(LSVN) – Trước những khó khăn vướng mắc trong thực tế thực hiện các dự án xây dựng, thi công cao tốc, các đơn vị thi công, nhà thầu khi trúng thầu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên vật liệu xây dựng như: đất, đá, cát… vì vướng mắc liên quan đến những đặc thù đối với quy định về Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đã quyết liệt chỉ đạo xử lý nhằm thực hiện tốt dự án trọng điểm. Trong đó có phong trào thi đua mà Thủ tướng Chính phủ phát động “500 ngày đên hoàn thành 3000km” cao tốc đường bộ đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Các địa phương áp dụng cơ chế đặc thù
Trước đó, ngày 20/6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 4766/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Bãi tập kết khoáng sản của một doanh nghiệp cung cấp cho Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hoà gặp khó về quy định của Luật Đất đai.
Thực hiện Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Văn bản số 2082/VPCP-CN ngày 29/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ theo Công điện số 57/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2304/BTNMT-KSVN ngày 05/4/2023 đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố, các bộ ngành liên quan rà soát, làm rõ hơn nữa các vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan tới việc cấp phép các mỏ cát, đất san lấp phục vụ đường cao tốc, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, làm cơ sở hướng dẫn chi tiết hơn những nội dung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ theo quy định. Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, địa phương, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ về cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ thêm về thủ tục đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác.
UBND tỉnh, thành xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản
Các nghị quyết của Quốc hội đã cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (thời gian áp dụng cho từng dự án căn cứ từng nghị quyết của Quốc hội), các nghị quyết của Chính phủ đã hướng dẫn thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Như vậy, trình tự, thủ tục khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án được thực hiện tương tự như đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình.
Nhà thầu thi công dự án chỉ lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (sau đây gọi là hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác) theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên; cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản (theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Phương tiện khai thác khoáng sản và những bất cập trong thực tiễn khai thác.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản (sau đây gọi là bản xác nhận khối lượng khai thác) trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công dự án. Thành phần, trình tự thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên (theo hướng dẫn tại Phụ lục II kèm theo Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS nêu trên).
Tuân thủ luật bảo vệ môi trường
Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, trong đó, các nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản nên không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS nêu trên. Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông; tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.
Khảo sát trữ lượng, khối lượng trước khi xác nhận quyền khai thác
Đối với các mỏ đã được khảo sát, thăm dò xác định chất lượng, trữ lượng trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho các nhà thầu thi công Dự án.
Trường hợp trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa có số liệu về tài nguyên, trữ lượng thì chỉ đạo việc thực hiện khảo sát nhanh mà không phải thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản (không quy định mức độ xác định cấp tài nguyên, trữ lượng). Địa phương cân nhắc mức độ khảo sát, đánh giá để có số liệu lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng để lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Việc khảo sát nhanh có thể tham khảo một số bước cần thiết theo Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp.
Doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính
Do các Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nên việc tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp không bắt buộc tiến hành thăm dò quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản hoặc trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐCP ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Các loại thuế, phí khác thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí và pháp luật khác có liên quan.
UBND cấp tỉnh căn cứ khối lượng khoáng sản theo Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác (được xác định tại mục 3), tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở xác định các nghĩa vụ tài chính liên quan để yêu cầu nhà thầu thực hiện. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức được tính theo sản lượng khai thác thực tế và thu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP nêu trên.
Về chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản
Liên quan đến việc xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư (trong đó có đơn giá tính chi phí hoàn trả) được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ; Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư; Thông tư số 23/2018/TT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về tổ chức xác định, thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư.
Trường hợp chi phí thăm dò khoáng sản do các tổ chức, cá nhân khác đã đầu tư, theo đó, việc hoàn trả được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên. Cụ thể, được thực hiện với nguyên tắc “tự thỏa thuận” theo pháp luật về dân sự. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định chi phí đã đầu tư phải hoàn trả theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Về thu hồi, sử dụng đất
Đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật. Đối với các khu mỏ đất không thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai. Do đó, Chủ đầu tư thực hiện sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thành phần hồ sơ, tiếp nhận, thẩm định, xác nhận đăng ký khối lượng khai thác; thu hồi, sử dụng đất và một số nội dung liên quan đến cung cấp vật liệu dựng phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành liên quan phối hợp, chỉ đạo thực hiện.
Thực tiễn xác nhận quyền khai thác còn nhiều vướng mắc theo quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu… khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện khai thác. Rất cần sự chỉ đạo, đồng hành và tháo gỡ những tồn tại vướng mắc từ thực tế. Đối với các mỏ đươc xác nhận cấp quyền khai thác mỏ đá, mỏ đất, mỏ cát phục vụ các Dự án cao tốc. Đặc thù là thời gian thi công hoàn công dự án không dài, dẫn tới việc xác nhận quyền khai thác cũng có thời hạn cụ thể, trữ lượng khối lượng cụ thể… Chính vì lẽ đó tồn tại những bất cập.
Nhằm phát huy hết nguồn lực thực hiện thành công thắng lợi phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3000km” cao tốc đưa vào sử dụng trong năm 2025, mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động vào ngày 18/8, tại Đắk Lắk.
LAM SƠN