Theo dự thảo, vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội gồm 4 nhóm, cụ thể:
- Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;
- Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành lao động-thương binh và xã hội;
- Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch, đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác);
- Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Về định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được dự thảo đề xuất như sau:
Đối với vụ thuộc Bộ, vụ thuộc Bộ không có cấp phòng trực thuộc: 1 biên chế công chức vụ trưởng; không quá 3 biên chế công chức phó vụ trưởng; công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: Nghiệp vụ chuyên ngành lao động-thương binh và xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ): Định biên bảo đảm tổng số biên chế công chức của vụ đạt tối thiểu 15 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng vụ trưởng, phó vụ trưởng).
Vụ thuộc Bộ có cấp phòng trực thuộc: 1 biên chế công chức vụ trưởng; có không quá 3 biên chế công chức phó vụ trưởng.
Phòng thuộc vụ: 1 biên chế công chức trưởng phòng thuộc vụ; phòng thuộc vụ có từ 7-9 biên chế công chức được bố trí 1 biên chế công chức cấp phó; có từ 10-15 biên chế công chức được bố trí không quá 2 biên chế công chức cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 biên chế công chức cấp phó;
Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: Nghiệp vụ chuyên ngành lao động-thương binh và xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ) được định biên bảo đảm các tiêu chí sau: Tổng số biên chế công chức của vụ bảo đảm đạt tối thiểu 30 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng vụ trưởng, phó vụ trưởng, trưởng phòng và phó trưởng phòng); tổng số biên chế công chức của phòng thuộc vụ bảo đảm đạt tối thiểu 7 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng trưởng phòng và phó trưởng phòng).
Đối với định mức biên chế công chức đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lao động - thương binh và xã hội (cấp sở) được đề xuất như sau: 1 biên chế công chức giám đốc sở; bình quân mỗi sở có không quá 3 biên chế công chức phó giám đốc.
Phòng thuộc sở: 1 biên chế công chức trưởng phòng.
Về biên chế công chức phó trưởng phòng, dự thảo nêu rõ: Phòng thuộc sở của TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 biên chế công chức phó trưởng phòng; phòng thuộc sở của TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10-14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 9-14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8-14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 biên chế công chức phó trưởng phòng; phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 biên chế công chức phó trưởng phòng.
Theo dự thảo, công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: Nghiệp vụ chuyên ngành lao động-thương binh và xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ) được định biên bảo đảm các tiêu chí sau: Số lượng biên chế công chức của phòng thuộc sở (tính bao gồm cả số lượng trưởng phòng và phó trưởng phòng): Phòng thuộc sở của TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức; phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I: Bố trí tối thiểu 6 biên chế công chức; phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III: Bố trí tối thiểu 5 biên chế công chức.
VĂN QUANG
Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại