Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam: Những điểm mới cụ thể được sửa đổi bổ sung (Phần 2)

24/06/2020 16:18 | 3 năm trước

(LSO) - Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (mới) đã được ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Để tạo điều kiện cho các luật sư tìm hiểu nghiên cứu và thực hiện trong quá trình hành nghề, Tạp chí Luật sư Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Một số điểm mới trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” do Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Tổ trưởng Tổ Xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc tổng hợp và biên soạn.

Sau đây, Luật sư Việt Nam Online trân trọng giới thiệu phần 2 bài viết với nội dung “Những điểm mới cụ thể được sửa đổi bổ sung trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.

Hội thảo: “Tham vấn thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam” được tổ chức tháng 10/2019.

Loại bỏ, sửa đổi những quy tắc không phù hợp

Loại bỏ

- Bỏ Quy tắc 8.2 và Quy tắc 8.3 (cũ) cho phù hợp với thực tế quan hệ giữa luật sư và khách hàng.

“8.2. Trong khi thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề luật sư;

8.3. Luật sư không được từ chối vụ việc đã nhận trừ trường hợp bất khả kháng, hoặc theo pháp luật hay Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư cho phép hoặc được khách hàng đồng ý”.

- Bỏ Quy tắc 9.1.1 (cũ) “Luật sư từ chối nhận vụ việc của khách hàng khi không đủ khả năng chuyên môn  hoặc điều kiện thực tế để thực hiện vụ việc”, vì rất khó xác định thế nào là “không đủ khả năng chuyên môn” của luật sư. Quy định này trên thực tế đã gây khó khăn cho việc xác định vi phạm đạo đức khi có khiếu nại của khách hàng.

- Bỏ Quy tắc 9.1.6 (cũ) “Luật sư từ chối khi khách hàng có thái độ không tôn trọng luật sư và nghề luật sư và không thay đổi thái độ này”, vì lý do trên thực tế rất khó xác định thái độ này của khách hàng.

- Quy tắc 14 (cũ) “Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng” có 14 quy tắc cấm được chuyển thành Quy tắc 9 mới (trong Mục 1 – Những quy tắc cơ bản) còn 10 quy tắc cấm, loại bỏ 04 quy tắc, gồm:

- Bỏ Quy tắc 14.1 (cũ) “Chủ động xúi giục, kích động khách hàng kiện tụng hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật”, vì đây đã là điều cấm của pháp luật, nên không cần đưa vào.

- Bỏ Quy tắc 14.5 (cũ) về vấn đề khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư khi kết thúc vụ việc.

“14.5. Đòi hỏi từ khách hàng hoặc người có  quyền, lợi ích liên quan với khách hàng bất kỳ khoản tiền chi thêm hoặc tặng vật nào ngoài khoản thù lao và các chi phí kèm theo đã thỏa thuận, trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư khi kết thúc địch vụ”.

Vấn đề “Hứa thưởng” hoặc khách hàng thưởng cho luật sư, bản chất là  hành vi pháp lý đơn phương từ phía khách hàng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.

- Bỏ Quy tắc 14.8 (cũ) “Thuê người môi giới khách hàng để  giành vụ việc cho mình”. Vì đã được quy định trong Quy tắc 21.4 mới.

- Bỏ Quy tắc 14.13, Quy tắc 14.14 (cũ) về đòi hỏi tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho khách hàng, hoặc từ chối đảm nhận trợ giúp pháp lý.

“14.13. Đòi hỏi tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

14.14. Từ chối vụ việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, trường hợp bất khả kháng hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Trong trường hợp có căn cứ từ chối, luật sư phải có văn bản thông báo cho tổ chức trợ giúp pháp lý, các cơ quan tiến hành tố tụng và khách hàng biết”.

Lý do điều này  đã được quy định rõ trong Luật Luật sư và Luật Trợ giúp pháp lý.

- Bỏ Quy tắc 15 (cũ) “Bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư”

“Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân mình, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tôn trọng và tain cậy của xã hội”.

Lý do vì quy tắc này mang tính chung chung và nội dung của nó cũng được thể hiện trong các quy tắc tương ứng của Bộ quy tắc mới.

- Bỏ 25.4 (cũ) “Luật sư không tìm cách nhằm kéo dài, gây khó khăn cho việc giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, vì trên thực tế rất khó xác định cho đúng các biện pháp luật sư áp dụng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Quy định này sẽ gây bất lợi cho luật sư khi các cơ quan nhà nước kiến nghị xem xét hành vi của luật sư.

