Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, nhận định nhóm tội phạm nêu trên, chủ yếu đánh vào tâm lý của người dân kém hiểu biết, bằng thủ đọan đe doạ là họ có liên quan đến đường dây tội phạm như: ma tuý, rửa tiền, đánh bạc,… hoặc các vụ án hình sự khác và đề nghị phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, thậm chí chúng còn làm giả lệnh bắt giam, khởi tố gửi đến nạn nhân thông qua mạng xã hội, gửi hình ảnh đe dọa, sau đó gọi điện thoại rất nhiều, làm cho người này hoang mang, tăng mức độ nghiêm trọng, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp. Do đó, tốt nhất khi thấy thấy có số điện thoại lạ thì tốt nhất là không trả lời, không gọi lại, vì nếu người nào có thông tin tài khoản ngân hàng, thể tín dụng trên điện thoại thì cũng bị sao chép ngay lập tức và nếu thực hiện các thao tác theo hướng dẫn thì các đối tượng tội phạm truy cập vào thẻ sim và có thể dễ dàng thực hiện các cuộc gọi chi phối và khủng bố nạn người dân như một tội phạm.
Hành vi phạm tội lừa đảo qua mạng hoặc qua điện thoại là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khi pháp luật Việt Nam đã quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù theo quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, do mức độ nguy hiểm của hành vi này đối với xã hội là đặc biệt lớn. Do đó, hành vi lừa đảo vẫn diễn ra thường xuyên với mật độ ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu không phải đến từ quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe, mà tình trạng bỏ lọt tội phạm vẫn còn xảy ra nhiều. Nhiều vụ việc không được người dân tố giác, không được xử lí kịp thời, triệt để hoặc các cơ quan hành pháp chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và đâu đó còn có những nơi không đủ khả năng để phát hiện, xử lý tội phạm công nghệ cao,...
Như vậy, để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng và qua điện thoại thì các Cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin các nhân trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng khuyến cáo: Người dân cảnh giác thủ đoạn trên đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè tránh bị “mắc bẫy” của các đối tượng, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi vì, những hoạt động Công an, Viện kiểm sát, Toà án, … được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cụ thể: Các Cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, chứ không mới làm việc, thông báo qua điện thoại.
NGỌC ANH