Ảnh minh họa.
Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) hoàn thiện, nhiều nội dung mới được đề xuất nhằm quản lý có hiệu quả phương tiện và người lái trên lĩnh vực kinh doanh vận tải.
Cụ thể, Điều 35 của dự thảo Luật nêu, xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 09 chỗ trở lên (kể cả chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Đối với loại xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu như: Được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số; Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Niêm yết tên và số điện thoại của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo quy định; Niêm yết giá cước vận tải đối với vận chuyển hành khách; Bảo đảm đúng thời gian và phạm vi hoạt động...
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã quy định rõ các nội dung về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.
Theo đó, thời gian làm việc của người lái xe ô tô vận tải ngoài bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động, thì cần tuân thủ quy định không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
Thời gian lái xe liên tục không quá 04 giờ. Còn thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục đảm bảo nguyên tắc: Từ 6h-22h trong ngày thì thời gian mỗi lần dừng nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu 05 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải còn lại. Từ 22h ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau thì thời gian mỗi lần dừng nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu 20 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải.
Hiện hành, Điều 65, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 04 giờ.
Về nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non, dự thảo Luật quy định loại hình phương tiện này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Ngoài ra cần có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non thì phải đáp ứng yêu cầu: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải hướng dẫn, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.
Bên cạnh đó, khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu hai người quản lý trên mỗi xe ô tô.
Đáng chú ý, lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu hai năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Ngoài ra, dự thảo yêu cầu cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em.
Cũng theo dự thảo Luật, xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón.
HOÀNG TRẦN