Robot được sử dụng để chiên gà tại một nhà hàng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN.
Sau nhiều cuộc đàm phán khó khăn, ngày 02/02/2024, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua quy định toàn diện đầu tiên nhằm quản lý Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton cho biết các nước thành viên đã thông qua thỏa thuận chính trị đạt được hồi tháng 12/2023.
Ông Breton và chính phủ Bỉ - nước hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU - bày tỏ hoan nghênh động thái tích cực này.
Các đại sứ EU đã nhất trí với dự luật về AI tại cuộc họp ngày 2/2 ở Brussels, sau khi giải quyết được những mối lo ngại của Pháp và Đức.
Trong đó, Pháp lo ngại vấn đề bản quyền và AI tạo sinh. Còn những người tại Đức phản đối cho rằng dự luật đặt ra những rào cản quá mức với các doanh nghiệp.
Tháng 4/2021, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất khung pháp lý đầu tiên của EU đối với AI.
Đề xuất này nhằm tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như bảo đảm để các hệ thống AI được đưa vào thị trường EU tuân thủ luật pháp hiện hành của khối, bảo đảm sự chắc chắn về mặt pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và đổi mới AI, tăng cường quản trị và thực thi hiệu quả luật pháp EU về các quyền cơ bản và yêu cầu an toàn cho hệ thống AI, tạo điều kiện phát triển một thị trường chung cho các ứng dụng AI hợp pháp, an toàn và đáng tin cậy cũng như ngăn chặn sự phân mảnh của thị trường.
Theo dự luật, EC đề xuất thiết lập các tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: Rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp.
Việc không tuân thủ các quy định có thể dẫn đến mức phạt từ 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. EP cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI, một cơ quan mới của EU để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật AI, cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.
Tháng 12/2023, các nước thành viên và các Nghị sĩ EU đã đạt được thỏa thuận về dự luật và việc thông qua sau đó lẽ ra chỉ mang tính hình thức.
Tuy nhiên, một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, bày tỏ lo ngại đạo luật AI khi được triển khai sẽ không đem lại hiệu quả, dẫn đến vòng đàm phán mới được tổ chức.
Nghị viện châu Âu dự kiến bỏ phiếu về dự luật vào tháng 3 hoặc 4 tới, trước khi văn bản này chính thức trở thành luật.
Luật dự kiến có hiệu lực trước mùa Hè. Một số điều khoản của luật được áp dụng 6 tháng sau đó, trong khi những điều khoản khác bắt đầu từ năm 2026.
Theo TTXVN