- Bỏ Quy tắc 26.1 (cũ) “Luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội”.

Sửa đổi

- Sửa Quy tắc 1 (cũ) “Bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền” thành “Sứ mệnh của luật sư”.

+ Quy tắc 1 (cũ) : “Luật sư có nghĩa vụ trung thành với tổ quốc. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, luật sư góp phần bảo vệ công lý và xây dựng nhà nước pháp quyền theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”.

+ Quy tắc 1 (mới) : “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Quy định  mới này thể hiện rõ hơn chức năng xã hội của luật sư, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới quy định về tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

- Thay Quy tắc 4 và Quy tắc 5 (cũ) bằng Quy tắc 3 và Quy tắc 4 mới.

+ Quy tắc 4 (cũ). Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí : “Trợ giúp pháp lý miễn phí là lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như các vụ việc có nhận thù lao”.

+ Quy tắc 5 (cũ) . Xứng đáng với sự tin cậy của xã hội: “Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp; thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để luôn tạo được và xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư”.

+ Quy tắc 3 (mới). Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống luật sư.

“3.1. Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư.

3.2. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư”.

+ Quy tắc 4 (mới). Tham gia hoạt động cộng đồng.

“4.1. Luật sư luôn dẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp luật sư.

4.2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tậm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao”.

- Sửa đổi Quy tắc 9.1.3 (cũ) thành Quy tắc 11.2 (mới).

+ Quy tắc 9.1.3 (cũ). Luật sư phải từ chối khi  “Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư với ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích khác hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu không chính đáng của người khác”.

+ Quy tắc 11.2 (mới). Luật sư phải từ chối khi “Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư mà luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó  cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác”. Lý do, trong thực tế, rất khó xác định ý thức chủ quan trong hành vi của khách hàng, phải xác định “luật sư biết rõ” mới đủ căn cứ để xem xét ứng xử của luật sư.

- Sửa đổi Quy tắc 10 (cũ)  “Đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý” (gồm 2 mục) thành Quy tắc 14 mới còn 01 mục.

- Sửa đổi toàn bộ Quy tắc 11 (cũ) “Giải quyết xung đột về lợi ích” thành Quy tắc 15 mới “Xung đột về lợi ích”.

+ Quy tắc 11 (cũ) gồm 02 nhóm Quy tắc:

- Quy tắc 11.1.  là một quy phạm định nghĩa về “xung đột lợi ích” nhưng chưa bảo đảm tính khái quát chung về xung đột lợi ích mà chỉ nêu ra đối tượng và phạm vi xung đột về mặt chủ thể, nên gặp nhiều hạn chế trong xác định trên thực tế;

- Quy tắc 11.2 quy định việc ứng xử của luật sư trong 04 trường hợp có xung đột về lợi ích, không bao quát hết được thực tế xung đột.

+ Quy tắc 15 (mới) gồm  04 nhóm quy tắc:

- Quy tắc 15.1. Cũng là một quy phạm định nghĩa nhưng mang tính khái quát cao dựa trên tiêu chí bảo đảm quyền lợi của khách hàng trong mối quan hệ khách hàng - luật sư.

- Quy tắc 15.2. Quy định về ứng xử  chung của luật sư khi có xung đột về lợi ích.

- Quy tắc 15.3. Quy định về 07 trường hợp xung đột lợi ích  rõ ràng, dễ xác định.

- Quy tắc 15.4. Quy định ứng xử tùy nghi của luật sư trong một số trường hợp nhất định, dựa trên sự tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng.

+ Thêm Quy tắc 15.2 về trách nhiệm của luật sư đối với trường hợp xung đột lợi ích.

Sửa đổi trên đã khắc phục thiếu sót về xung đột lợi ích trong Quy tắc 11 (cũ) bằng quy định rõ luật sư phải từ chối  và tôn trọng quyền của khách hàng trong các trường hợp xung đột lợi ích cụ thể.

- Sửa đổi Quy tắc 21 (cũ). Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội-nghề nghiệp luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, tách ra thành 2 quy tắc: Quy tắc 22 mới  “Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư” và Quy tắc 25 mới “Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư”. Lý do: Vì đây là 02 tổ chức có vị trí và đặc tính xã hội khác nhau. Tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên  của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư.

Việc sửa đổi được thực hiện theo hướng:

 + Bỏ toàn bộ Quy tắc 21.2  “Luật sư có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ…”, vì các nghĩa vụ này đã được quy định trong Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

+ Chuyển Quy tắc 21.3 “Trong hành nghề, luật sư không được sử dụng các chức danh khác của mình ngoài danh xưng luật sư để mưu cầu lợi ích trái pháp luật” sang Quy tắc  9.10 (mới). Luật sư không được “lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xưng luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật”.

+ Thiết kế lại toàn bộ nội dung Quy tắc 22. Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư.

+ Thêm Quy tắc 25.2  mới quy định về nguyên tắc đóng góp ý kiến của luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.

- Sửa đổi tên Chương IV Bộ Quy tắc (cũ)  “Quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng” thành “Quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng” trong Bộ Quy tắc mới.

 - Tách Quy tắc 23 (cũ) “Ứng xử của luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng”thành 02 quy tắc mới : Quy tắc 26 “Quy tắc chung khi tham gia tố tụng” và Quy tắc 27 “Ứng xử tại phiên tòa”.

- Sửa Quy tắc 24 (cũ) “Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng” thành Quy tắc 28 mới, theo hướng:

+ Bỏ toàn bộ Quy tắc 24.1, 24.2, 24.3, 24.4, 24.5 vì những nội dung này đã được quy định trong Luật Luật sư và Bộ luật TTHS.

+ Sửa đổi câu chữ trong Quy tắc 24 (cũ) cho gọn lại trong Quy tắc 28. “Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng”.

“28.1. Phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng về những vấn đề có liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

28.2. Phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng.

28.3. Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật”.

- Sửa đổi tên Chương V “Quan hệ với các cơ quan nhà nước khác” thành “Quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác” cho đầy đủ các mối quan hệ ngoài tố tụng của luật sư.

- Sửa đổi Quy tắc 25 (cũ) “theo hướng:

+ Tách Quy tắc 25 (cũ) thành 02 quy tắc mới : Quy tắc 29 “Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác”  và Quy tắc 30 “Ứng xử trong quan hệ với tổ chức, cá nhân khác”.

- Sửa đổi Quy tắc 26 (cũ) “Quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng” thành Quy tắc 31 mới “Thông tin, truyền thông” theo hướng: Thiết kế lại toàn bộ nội dung Quy tắc về  thông tin, truyền thông.

Bổ sung một số quy tắc mới

- Bổ sung Quy tắc 10.1 “Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không” nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm của luật sư khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng và Quy tắc 10.5 về Hợp đồng dịch vụ pháp lý.

- Bổ sung Quy tắc 12.4  “Trong trường hợp đang cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các luật sư có thể gây bất lợi cho khách hàng thì luật sư phải thông báo  để khách hàng thực hiện quyền lựa chọn”. Đây là quy định về cách ứng xử giữa các luật sư cùng bảo vệ quyền lợi của một khách hàng trong vụ việc cụ thể.

- Bổ sung Quy tắc 16 về thông báo kết quả thực hiện vụ việc của khách hàng.

- Bổ sung Quy tắc 21 “Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp” bằng Quy tắc 21.7. Luật sư không được “Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề”… và Quy tắc 21.8. Luật sư không được “Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư”.

- Bổ sung Quy tắc 23 “Ứng xử của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân”.

- Bổ sung Quy tắc 24.2.4 là quy tắc cấm luật sư “Xác nhận không phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào Nhật ký tập sự hành nghề luật sư và Hồ sơ thực hành để người tập sự hành nghề luật sư được tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư”.

Có ý kiến góp ý không nên đưa quy tắc cấm này vào Bộ Quy tắc vì vấn đề này thuộc quy định Điều lệ, của pháp luật về tập sự hành nghề luật sư. Tổ dự thảo nhận thấy, về khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, đây là vấn đề thường gặp trong các kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư, biểu hiện tính thiếu trách nhiệm của người hướng dẫn. Hơn nữa, Điều lệ và pháp luật chưa quy định cụ thể về điều này. Do vậy, Bộ Quy tắc mới vẫn giữ nguyên quy định trong Quy tắc 22.2.4.

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM
Tổ trưởng Tổ Xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
/bo-quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-viet-nam-qua-trinh-xay-dung-va-mot-so-diem-moi-phan-1.html