắng gió, cát, rừng núi, hang động từng một thời là bước cản cho sự phát triển của Quảng Bình nếu đi theo mô hình phát triển nông nghiệp truyền thống, thì giờ đang trở thành lợi thế của địa phương.

Trong đó, hệ thống hơn 1.000 hang động và đường bờ biển dài còn hoang vắng được coi là một lợi thế đặc biệt của Quảng Bình để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn thu hút khách du lịch, đặc biệt là dòng khách cao cấp, khách quốc tế có nhu cầu chi tiêu cao.

Đặc biệt du lịch Quảng Bình đã có bước phát triển nhanh trong những năm gần đây và được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7 triệu lượt khách, doanh thu tăng bình quân 9 - 10%/năm.

Hiện tại, Quảng Bình đang là nơi quy tụ của nhiều chủ đầu tư uy tín hàng đầu cả nước với những dự án đẳng cấp như: đại quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị biển FLC Quảng Bình quy mô gần 2.000 ha của Tập đoàn FLC; căn hộ khách sạn Dolce Penisola của Trường Thịnh Group, TNR Stars Quảng Bình của TNR Holdings… Tính đến cuối năm 2030, Quảng Bình dự kiến có khoảng 100 dự án bất động sản, chủ yếu tập trung ở phân khúc đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng.

Quảng Bình đang quy tụ nhiều chủ đầu tư uy tín cùng những dự án quy mô, đẳng cấp.

Dự báo làn sóng du lịch biển sẽ nhanh chóng tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, việc lựa chọn các sản phẩm bất động sản tại khu vực giàu tiềm năng du lịch như Quảng Bình để đầu tư đón đầu được giới đầu tư xem là hợp lý, bởi đây sẽ là phân khúc dự báo sinh lời cao khi Việt Nam đang quyết tâm phục hồi kinh tế sớm nhất, dự kiến sẽ đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

PV