(LSVN) - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các địa phương để xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm khắc phục những ảnh hưởng, tác động, tranh thủ cơ hội mới, xu thế mới, đảm bảo đạt các chỉ tiêu cao nhất đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước.
Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình chung của đất nước sẽ phụ thuộc vào kết quả chống dịch, nếu kiểm soát dịch tốt, tăng trưởng năm 2021 có thể đạt từ 3,5 - 4%. Để đạt được mục tiêu này cần sự quyết tâm, nỗ lực của cả nước, trong bối cảnh năm 2022, có nhiều yếu tố mới, dịch bệnh kéo dài, khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, các nước có độ bao phủ vaccine rộng thì sẽ sớm mở cửa trở lại.
Chính vì vậy, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần phải xây dựng, cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ, khả năng ứng phó với mọi tình huống mới có thể xảy ra. Cùng với đó có các giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế nhanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể kéo dài; bắt kịp được với những xu hướng phục hồi kinh tế của thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, phải coi nội lực là cơ bản, mang tính chiến lược lâu dài và quyết định. Coi ngoại lực là quan trọng, cần thiết và đột phá; đồng thời, nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong công cuộc đổi mới, cải cách; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện tốt ba đột phá chiến lược đó là: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam, xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phân tích và dự báo mục tiêu, xây dựng mục tiêu của năm 2022 với tốc độ tăng trưởng dự kiến trình Trung ương và Quốc hội là từ 6 - 6,5%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các tỉnh, thành phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến người dân và việc duy trì sản xuất. Cùng với đó, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022…
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đồng thời, bám sát tình hình thực tế để thực hiện công tác dự báo về khả năng bố trí ngân sách của Trung ương, địa phương. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương, khắc phục những ảnh hưởng, tác động tranh thủ cơ hội mới, xu thế mới, đảm bảo đạt các chỉ tiêu cao nhất đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước.
Ngoài ra, các địa phương cần bám sát Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Hướng dẫn 4480/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục cập nhật rà soát đánh giá dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư phải phù hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, khả năng cân đối ngân sách năm 2022, xác định rõ mục tiêu cần đạt được của cả thời kỳ và từng năm để tránh dàn trải, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên. Kế hoạch phải bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng của ngành, các công trình mang tính đột phá, lan tỏa.
PV (t/h)
Quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử